Đề thi tham khảo môn Toán tốt nghiệp THPT có câu hỏi phân loại cao

(Dân trí) - Một số chuyên gia đánh giá, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Toán khá “mềm”, tăng câu hỏi cơ bản, có câu hỏi phân loại cao và đặc biệt, có câu hỏi mang “hơi thở cuộc sống”.

Không có câu hỏi trong phần giảm tải

Theo thầy Hà Văn Thắng, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang), đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Toán có số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm tỉ trọng lớn: 75-80% tổng số lượng câu hỏi trong đề thi, tăng 5-10% so với đề thi THPT quốc gia những năm trước đây.

Số lượng câu hỏi vận dụng và vận dung cao giảm. Tuy nhiên, đề vẫn có một số câu mang tính phân loại cao.

Theo thầy Thắng, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT có nội dung bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Toán cấp THPT.

Mạch kiến thức của đề được sắp xếp theo tuyến tính của chương trình, từ kiến thức lớp 11, đến học kì 1 lớp 12, và sang học kì 2 lớp 12.

Bố cục này tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên dễ hình dung được các nội dung kiến thức cần thiết, trọng tâm, để từ đó ôn tập hiệu quả cho kỳ Tốt nghiệp THPT 2020.

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Toán không có câu hỏi nào thuộc nội dung giảm tải và nội dung tinh giản của học kì 2, năm học 2019-2020.

Với số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu tăng lên và tập trung vào kiến thức rất cơ bản, quen thuộc nên, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, theo chương trình đã được tin giản, là có thể trả lời đúng.

Đề thi tham khảo môn Toán tốt nghiệp THPT có câu hỏi phân loại cao - 1

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Toán khá “mềm”, tăng câu hỏi cơ bản, có câu hỏi phân loại cao.

Các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT không chiếm khoảng khoảng 20%-24% (12 câu), nhưng đánh đố, không mẹo mực, không phức tạp trong tính toán, có thể phân loại được học sinh khá -giỏi.

Trong đó, hầu hết câu hỏi là quen thuộc với học sinh, có 1-2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.

“Với đề thi tham khảo này, phổ điểm trung bình có thể từ 6-6,5 điểm. Học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm, học sinh khá có thể đạt 7-8 điểm, học sinh giỏi có thể đạt 9-10 điểm.

Nội dung và mức độ như đề thi tham khảo đảm bảo yêu cầu, mục đích xét tốt nghiệp THPT theo chuẩn kiến thức kĩ năng môn Toán, phù hợp với thực tế dạy và học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Kết quả của đề thi này, vẫn đảm bảo độ tin cậy để các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh”, giáo viên Hà Văn Thắng nói.

Có câu hỏi mang "hơi thở cuộc sống

Giáo viên Lê Phong Phú, trường THPT Châu Văn Liêm (thành phố Cần Thơ) cũng đánh giá, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Toán phù hợp mục đích xét tốt nghiệp THPT.

Đề vẫn có tỷ lệ câu hỏi phân hóa, dù giảm so với đề thi THPT quốc gia các năm trước đây, nhưng vẫn có thể làm căn cứ để các đại học sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào.

Đề thi có 45 câu hỏi (chiếm 90%) có nội dung trực tiếp thuộc chương trình lớp 12 và 5 câu hỏi (chiếm 10%) có nội dung trực tiếp thuộc chương trình lớp 11.

Theo đó, có 6 chủ đề thuộc chương trình lớp 12 được đặt ra trong đề thi, gồm: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát, đồ thị của hàm số (12 câu); Hàm số Lũy thừa, hàm số Mũ và hàm số Lôgarit (9 câu); Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng (5 câu); Số phức (5 câu); Khối đa diện (3 câu); Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (5 câu); Phương pháp tọa độ trong không gian (6 câu). Chương trình lớp 11 có 03 chủ đề được nhắc đến, là: Dãy số và giới hạn (1 câu); Tổ hợp-Xác suất (2 câu); Góc và Khoảng cách trong không gian (2 câu).

Đề thi tham khảo môn Toán tốt nghiệp THPT có câu hỏi phân loại cao - 2

Có 2 câu hỏi gắn với mô hình thực tế thuộc chủ đề Tổ hợp-Xác suất và Mũ-Lôgarit khá thú vị, “có hơi thở cuộc sống”.

Trong số 45 câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, có 14 câu thuộc nội dung chương trình học kỳ 2, tất cả đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11, không có câu nào ở mức độ vận dụng cao.

Thầy Lê Phong Phú cho biết thêm, các câu hỏi ở mức độ nhận biết của đề thi đòi hỏi học sinh chỉ cần nhớ các khái niệm, các tính chất cơ bản, các công thức…

Học sinh cũng cần nhớ được dạng đồ thị của hàm số thường gặp, nhận dạng phương trình tổng quát của mặt phẳng, phương trình chính tắc của đường thẳng…

Thời gian trung bình mỗi học sinh cần để trả lời một câu hỏi này là khoảng 15 giây đến 1 phút.

Với các câu hỏi mức độ thông hiểu, theo thầy Phú, đề chỉ yêu cầu học sinh nhớ các khái niệm, công thức, tính chất, rồi áp vào các tình huống cụ thể, quen thuộc và thực hiện các phép biến đổi, tính toán rất đơn giản là nhanh chóng tìm được đáp án.

Với các câu hỏi mức độ vận dụng, cách hỏi và các bước tư duy giải Toán khá quen thuộc với học sinh, nhưng cũng cần hiểu sâu sắc bản chất vấn đề.

Có 2 câu hỏi gắn với mô hình thực tế thuộc chủ đề Tổ hợp-Xác suất và Mũ-Lôgarit khá thú vị, “có hơi thở cuộc sống”.

Sử dụng 3 bước suy luận và yêu cầu tính toán không quá phức tạp, trung bình mỗi học sinh khá cần khoảng 2,5 phút để giải quyết một câu hỏi ở mức độ này.

Các câu hỏi mức độ vận dụng cao được thiết kế với nhiều hướng tiếp cận khác nhau, nhiều cách giải.

Ngoài ra, đề thi có nhiều câu hỏi có hình vẽ và hình vẽ minh họa, giúp học sinh nhìn nhận vấn đề trực quan hơn, tiết kiệm thời gian vẽ hình, nhanh chóng tìm được đáp án.

“Thời gian vừa qua học sinh học online, tự học ở nhà do Covid-19, nên việc có đề tham khảo một trong những tín hiệu đáng mừng, giúp các thí sinh yên tâm học tập, ôn luyện, chuẩn bị cho kì thi.

Với việc giảm độ khó, giảm tỷ trọng câu hỏi khó, đề thi này đã phù hợp với thực tế dạy - học, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT của kỳ thi. Học sinh khá - giỏi vẫn có thể được phân loại bằng đề thi tham khảo này”, thầy Phú nói.

Q. Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm