Đề Hóa vừa sức, đề Văn bàn về lối sống người Việt Nam

(Dân trí) -Kết thúc buổi thi cuối cùng của đợt 2, các thí sinh dự thi khối B nhận định đề Hóa vừa sức. Đề thi Ngữ Văn ở cả hai khối C và D đều có câu hỏi nghị luận xã hội khá thú vị, nhiều thí sinh nhận xét đề Văn năm nay lạ và hay.

Thí sinh Nguyễn Vương Thắng (quê Gia Lai) dự thi ngành Chăn nuôi thú y - Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Theo em thì đề Hóa năm nay phần bài tập chiếm khá nhiều, khoảng 70% toàn bộ đề thi. Đề thi cũng có khoảng 10 câu hỏi khó dành cho học sinh khá giỏi, mang tính phân loại thí sinh. Đối với học sinh trung bình khi làm đề Hóa năm nay, điểm số trung bình sẽ là từ 40 đến 50% số điểm. Bản thân em đã hoàn thành bài thi, nhiều khả năng đạt khoảng 70% số điểm”.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên trao đổi bài sau giờ Hóa, trưa 10/7. (Ảnh: Viết Hảo)
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên trao đổi bài sau giờ Hóa trưa 10/7. (Ảnh: Viết Hảo).

Trong khi đó, thí sinh Trần Đình Tân (quê Đắk Nông) dự thi ngành Y đa khoa tại điểm thi Trường Cao đẳng SP Đắk Lắk nhận định: “Đề Hóa năm nay em làm được khoảng 60% số điểm. Câu hỏi khó thì có khoảng 10 câu, nhưng trong đó có khoảng 5 câu cực kỳ hóc búa, rất khó để lấy điểm tối đa. Đề thi này nói chung cũng vừa sức với thí sinh trung bình, nếu ai nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ làm được khoảng 50% số điểm”.

Cùng chung nhận định, nhiều thí sinh khác dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên cũng cho biết, đề Hóa năm nay tương đối vừa sức, nhưng không dễ để đạt điểm tối đa, đề có tính chất phân loại thí sinh khá cao.
 
Tan buổi thi Văn, nhiều thí sinh dự thi khối C vào Trường ĐH Tây Nguyên cho rằng đề thi môn Văn khối C trong kỳ tuyển sinh năm nay tương đối khó, đề có hướng “mở” thiên về nêu quan điểm, cảm nhận của thí sinh về 2 ý kiến hoặc 2 nhân vật trong 2 tác phẩm văn học.
 
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên ra về sau môn thi cuối, trưa ngày 10/7. (Ảnh: Viết Hảo)
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên ra về sau môn thi cuối, trưa ngày 10/7. (Ảnh: Viết Hảo).

Thí sinh Nay H’Đan (quê Gia Lai) dự thi ngành Giáo dục tiểu học - Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Đề Văn khối C năm nay em đã làm hết bài thi nhưng chắc chỉ đạt chưa đến 50% số điểm. Theo em thì đề Văn năm nay khá khó, nhiều thí sinh cùng phòng với em rất ít bạn làm được bài”.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Trang - cũng dự thi ngành Giáo dục tiểu học tại điểm thi Trường ĐH Tây Nguyên cho rằng: “Đề Văn này em làm được khảng 60% vì em đã ôn tập khá kỹ. Nhưng theo em đề này là tương đối khó, trong đó câu 3b nêu cảm nhận về 2 nhân vật Từ (Đời Thừa) và Người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) về sự nhẫn nhục, đồng thời nêu bình luận của người làm bài thi về 2 ý kiến được đưa ra trong đề thi”.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên ra về sau môn thi cuối, trưa ngày 10/7. (Ảnh: Viết Hảo)
Theo nhiều thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên, đề đòi hỏi khá cao, điểm trung bình của thí sinh chỉ đạt từ 40-50% số điểm. (Ảnh: Viết Hảo).

Trong khi đó, một số thí sinh khác lại cho rằng, câu hỏi khó trong đề Văn năm nay là câu 2, nôm na là “từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực về lối sống của người Việt truyền thống” sau đó bày tỏ quan điểm sống của thí sinh. Theo nhiều thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên, đề đòi hỏi khá cao, điểm trung bình của thí sinh chỉ đạt từ 40-50% số điểm.

Các thí sinh thi khối B tại Thanh Hóa hoàn thành bài thi môn cuối cùng với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều thí sinh đánh giá dạng đề năm nay vừa sức.

Tại điểm thi trường THPT Chuyên Lam Sơn và trường ĐH Hồng Đức cơ sở 1, các thí sinh kết thúc môn Hóa và ra về với tâm trạng thở phào vì làm bài khá tốt. Theo các em thì đề thi Hóa ra sát với chương trình học, chỉ có khoảng 5, 6 câu phân loại học sinh. Phần bài tập có hơi dài nhưng không quá khó.

Thí sinh tại Thanh Hóa kết thúc môn thi cuối cùng (Ảnh Nguyễn Thùy)
Thí sinh tại Thanh Hóa kết thúc môn thi cuối cùng (Ảnh Nguyễn Thùy).

Thí sinh Nguyễn Văn Hùng, tại điểm thi trường ĐH Hồng Đức cơ sở 1 cho biết: “Đề thi khối B năm nay vừa sức đối với tất cả các thí sinh nên sẽ rất nhiều bạn làm được. Đối với môn Hóa thì khá sát với chương trình học. Phần bài tập có dài hơn một chút tuy nhiên không quá khó nên với thời gian 90 phút thì vẫn đủ để các em hoàn thành bài”.

Với tâm trạng khá phấn khởi sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, thí sinh Lương Thanh Bình chia sẻ: “Em làm bài xong hết và chắc đúng khoảng 70%, chỉ có một số câu phân loại học sinh thì em không chắc lắm thôi”.
 
Ghi nhận tại Thanh Hóa, nhiều thí sinh thi khối C và D hoàn thành xong môn Văn trước khi hết giờ. Hầu hết các thí sinh đều cho biết đề Văn nhẹ nhàng, “dễ thở”. Nhiều thí sinh hoàn thành khá tốt bài làm trước thời gian trống đánh kết thúc. Đặc biệt, năm nay trong câu cuối tự chọn, có một câu nói về hình ảnh người lính được nhiều thí sinh đánh giá là thú vị.
 
Thí sinh phấn khởi hoàn thành tốt bài thi cuối (Ảnh: Nguyễn Thùy)
Thí sinh phấn khởi sau buổi thi cuối. (Ảnh: Nguyễn Thùy).

Em Nguyễn Thị Vân, thí sinh thi khối C tại điểm thi trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: “Đề Văn năm nay giao sát chương trình lớp 12, câu 1 trong chương trình lớp 11 tuy nhiên câu này chỉ có 1 điểm nên nếu các bạn không nhớ thì cũng không mất nhiều điểm. Ngoài ra có câu tự chọn về hình ảnh người lính trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng em thấy rất thú vị”.

“Em làm bài khá tốt vì đề ra toàn kiến thức cơ bản. Trong phòng em các bạn đều hoàn thành xong trước thời gian” - Lê Như Hải, thí sinh thi khối D tại trường ĐH Hồng Đức cơ sở 2 cho hay.

Sáng nay, các thí sinh dự thi khối B tại cụm thi Vinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 năm 2013 đã hoàn thành xong bài thi môn Hóa học. Khi được hỏi, nhiều thí sinh nhận định, đề Hóa không quá khó nhưng có tính phân loại cao, phần bài tập hơi dài nên thí sinh phải tính toán lâu hơn.
 
Thí sinh rời phòng thi môn Hóa với nhiều tâm trạng khác nhau (Ảnh: Nguyễn Duy).
Thí sinh rời phòng thi môn Hóa với nhiều tâm trạng khác nhau (Ảnh: Nguyễn Duy).

Đúng 8h45 phút, tiếng trống báo hết giờ làm bài trắc nghiệm môn Hóa học, tại điểm thi trường THCS Hà Huy Tập - nơi tổ chức thi của trường ĐH Y khoa Vinh, các thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Thí sinh Trần Phương Thảo (trường THPT Nam Đàn I, Nghệ An) cho biết: “Đề thi Hóa học có cấu trúc 50 câu hỏi, trong đó phần chung gồm 40 câu. Em thấy các câu hỏi đều nằm trong chương trình học và ôn tập, có cả kiến thức lớp 11 nữa. Riêng phần bài tập, em thấy hơi dài đặc biệt là về phần hóa hữu cơ. Với đề này em nghĩ nhiều bạn làm được vì vừa sức”. Thảo có học lực Khá và từng thi khối A vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Thí sinh phấn khởi vì đề Hóa vừa sức (Ảnh: Doãn Hòa).
Thí sinh phấn khởi vì đề Hóa vừa sức (Ảnh: Doãn Hòa).

Cùng chung nhận định với Thảo, thí sinh Hoàng Văn Trung dự thi vào trường ĐH Vinh tại điểm thi trường ĐH Vinh phấn khởi: “Em thấy đề Hóa năm nay có phần dễ hơn năm ngoái. Trong 50 câu hỏi có khoảng 7, 8 câu hỏi hơi khó yêu cầu mình phải tính toán lâu hơn. Em nghĩ đây là những câu mang tính phân loại học sinh khá giỏi. Trong 3 môn thi khối B thì em thấy mình làm tốt nhất môn Hóa, em nghĩ mình khoảng được 8 điểm môn này”. Kết thúc 3 môn thi khối B, Trung khá thoải mái và chỉ chờ công bố điểm thi.

Bên cạnh các thí sinh làm được bài thì cũng khá nhiều thí sinh có học lực trung bình không tự tin vào bài làm của mình. “Em làm chỉ được khoảng 40% đề thi môn Hóa thôi, phần bài tập hơi nhiều lại rơi vào mấy phần em không ôn tập kỹ”, thí sinh Nguyễn Thị Thảo dự thi vào trường ĐH Y tế Cộng đồng cho biết.

Các thí sinh tại điểm thi trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh cùng trao đổi lại đề thi (Ảnh: Doãn Hòa).
Các thí sinh tại điểm thi trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh cùng trao đổi về đề thi. (Ảnh: Doãn Hòa).

Thời tiết tại TP Vinh tương đối mát mẻ, các phụ huynh đứng bên ngoài cổng trường đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để trở về quê sau những ngày cùng con "lai kinh ứng thí". Tình hình an ninh trật tự, ATGT trước các điểm thi an toàn, nghiêm túc và không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh rời trường thi.
 
Tại cụm thi Vinh, kết thúc 180 phút làm bài tự luận môn Ngữ văn, các thí sinh khối C than đề dài và khó, các sĩ tử khối D nhận xét đề Ngữ văn tương đối vừa sức. Hai đề thi ngữ văn ở cả hai khối có câu hỏi nghị luận xã hội khá thú vị.

Sau 180 phút làm bài Ngữ văn, các thí sinh dự thi khối C, D và M tại cụm thi Vinh đã hoàn thành môn thi cuối cùng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 năm 2013. Ở đề thi Ngữ văn của hai khối đều có câu hỏi nghị luận xã hội bàn về lối sống, tính cách của con người Việt Nam.

Thí sinh dự thi khối C hoàn thành xong bài thi môn Ngữ văn (Ảnh: Nguyễn Duy)

Thí sinh dự thi khối C hoàn thành xong bài thi môn Ngữ văn (Ảnh: Nguyễn Duy).

Sau 2/3 thời gian làm bài môn Ngữ văn, một số thí sinh dự thi khối C tại điểm thi trường Hermann Gmeiner (TP Vinh) đã rời phòng thi khá sớm với tâm trạng lo lắng và kém vui vì không làm được bài. Nhiều em cho biết, đề Ngữ văn khối C năm nay khá dài và yêu cầu kiến thức tổng hợp.

Em Trương Thị Thương dự thi vào trường ĐH Luật TPHCM cho biết: “Đề thi có 3 câu hỏi trong đó có câu hỏi về nhân vật Liên, hình tượng người lính trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng. Riêng câu nghị luận xã hội 3 điểm thì nói đến quan điểm sống của mình với lối sống của người Việt Nam truyền thống là sự khôn khéo. Tuy yêu cầu chỉ khoảng 600 từ nhưng để phân tích hết ý cũng không phải dễ”.

Đề Văn khó khiến nhiều thí sinh lo lắng (Ảnh: Doãn Hòa)
Đề Văn khó khiến nhiều thí sinh lo lắng. (Ảnh: Doãn Hòa).

Trong khi đó, các thí sinh dự thi khối D tại điểm thi trường THCS Đặng Thai Mai nhận xét, đề Văn tương đối vừa sức. Các kiến thức đều nằm trong chương trình học, không đánh đố tuy nhiên để kiếm điểm cao không dễ. Nhiều thí sinh hào hứng với câu nghị luận xã hội bày tỏ quan điểm về lối sống thụ động, đi trên con đường đã được vạch sẵn chứ không phải người đi tiên phong từ nhận xét của chàng trai Việt kiều Trần Hung John về tính cách của người Việt Nam. 

Thí sinh Võ Thị Loan - dự thi vào trường ĐH Vinh bộc bạch: “Theo em, lối sống của phần nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vẫn còn thụ động và đi theo con đường đã có trước do áp lực của xã hội, gia đình mà không dám thể hiện cái tôi, bản sắc riêng để tạo dựng cho mình một con đường riêng…”.

Kết thúc 90 phút môn thi Hóa học sáng nay, nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Quảng Bình rời phòng thi với tâm trạng lo lắng vì không làm được bài. Em Nguyễn Việt Hùng nhận định, đề Hóa học năm nay quá khó. Những học sinh có học lực trung bình khá để đạt mức điểm trung bình cũng không phải dễ.

Đề Hóa vừa sức, thí sinh nhẹ nhõm kết thúc môn thi cuối

Nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Quảng Bình cho rằng, đề thi môn Hóa học năm nay quá khó (Ảnh: Đặng Tài).

Cùng chung nhận định và lo lắng như Hùng, thí sinh Lê Thị Thanh Nguyệt (quê Quảng Nình) cũng cho rằng đề thi môn Hóa học sáng nay rất khó. Dù đã nắm khá chắc kiến thức nhưng Nguyệt cũng không tự tin về bài làm của mình. Nguyệt cho biết, bài làm của em may lắm cũng chỉ đạt điểm 5.

(Ảnh: Đặng Tài).

(Ảnh: Đặng Tài).
 
Còn bạn Trần Thanh Hưng khá tự tin về bài làm của mình với hai môn thi trước đó nhưng khi gặp phải đề thi môn Hóa khá hóc búa như sáng nay, Hưng tỏ ra khá lo lắng cho kết quả tổng điểm 3 môn thi. “Hai môn thi trước em làm bài khá tốt, sáng nay thi môn Hóa được khoảng 4 điểm chắc cũng đủ điểm đậu, nhưng đề Hóa sáng nay khó quá, em làm được khoảng 30% bài thi”, vẻ mặt lo lắng thể hiện rất rõ trên khuôn mặt Hưng.
 
Kết thúc môn thi Văn sáng nay, nhiều thí sinh thi khối C tại Hội đồng thi Trường ĐH Quảng Bình nhận định đề thi Văn năm nay tương đối khó và dài. Vừa rời khỏi phòng thi, thí sinh Lê Thị Phương Thanh cho rằng đề thi môn Văn sáng nay khó và dài. “Vì đề khó và dài nên em làm không kịp thời gian”, Thanh cho biết.
Đề Hóa vừa sức, thí sinh nhẹ nhõm kết thúc môn thi cuối
Nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Quảng Bình rời khỏi phòng thi rất buồn vì đề Văn năm nay quá khó. (Ảnh: Đặng Tài).
 
Còn bạn Lê Thị Nhung cũng nhận định đề Văn năm nay khó hơn năm ngoái rất nhiều. Với học lực trung bình khá của mình, Nhung nhận định bài thi môn Văn của em sáng nay rất khó đạt điểm trung bình.
 
Kết thúc buổi thi môn Hóa, môn thi cuối cùng của các thí sinh dự thi khối B sáng nay, tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh được hỏi nhận định đề Hóa năm nay không quá khó.
 
Các thí sinh dự thi khối B tại Đà Nẵng vừa hoàn tất kỳ thi.
Các thí sinh dự thi khối B tại Đà Nẵng vừa hoàn tất kỳ thi.

Trao đổi với PV Dân trí, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung dự thi khối B vào ngành Sư phạm Sinh học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết: “Theo em thấy thì đề Hóa năm nay không quá khó. Trong 50 câu hỏi trắc nghiệm thì em làm được khoảng 40 câu. Đề không quá khó như em lắng nhưng có nhiều câu hỏi tính toán hơn lý thuyết. Có 20 câu hỏi lý thuyết, còn đâu là phải tính toán. Có nhiều câu nhìn vô là biết phải tính toán phức tạp nên em để lại làm sau. Trong 3 môn thi khối B thì em làm bài thi môn Toán được nhất”.

Thí sinh Hồng Nhung (trái) trao đổi về bài làm với bạn sau buổi thi môn Hóa. (Ảnh: Khánh Hiền)
Thí sinh Hồng Nhung (trái) trao đổi về bài làm với bạn sau buổi thi môn Hóa. (Ảnh: Khánh Hiền).
 
Thí sinh Nguyễn Thị Bích Phượng, dự thi khối B vào ngành Quản lý tài nguyên môi trường chia sẻ: “Em làm bài thi môn Hóa không được tốt lắm, nhưng nhìn chung thì em thấy đề thi không quá khó, đỡ hơn đề Hóa khối A. Em nghĩ các bạn ôn tập căn bản kỹ thì sẽ dễ lấy điểm trung bình, điểm 5. Số câu hỏi phân hóa thí sinh, theo em tính có khoảng 10 câu, chiếm 20% đề thi”.
 
Kết thúc buổi thi môn Văn sáng nay, tại Đà Nẵng, cả các thí sinh dự thi khối D và khối C đều chia sẻ nhận xét đề Văn năm nay lạ và hay.
 
Tại điểm trường THCS Kim Đồng (Đà Nẵng), thí sinh Huỳnh Thị Ánh Tuyết, dự thi khối D vào ngành GD Tiểu học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “Em hoàn toàn bất ngờ với đề thi môn Văn sáng nay. Đề ra kiểu ni thì không cách chi học “tủ” mà trúng được. Theo em thấy không chỉ có câu hỏi đề mở về tính thụ động, đi theo đường đi nước bước có sẵn mà không dám đi đường lạ vì sợ thất bại của người Việt, mà ngay câu hỏi lớn 5 điểm về nhân vật Phùng trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” mình cũng phải thể hiện quan điểm riêng, cái tôi cũng như những hiểu biết xã hội của mình mới làm bài được”.
Các thí sinh tại Đà Nẵng trao đổi về đề Văn năm nay sau buổi thi sáng nay 10/7
Các thí sinh tại Đà Nẵng trao đổi về đề Văn năm nay sau buổi thi sáng nay 10/7.

Thi đề khác với các thí sinh dự thi khối D, nhưng các thí sinh dự thi khối C tại điểm trường THCS Lê Độ (Đà Nẵng) lại có chung nhận xét là đề Văn lạ và hay.

Thí sinh Đặng Thị Hồng Ni, thi khối C vào ngành Sư phạm Địa, ĐH Sư phạm Đà Nẵng phấn khởi chia sẻ: “Đọc qua đề Văn em thấy đề lạ quá, mới đầu cũng hơi khựng lại để nhận định đề, suy nghĩ kỹ một chút nhưng rồi em cứ viết và viết thôi. Đề lạ và ý thoáng nên em có nhiều cảm hứng để làm bài. Riêng câu hỏi mở, yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm về  ý kiến của tác giả Trần Đình Hượu về văn hóa dân tộc của người Việt thì em có từng đọc qua trong sách Ngữ Văn lớp 12, nên không thấy lạ, chủ yếu làm sao chia sẻ suy nghĩ của mình cho thấu đáo thôi”.

Các thí sinh tại Đà Nẵng trao đổi về đề Văn năm nay sau buổi thi sáng nay 10/7
Cho rằng đề Văn lạ và khó, nhưng thí sinh Hồng Ni (phải) rất tâm đắc bởi đề lạ mà hay, phát huy suy nghĩ sáng tạo của thí sinh. (Ảnh: Khánh Hiền).

Bất ngờ vì không nghĩ đề Văn lại xâu chuỗi 2 tác phẩm “Đời thừa” và “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhưng thí sinh Lê Thị Hàn Ni, thi vào ngành báo chí, ĐH Sư phạm Đà Nẵng lại bày tỏ sự thú vị với đề Văn năm nay. Ni cho biết: “Cũng có nhiều đề Văn xâu chuỗi 2 tác phẩm như hai đoạn thơ, hai đoạn văn nhưng đề như năm nay em chưa từng thấy qua. Với đề thi này, em thấy thầy cô ra đề đã rất công tâm vì học tủ thì chẳng mong qua được môn Văn. Trong cả 3 môn thi thì em cũng hài lòng với bài thi môn Văn nhất”.

Ghi nhận buổi thi sáng 10/7 tại Huế, tại hội đồng thi ĐH Khoa học cho biết đề Hóa không quá khó nhưng vẫn “hóc” hơn đề thi khối A.

Em Phan Hưởng cho biết: “Đề Hóa khó hơn đề khối A, em làm được khoảng 60%. Phần hữu cơ nhiều câu hỏi học búa, phần vô cơ dễ hơn”. Thí sinh Lê Huy Hoàng, thi vào ngành Khoa học môi trường, ĐH Khoa học cho biết đề khó ở phần bài tập ở câu 10, 11, 12. Vì đã thi ở khối A, Hoàng so sánh đề Hóa khối B khó và đánh đố thí sinh hơn đề khối A. Nhiều bạn trong cùng phòng đã nộp bài sơm khi được hơn 2/3 thời gian làm bài. Tuy vậy, Hoàng tự tin cho hay làm được hơn 70%.

Em Lê Thị Thúy Hòa, thi vào ngành Điều dưỡng, Cao đẳng Y tế Huế nói: “Em thấy phần lý thuyết dễ, riêng bài tập khó ở cả phần vô cơ và hữu cơ. Khó nhất là ở phần tính khối lượng. Em làm khoảng được hơn 50%”.

Lê Thị Thúy Hòa cho hay phần bài tập hóa là khó nhất

Lê Thị Thúy Hòa cho hay phần bài tập hóa là khó nhất.

