Đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2021: "Xin đừng đếm ý để cho điểm Văn"
(Dân trí) - Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2021 được đánh giá khá "mở" nhưng nhiều người cho rằng đáp án "đóng", gây tranh cãi.
"Xin đừng đếm ý để cho điểm Văn"
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, mạng xã hội lan tỏa bài viết của cô giáo Hà Hoài Phương (Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai). Cô cho rằng, từ những tin nhắn buồn bã, than thở, chán nản, thất vọng của học sinh làm cô suy nghĩ và lên tiếng với hội đồng chấm thi.
"Xin các thầy cô hãy thương học trò mà đừng đếm ý, đừng máy móc bám vào dấu trừ, dấu cộng trong đáp án để cho điểm. Tư duy của học trò đôi khi không nằm trong những cộng trừ ấy...
Xin các thầy cô hãy thương học trò mà trân trọng những bài làm thể hiện sự say mê, tâm huyết của các em đối với văn chương. Giám khảo hãy dùng "con mắt xanh" để thẩm văn, để giữ niềm yêu văn chương ít ỏi còn sót lại trong những lớp học trò hôm nay.
Xin hãy thương học trò, trước hết vì tương lai của các em nằm trong điểm số định mệnh mà chúng ta hạ bút, sau nữa là vì chính chúng ta. Đừng để học trò mất niềm tin khi chính chúng ta đang dạy cho chúng bài học về tình yêu thương và lẽ công bằng", cô Phương viết trên mạng xã hội.
Trên mạng xã hội và một số diễn đàn, giáo viên, học sinh cũng tranh cãi gay gắt về đáp án và đề thi Ngữ văn năm nay.
Đây không phải lần đầu tiên đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi. Cô Mai Khanh - giáo viên trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) cho rằng, đây là điều dễ hiểu vì đề thi môn Ngữ văn thường đề cập các tác phẩm quen thuộc trong cuộc sống cộng đồng, phần nghị luận xã hội thường là những ngữ liệu quen thuộc được lấy từ đời sống.
Vì vậy, ai cũng có thể có quan điểm riêng và dùng kiến thức, cảm xúc lẫn kinh nghiệm để diễn giải quan điểm cá nhân đó của mình. Điều này đòi hỏi sự khách quan, nghiêm túc và phông kiến thức chắc chắn của hội đồng ra đề đối với môn Ngữ văn.
Theo một số giáo viên Ngữ văn, câu hỏi trong đề vốn đã gây băn khoăn khi ép thí sinh hiểu về "sống cống hiến" một cách gượng gạo. Trong khi người "đọc hiểu" đoạn ngữ liệu sẽ hình dung đến các giá trị khác trước khi liên tưởng đến "cống hiến".
Với các đề mở, lẽ ra cần chấp nhận cả suy nghĩ trái chiều, phản biện của thí sinh - đó là cách để kiểm tra các năng lực cần thiết để các em bước ra cuộc sống: khả năng quan sát, tư duy độc lập, khả năng phản biện, lập luận... chứ không phải sao chép, rập khuôn lối tư duy mà thầy, cô đã áp đặt.
Đề mở nhưng đáp án hầu như chỉ có một phương án
Cô Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nói rằng, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án và thang điểm chấm thi môn Ngữ văn, nhiều học trò của cô đã thốt lên "Đôi khi, sâu sắc cũng không được"!
Với câu nghị luận văn học, cô Tuyết nêu quan điểm, phần cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đều chưa đề cập tới một nét rất "nữ tính" và rất "Xuân Quỳnh", đó là những dự cảm lo âu, bất ổn ngay trong đằm thắm, khát khao…
Về đề Ngữ văn năm nay, cô nhận định, đề không hẳn mở, còn đáp án thì hầu như chỉ có một phương án.
Nên tạo không gian rộng hơn cho các phương án trả lời của bài làm học sinh, để giám khảo có thể chủ động tự quyết trong cách đánh giá bài học sinh, nhất là với những hướng suy nghĩ, cảm nhận logic, thuyết phục nhưng không trùng đáp án. Vì vậy, chỉ nên coi các phương án trả lời trong đáp án là gợi ý tham khảo, cô Tuyết nói.
"Nhìn chung, với tính cá thể hóa cao độ của môn Văn và tính đa dạng, khác biệt của các chủ thể tiếp nhận, không nên đưa ra những phương án đáp án cứng nhắc, đáp án chỉ nên là một hay nhiều phương án gợi ý tham khảo cho học trò và giám khảo trong việc đối chiếu và đánh giá bài làm!
Quan trọng và chính xác nhất vẫn là đánh giá công tâm của giám khảo trước các phương án Nghị luận/ cách cảm/ cách hiểu thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo và cái tôi cá tính của học trò. Chúng ta đang hướng đến tôn trọng sự khác biệt nhưng lại áp đặt quan điểm bằng hình thức đưa ra một đáp án, một phương án trả lời. Nếu giám khảo cứng nhắc, học sinh sẽ rất thiệt khi các em đưa ra hướng trả lời khác hợp lý nhưng không có trong đáp án" - TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.
Thầy H.V.L, giáo viên dạy Văn ở Hà Nội, nhận xét biểu điểm cho hai câu đầu trong phần Đọc hiểu đang rộng so với yêu cầu đề bài. Theo thầy L., với yêu cầu chép lại thông tin đã có trong văn bản mà học sinh tiểu học, THCS cũng làm được, hai câu này nên chiếm quỹ điểm ít hơn, khoảng 0,5 điểm.
Ngoài ra, thầy H.V.L. đánh giá, câu 3 phần Đọc hiểu còn mơ hồ trong cách hỏi và khiên cưỡng, áp đặt trong đáp án. "Cắt khúc một đoạn văn rồi yêu cầu học trò nhận xét theo hướng êm đềm hài hòa, những học trò có tư duy phản biện sắc sảo sẽ bức bối, khó chịu vì cảm giác áp đặt. Những học sinh ngoan hiền yên tâm về dòng đời êm ả (như bài thi). Sự yên tâm sẽ khiến các em phải trả giá đau đớn khi gặp ghềnh thác", thầy H.V.L nêu quan điểm.
Đào Thanh Huyền, một học sinh ở Hà Nội bình luận, "Đề đọc hiểu nhưng đọc mãi không hiểu!" sau khi đối chiếu bài làm của mình với đáp án chính thức được công bố.
Bạn Bùi Dương Nguyễn Ngọc, thí sinh dự thi năm nay hài hước bình luận: "Cứ ngỡ "Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông" nhưng sau khi nhận đáp án, thành "Bất hạnh thay tiếng khóc trên đề thi". Ngọc cho biết, cô hoàn thành tất cả các câu trong đề, nhưng "phóng bút" theo ý hiểu của mình và không quá sát với đáp án của Bộ GD-ĐT.
Bạn Thanh Mai bình luận dưới đáp án: "Câu 1 phần 2 em viết hết một mặt giấy. Phần nhận xét vẻ nữ tính của Xuân Quỳnh, em nhận xét cả vẻ truyền thống và hiện đại, còn câu 3 phần Đọc hiểu thì em viết dòng sông chứng kiến nhiều sự việc, dòng chảy êm đềm, lặng lẽ, từ đó có thể thấy mỗi người cũng nên sống chậm lại để cảm nhận mọi thứ.
Em thấy bài làm của mình với đáp án có vẻ "lạc nhau muôn đời". Ngay khi nhận đáp án, em muốn "đứng hình" luôn, vì nếu các thầy cô chấm bám sát barem, thì coi như bài của em lạc đề hoàn toàn!"