Đề tham khảo Ngữ Văn: Không xáo trộn, bất ngờ nhưng mang hơi thở cuộc sống

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước đề Văn tham khảo của Bộ GD&ĐT, một số giáo viên Ngữ Văn cho rằng, đề khá giống với đề thi chính thức năm 2019, không khó, vừa sức học sinh.

Chia sẻ lại đề Văn chính thức năm 2019, một giáo viên Văn ở TPHCM cho hay, cô có cảm giác như đề minh họa 2021 lấy lại đề chính thức 2019, thay vào một vài chữ, thay đoạn văn bản, câu hỏi... để có đề minh họa.

Đề tham khảo Ngữ Văn: Không xáo trộn, bất ngờ nhưng mang hơi thở cuộc sống - 1

Qua đề, cô chưa thấy có sự đầu tư, sáng tạo, chăm chút trong ý tưởng, cách thể hiện, chọn nội dung văn bản của người ra đề. 

Vậy nên, không có gì lạ khi đề không bất ngờ, thiếu mới mẻ, khó tạo cảm hứng cho người học, người dạy.

Đề tham khảo Ngữ Văn: Không xáo trộn, bất ngờ nhưng mang hơi thở cuộc sống - 2

Theo nhiều giáo viên, đề minh họa môn Ngữ văn không mới mẻ, bất ngờ và khá giống với đề thi chính thức 2019

"Đề này tôi đánh giá dễ và cũ. Có thể Bộ GD&ĐT muốn tạo sự nhẹ nhàng để học sinh (HS) và giáo viên (GV) không phải lo lắng, áp lực", cô nêu quan điểm. 

Không xáo trộn, bất ngờ nhưng mang hơi thở cuộc sống

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM chia sẻ với Dân trí:  "Đề thi minh họa năm 2021 về cơ bản giống hết về cấu trúc của đề chính thức các năm trước". 

Nghĩa là khi không có xáo trộn, bất ngờ gì trong đề minh họa, việc ôn luyện của thầy trò trên cả nước cũng sẽ cứ tiến hành theo lộ trình đã định. 

Nhìn tổng thể đề khá vừa vặn với học sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có tính phân hóa thí sinh ở câu nghị luận văn học. Học sinh với 120 phút cũng có thể làm hết và làm tốt đề này. 

Đề tham khảo Ngữ Văn: Không xáo trộn, bất ngờ nhưng mang hơi thở cuộc sống - 3
Học sinh tại TPHCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Đề khá giống với đề thi chính thức năm 2019 vì cũng chọn một văn bản thơ để đọc hiểu và chọn một đoạn trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường) cho học sinh cảm nhận ở câu nghị luận văn học. Và như vậy, với tâm lí chủ quan, rất có thể giáo viên và học sinh trên cả nước năm nay sẽ có lí do để loại trừ tác phẩm này ra khỏi phần ôn trọng tâm.  

Theo thầy Anh, câu đọc hiểu mang hơi thở cuộc sống, nhất là khi năm vừa qua, miền trung vừa phải oằn mình đón trận lũ lụt lịch sử. Ở góc độ chuyên môn, thầy thích 4 câu hỏi trong phần đọc hiểu.

Với câu nghị luận xã hội về "sức mạnh tình người", HS không cần gồng lên để viết cho kịp giờ hay gồng lên cho già dặn để luận bàn một vần đề quá to tát như đề của một vài năm trước đây.

Thầy Đỗ Đức Anh cho biết, tôi vừa cho học sinh làm thử đề minh họa này, các bạn khen hay, cũng có cảm xúc, khơi gợi cảm hứng muốn cầm bút.

"Tôi muốn gửi một lời khen ngợi cho ban ra đề và cả sự kì vọng lớn lao vào ban ra đề. Mong sẽ có đề chính thức năm 2021 hay hơn nữa - một đề thi mà người đi thi và cả người chấm thi đều có nhiều cảm hứng muốn cầm bút", thầy Anh gửi gắm. 

Không chủ quan với đề tham khảo

Thầy Đặng Ngọc Ngận, giáo viên Văn, Trường THPT Phạm Phú Thứ, TPHCM cho hay, đề tham khảo không khó, vừa sức học sinh. 

Đề thi có mức độ phân hóa khá cao, đặc biệt ở câu nghị luận văn học. Về cấu trúc đề thi minh họa năm nay cơ bản giữ nguyên như đề thi năm trước, nhất là giống với cấu trúc của đề thi Ngữ văn năm 2019. 

Đề tham khảo Ngữ Văn: Không xáo trộn, bất ngờ nhưng mang hơi thở cuộc sống - 4

Học sinh một trường ở TPHCM trong giờ học Văn 

Phần Đọc hiểu, đề minh họa 2021 bám sát ma trận đề thi, với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. 

Đặc biệt, ở câu hỏi số 4, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về tình cảm của tác giả đối với miền Trung. Đây là câu hỏi giúp học sinh phát huy được năng lực cảm thụ văn học cũng như hình thành và phát triển cho học sinh những tư tưởng, tình cảm nhân văn, trong sáng, cao đẹp. 

Phần Nghị luận xã hội, đề yêu cầu học sinh viết về "sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách", là vấn đề phù hợp với hoàn cảnh xã hội, nhất là đợt covid-19 và lũ lụt miền Trung vừa qua. 

Qua đó, nhắc nhở mỗi người biết yêu thương, chia sẻ và sống nhân văn hơn trong thời đại hiện nay. 

Tuy nhiên, theo thầy Ngận thí sinh phải có tư duy độc lập, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của xã hội mới tạo được ấn tượng cho bài viết. 

Phần nghị luận văn học, yêu cầu của đề là phân tích hình tượng sông Hương trong một đoạn trích, từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. 

Về yêu cầu phân tích khá dễ hiểu, không làm khó thí sinh nhiều. Tuy nhiên, yêu cầu nhận xét, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về lý luận, nắm vững những đặc trưng cơ bản về phong cách của nhà văn mới có thể đưa ra những nhận xét sâu sắc. 

Đề tham khảo năm nay không quá khó với thí sinh ở mọi trình độ. Tuy nhiên, theo thầy Ngận đề thi chính thức khả năng sẽ "nặng" và "áp lực" nhiều hơn mặt kiến thức và thời gian so với đề thi minh họa. 

"Vì lẽ đó, hi vọng các bạn học sinh không chủ quan trong học tập, phải có ý thức cao trong học tập, cố gắng nắm vững những kiến thức và kỹ năng để có thể làm bài thi tốt nhất", thầy Ngận nhắn nhủ học trò lớp 12. 

Thầy Đỗ Đức Anh cũng lưu ý học sinh, đây chỉ là đề thi minh họa, chỉ để tham khảo. Qua đó thầy và trò có thể rà soát lại những nội dung học tập trọng tâm nhất, là cơ hội cho HS thử sức với đề thi, có thể các em tự mình thi thử có canh giờ với đề thi này, cọ sát với thực tế xem mình đạt tầm điểm số bao nhiêu, kiến thức nào chưa vững có thể ôn luyện kỹ càng hơn nhằm đạt kết quả tốt nhất. 

Việc trích sẵn văn bản làm thỏa lòng học sinh

Phần Nghị luận văn học trong đề minh họa cũng là đề quen thuộc từ năm 2015 đến nay là trích một đoạn văn xuôi hoặc thơ trong chương trình Ngữ văn 12 cho học sinh cảm thụ, nhận xét.

Năm nay đề minh họa chọn một đoạn sông Hương khi về đồng bằng ngoại vi thành phố Huế trong bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông" (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Câu này chỉ khác một chút so với năm 2019, đề chính thức năm ấy chọn đoạn văn đặc tả sông Hương khi ở thượng nguồn.

Đoạn văn không quá dài, nên học sinh phải có những cảm nhận sâu sắc mới viết tốt vì đề dạng này yêu cầu hiểu biết sâu chứ không kiểm tra hiểu biết rộng.

Với đề kiểu này, sẽ phân loại thí sinh rõ nét vì những thí sinh cảm thụ không tốt thì sẽ viết rất qua loa, rất ngắn và thiếu chiều sâu. Cuối đề yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, có thể coi đây là phần khó nhất - thử thách nhất - phân hóa rõ nhất với thí sinh.

Nhưng việc trích dẫn sẵn văn bản để học sinh cảm thụ cũng thỏa lòng mong đợi của sĩ tử vì các em sợ nhất là phải học dẫn chứng tác phẩm.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm