Đề thi chuyên Văn, Toán vào lớp 10 của Hà Nội: Đề hay, không quá khó!
(Dân trí) - Thí sinh thi vào hệ chuyên Văn, Toán của Hà Nội vừa kết thúc chiều ngày 18/7, nhiều giáo viên nhận định đề Toán hay, cấu trúc đề thi tương tự như các năm trước, đề Văn có nội dung cụ thể, dễ viết.
Đề thi chuyên Toán: Đề bài hay, cấu trúc đề thi tương tự như các năm trước
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng, giáo viên môn Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Nhìn chung, đề bài hay, cấu trúc đề thi tương tự như các năm trước, trải dài trên nhiều kiến thức về đại số, hình học và số học.
Đề thi sử dụng nhiều kiến thức của các chương trình toán nâng cao các lớp dưới để giải. Đề thi có mức độ phân hóa tốt, có khả năng lựa chọn được những học sinh xuất sắc để học chuyên toán. Một số bài toán nâng cao và có sự phân hóa tốt như câu 4.3 và bài 5.
Dự kiến điểm trung bình học sinh có thể đạt được khoảng 6 điểm, ít có điểm 10.
Bài 1. Gồm 2 ý tương tự như đề thi năm 2019 và 2018. Bài toán gồm 2 ý. Ý thứ nhất là một bài tập giải phương trình vô tỷ. Học sinh cần lưu ý đến điều kiện của x trước khi giải. Thí sinh có thể sử dụng phương pháp biến đổi tương đương hoặc đặt ẩn phụ để giải. Ý thứ hai là một bài toán là một bài tập không khó.
Bài 2: Gồm 2 ý trong đó, ý thứ nhất là một bài toán chứng minh chia hết. Đây không phải là một bài toán số học khá cơ bản khi học chia hết. Học sinh lần lượt chứng minh A chia hết cho 3 và cho 5. Phần b là một bài toán chứng minh có thể khá lạ đối với học sinh, thí sinh cần vận dụng tốt kỹ năng biến đổi và áp dụng triệt để m, n là các số nguyên dương để giải.
Bài 3, Gồm 2 ý cũng khá hay. Ý thứ nhất vận dụng kiến thức về đa thức, học sinh cần lưu ý đa thứ dư sẽ là một nhị thức bậc nhất và chỉ cần thay x=1, x=3 và vận dụng giả thiết là giải được bài. Ý thứ hai cũng khá hay khi học sinh cần vận dụng kiến thức bất đẳng thức tốt.
Bài 4: Một bài toán hình học gồm 3 phần, Hai phần đầu là bài tập không khó khi cần chứng minh hai tam giác đồng dạng, và chứng minh các góc bằng nhau. Phần thứ ba đòi hỏi thí sinh cần dụng dụng tốt các kiến thức về hình học để giải.
Bài 5: Cũng tương tự như 2 năm trước, đề thi năm nay cũng có xu hướng là một bài toán rời rạc dành cho bài số 5. Bài này được đánh giá là ở mức độ khó và tìm ra được những thí sinh có năng khiếu về tư duy toán học. Giải bài phần a, thí sinh có thể dễ vẽ ra một trường hợp để tô màu để m=20. Tư duy để giải dạng bài tập này có thể sử dụng tổng quát hóa bài toán hoặc quy nạp để giải.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đánh giá đề thi có cấu trúc ổn định như các năm trước, độ khó cũng không thay đổi nhiều.
Cụ thể như sau: Bài 1 tương đối nhẹ nhàng, với 1 phương trình giải bằng đặt ẩn phụ và bài biến đổi đại số quen thuộc. Bài 2 đơn giản hơn với 1 ý về chia hết, ý 2 khó hơn khi kết hợp phần đánh giá. Bài 3 gồm 1 ý hỏi về đa thức rất quen thuộc, và ý 2 về bất đẳng thức với nhiều hướng giải.
Tuy nhiên ý này không dễ với học sinh. Bài số 4 về hình học, liên quan đến đường tròn bàng tiếp nên sẽ làm một số học sinh sẽ lúng túng khi giải. Nhưng nếu học sinh vẽ hình xong thì ý 1 và 2 không quá phức tạp. Ý 3 thì khó hơn, mang tính phân loại học sinh.
Bài 5 là bài tổ hợp, có ý 1 gợi mở và cũng giúp học sinh lấy điểm. Ý 2 đòi hỏi học sinh có kiến thức tốt mới xử lí được.
Nhìn chung với đề thi này phổ điểm học sinh có thể đạt khoảng 5-6 điểm.
Nhận định về đề thi chuyên Văn của Hà Nội, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI: “Đề có nội dung cụ thể, dễ dàng trong định hướng làm bài”
Theo cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI: Đề thi năm nay có cấu trúc quen thuộc với hình thức đề thi gồm 2 câu hỏi lần lượt là câu về nghị luận xã hội (4 điểm) và câu về nghị luận văn học (6 điểm).
Cụ thể từng câu như sau:
Câu 1: Phần Nghị luận xã hội bắt đầu từ một nhận định “Nơi đây có vô vàn anh hùng thầm lặng đang sống và chiến đấu cùng nhân dân” trong cuộc chống dịch Co-vid 19. V
ấn đề nêu ra cho dù mang tính thời sự nhưng không mới mẻ, bởi điều kì diệu mà các anh hùng thầm lặng đem đến cho cuộc sống là vấn đề quá quen thuộc trong đời sống, cũng như trong văn học.
Đề này dễ viết, nhưng để viết hay, đòi hỏi học sinh phải tinh tế trong việc chọn dẫn chứng và cần biết cách khai thác theo quan điểm của cá nhân để tránh tình trạng viết ra “những bài văn quốc dân”.
Câu 2: Câu hỏi phần Nghị luận văn học đề cập đến một vấn đề lí luận, đó là quan điểm của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật: “Có những truyện ngắn chứa đựng tư tưởng cao sâu mà câu chuyện vẫn dung dị, chi tiết vẫn là chi tiết của đời sống bình thường hàng ngày”.
Đề đưa ra những khía cạnh đối lập “cao sâu” và “dung dị” nhưng không loại trừ, mà bao chứa nhau. Có những vẻ đẹp kì diệu, những tư tưởng lớn lao ẩn sâu đằng sau lớp ngôn ngữ mang hơi thở của đời thường và vai trò của chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật bởi “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (Mác- Xim Gor-ki).
Như vậy, vẫn là vấn đề quen thuộc trong hình thức và nội dung, nhưng so với đề của một số trường chuyên khác thì giới hạn dẫn chứng có phần hẹp hơn khi chỉ khuôn khổ trong “một vài tác phẩm trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở”, và phải là truyện ngắn.
Nhìn chung, đề thi này có phạm vi kiến thức nằm trong chương trình Trung học cơ sở, nội dung có tính định hướng rõ ràng. Tuy nhiên, nội dung đề thi không quá khó, dễ xác định trọng tâm bài làm, vì vậy yêu cầu học sinh phải nắm vững lí luận để phân tích và làm bài.
“Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021 môn thi chuyên Văn tập trung khai thác năng lực cảm thu văn học của học sinh cũng như kĩ năng lập luận. Tuy nhiên, cách ra đề hơi theo lối mòn, chưa có đất để học sinh bộc lộ những cảm nhận riêng, độc đáo, nhiều học sinh có thể sẽ đạt điểm từ 6 đến 7,5 điểm”’, cô Phượng cho biết.
Nhật Hồng