Tuy vậy, vì là môn thi cuối, nên nhiều thí sinh đã tỏ tâm trạng vui vẻ khi kết thúc kỳ thi của mình.
 
Lê Thị Thúy Hòa cho hay phần bài tập hóa là khó nhất

Thí sinh tại Huế hoàn thành 3 môn thi. (Ảnh: Đại Dương - Anh Việt).
 
Ghi nhận tại Huế sau khi buổi thi môn  Văn của 2 khối C và D kết thúc, các thí sinh đều tỏ ra hào hứng với đề Văn năm nay.

Đề khối C được đánh giá khó và sâu sắc hơn đề khối D, nhưng đề khối D lại được nhận định là phù hợp với thí sinh hơn.

Em Trần Bình dự thi khối C cho biết: “Em vừa làm đề thi khối C xong ra khỏi phòng thi thì nhận được điện thoại của đứa bạn thi khối D. Thật sự muốn múa bút làm đề khối D lắm anh ạ”

“Em không đồng ý với nhận định trên của Việt kiều Tran Hung John, bản thân em rất nhiều người bạn của em luôn cố gắng tự tìm kiếm lối đi riêng. Thời đại con cái bị cha mẹ bắt buộc đi theo sự sắp đặt đã qua lâu rồi” - Bình nhận xét.

Thí sinh môn Văn ra về ở hội đồng Trần Quốc Toản (TP Huế). (Ảnh: Anh Việt - Đại Dương)

Thí sinh môn Văn ra về ở hội đồng Trần Quốc Toản (TP Huế). (Ảnh: Anh Việt - Đại Dương).

Về câu nghị luận xã hội 5 điểm, nhìn chung các thí sinh đều nhận định cách ra đề quá khó trong cả 2 đề khối C và khối D. “Câu nghị luận văn học hoàn toàn vượt ra ngoài những gì em ôn tập. Đề cho bọn em 2 ý kiến và bắt bọn em nhận định dựa trên những kiến thức có trong đầu” Một thí sinh nhận xét.

Em Thúy Hằng dự thi khối C tại hội đồng thi Trần Quốc Toản cho biết: “Đề hay nhưng quá “cay”, em cũng làm được đến 3 tờ nhưng không biết điểm số thế nào nữa. Cách ra đề quá mới, lạc đề một phát là đi đứt”.

Kết thúc môn thi Hóa, kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 2 tại trường ĐH Y Thái Bình, nhiều thí sinh nhận định đề Hóa khối B so với khối A là khó hơn nhiều.

Các thí sinh xem lại đề thi (Ảnh: Đức Văn)
Các thí sinh xem lại đề thi. (Ảnh: Đức Văn).

Thí sinh Nguyễn Vân Anh (Hà Nam) cho biết: “So với đề Hóa khối A kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 thì em thấy đề Hóa khối B khó hơn nhiều. Hơn nữa nhiều câu có tính phân loại học sinh khá giỏi cao”.

Cùng nhận xét với thí sinh Vân Anh, em Hoàng Văn Nam (Nam Định) cho biết: “Em thấy đề Hóa mang tính đánh đố cao”.

Tại Thái Bình, thời tiết khi các thí sinh làm bài thi cho đến kết thúc môn thi Hóa học ở khối B, trời khá mát mẻ. Nhiều thí sinh sau khi ra về còn nán lại cùng các bạn so sánh, đối chiếu kết quả làm bài, và không quên nói lời chào tạm biệt các bạn mới quen trước khi lên đường về quê.
 
Sáng nay, hàng ngàn thí sinh tại Đồng Nai đã kết thúc bài thi môn Hóa học (khối B). Theo nhận định chung, đề Hóa không khó và có thể đạt điểm cao ở môn thi này.
 
Các thí sinh xem lại bài thi môn Hóa học tại điểm thi trường ĐH Đồng Nai (Ảnh: Minh Hậu)
Các thí sinh xem lại bài thi môn Hóa học tại điểm thi trường ĐH Đồng Nai (Ảnh: Minh Hậu).

Thí sinh Đặng Thị Lê Hạnh cho biết, đề thi môn Hóa học bao gồm 60 câu trắc nghiệm bao gồm lý thuyết và giải bài tập. Các câu hỏi tập trung kiến thức cơ bản chương trình giáo khoa. "Em làm bài khá tốt và tự tin đúng đáp án khoảng 70%. Đề không quá khó nên các bạn chung phòng thi với em kết thúc bài thi sớm. Em nghĩ, môn Hóa học sáng nay sẽ là môn cho điểm cao trong tổng số 3 môn thi của khối B".

Chung nhận định, thí sinh Trần Thị Khánh, dự tuyển vào khoa Sư phạm Hóa, trường ĐH Đồng Nai cho biết, đề hóa có tính phân loại thí sinh nhưng cũng không quá khó. Đối với thí sinh có học lực khá thì dễ dàng đạt từ 7 đến 8 điểm. Thí sinh có học lực trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm ở môn này.
 
Trong sáng nay, các thí sinh dự thi khối C, D tại Đồng Nai đã kết thúc đợt 2 kì thi tuyển sinh đại học 2013 với môn Ngữ văn. Theo nhận định chung, đề Văn khối C khó, trong khi đề Văn khối D vừa sức.
 
Các thí sinh tại Trường ĐH Đồng Nai xem gợi ý giải đề Văn. (Ảnh: Minh Hậu)
Các thí sinh tại Trường ĐH Đồng Nai xem gợi ý giải đề Văn. (Ảnh: Minh Hậu).

Em Thái Thị Hồng Ngọc dự tuyển vào ngành Sư phạm Sử, ĐH Đồng Nai cho hay: “Đề văn khối C có 3 câu, trong đó có câu nghị luận xã hội bàn về lối sống của người Việt. Đề dài và yêu cầu kiến thức sâu rộng nên em chỉ làm được khoảng 60%. Nhiều bạn chung phòng thi hoàn thành sớm bài thi nhưng không mấy tự tin về bài làm của mình”.

Trong khi đó, các thí sinh khối D lại thở phào nhẽ nhõm vì đề Ngữ văn năm nay không quá khó. Thí sinh Trịnh Hoàng Ân, dự tuyển vào ngành Sư phạm Anh, ĐH Đồng Nai hồ hởi cho biết: “Em hoàn tất bài thi trước 2/3 thời gian và khá tự tin về phần bài làm của mình. Sau khi cùng các bạn xem đáp án, em tự chấm được 7 điểm”.

Thi chung đề Văn với khối D, các thí sinh dự thi khối M cũng nhẹ nhàng hoàn tất bài thi sau 180 làm bài. “Môn Văn vừa sức nên em hoàn tất bài thi trong vòng 140 phút. Phần bài làm của em đúng đáp án khoảng 70%”.

Ghi nhận tại ĐH Nha Trang, em Thành, thí sinh dự thi Khối B cho biết, đề Hóa khối B năm nay vừa sức, không có nhiều câu hỏi lắt léo như năm ngoái. Đa số các câu hỏi đều bám sát chương trình học, phần toán cũng không rườm ra nên bài thi này chắc em cũng được từ 5 - 6 điểm.

Thí sinh tại ĐH Nha Trang sau buổi thi cuối. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Thí sinh tại ĐH Nha Trang sau buổi thi cuối. (Ảnh: Nguyễn Dũng).
 
Trong khi đề Hóa tương đối dễ thở thì đề Văn lại gây nhiều khó khăn cho thí sinh Phan Phương Thảo, dự thi khối D ngành Ngôn ngữ Anh (ĐH Nha Trang). Thảo cho biết, đề Văn với 2 câu nói về nghị luận văn học thì tương đối dễ, riêng câu nghị luận xã hội thì hơi rườm rà, khó hiểu. Thảo dự đoán với đề này chắc em cũng chỉ từ 4- 5 điểm thôi.

8h45 sáng nay 9/7, hàng ngàn thí sinh tại cụm thi Cần Thơ hoàn thành buổi thi cuối môn thi Hóa học khối B. Theo đánh giá chung của thí sinh, đề Hóa học năm nay tương đối khó.

Em Văn Nguyễn (thi tại điểm thi THPT Châu Văn Liêm) cho rằng, đề Hóa có 50 câu, lý thuyết khá nhiều, ít thuộc lòng mà chủ yếu hiểu mới có thể làm được. Trong khi đó, bài tập lại khó, có những câu cực khó khiến thí sinh tốn nhiều thời gian để làm.

Theo em Nguyễn, học sinh có học lực trung bình khó lấy được điểm cao, học sinh khá giỏi cũng chỉ có thể đạt từ 7- 8 điểm. “Em chỉ làm được khoảng 50% nhưng cũng chưa chắc đúng hết”, Nguyễn cho hay. Em này cũng cho biết, qua tổng 3 môn thi, em kiếm được khoảng 12, 13 điểm.

Còn em Thùy Nguyên cũng thi tại THPT Châu Văn Liêm cho biết, đề Hóa khó nhất ở phần bài tập nội dung nói về hữu cơ như tính phần trăm, khối lượng… “Thí sinh ôn luyện kỹ mới có thể làm tốt được chứ thuộc lòng thì khó ăn điểm”, Nguyên chia sẻ.

Nhiều thí sinh thừa nhận, đề môn Hóa có nhiều câu khó, các thí sinh phải đánh đại may rủi chứ không biết làm thế nào cho đúng. “Em làm được chỉ chừng 12- 20 câu là đúng, còn lại cũng chưa biết ra sao”, Nguyên cho hay.

Thí sinh cụm Cần Thơ xem lại bài giải môn Hóa học khối B.
Thí sinh cụm Cần Thơ xem lại bài gợi ý giải đề môn Hóa học khối B.

10h15 sáng nay, các thí sinh cụm thi Cần Thơ thi môn Ngữ Văn khối C, D cũng hoàn thành.Có rất nhiều thí sinh ra rất sớm sau 2/3 thời gian. Theo nhìn nhận của các thí sinh, môn Văn khối C tương đối khó, lắt léo; còn Văn khối D lạ nhưng dễ thở hơn.

Em Hoàng Anh (thi tại điểm thi THCS Lương Thế Vinh) cho biết, đề Ngữ văn khối C có 3 câu, tương đối dài và khó ăn điểm trọn vẹn. Trong đó chỉ có câu 1 là thuộc lòng, còn lại những câu khác thì vừa thuộc bài, vừa hiểu và biết vận dụng mới có thể làm tốt được.

Thí sinh cụm Cần Thơ ra về sau buổi thi Văn khối C.
Thí sinh cụm Cần Thơ ra về sau buổi thi Văn khối C.

Còn em Văn Hiếu cũng thi tại THCS Lương Thế Vinh đánh giá, đề Văn khối C khó, lắt léo, thí sinh không dễ kiếm được điểm cao. Trong đó, câu 2 đề mở cho khá hay nhưng hơi dài, còn câu 3 muốn lấy trọn 5 điểm cũng chật vật. “Đề yêu cầu so sánh khá nhiều nên vừa phải biết vận dụng kiến thức bên ngoài với kiến thức đã học, rồi bài văn này, đoạn thơ kia mới đạt yêu cầu. Em làm đến 4 tờ giấy nên hy vọng điểm khá", Hiếu chia sẻ.

Thí sinh thi môn Văn khối D thì cho biết, đề dễ thở nhưng cũng khó được điểm cao. Nhiều thí sinh thi tại điểm Trường TH Lê Quý Đôn nhìn nhận, đề cho lạ.

Thí sinh thi Văn khối D1 tươi vui hơn
Thí sinh thi Văn khối D1 tươi vui hơn.

Em Hương cho biết, đề Văn khối D yêu cầu cao nên buộc thí sinh phải hiểu mới làm tốt. “Những thí sinh khá giỏi Văn có thể kiếm được 7 điểm trở lên nhưng hầu hết đều có bài làm dài mới đủ ý”. Em cho biết, đề Văn khối D yêu cầu cao nên buộc thí sinh phải hiểu mới làm tốt. “Những thí sinh khá giỏi Văn có thể kiếm được 7 điểm trở lên nhưng hầu hết đều có bài làm dài mới đủ ý”.

Thí sinh thi Văn khối D1 tươi vui hơn
Do thí sinh ra nhiều đợt và lực lượng CGST túc trực điều tiết nên giao thông buổi thi cuối tại Cần Thơ khá thông thoáng. (Ảnh: Huỳnh Hải).
 
Clip thí sinh cụm thi Cần Thơ đánh giá các môn thi cuối:

(Thực hiện: Huỳnh Hải)
 
Tại Hà Nội, các thí sinh khối C nhận định đề thi môn Văn năm nay tương đối dài nhưng sát với kiến được được ôn tập.

Em Đinh Thị Thanh Tuyền đến từ trường THPT Nho Quan B (Ninh Bình) dự thi vào trường ĐH Lao động Xã hội cho biết: “Em thấy đề thi năm Văn năm nay dễ hơn năm ngoái, vừa sức với lực học của em. Đây là môn thi em cảm thấy hài lòng nhất, em đoán mình sẽ được 7 điểm môn này”.

Em Trần Vũ - học sinh Trường THPT Hoàng Diệu (Hà Nội) dự thi vào khoa Luật trường ĐH Công đoàn cho biết: “Em làm bài ở mức trung bình, tầm 60%, đề thi năm nay tương đối dài và khó nhất là ở câu hỏi phần riêng. Tuy nhiên do ôn tập kỹ bài thơ Tây Tiến nên em chọn làm câu 3a theo chương trình chuẩn”.
 
Các thí sinh khối C tại Hà Nội trao đổi sau buổi thi Văn. (Ảnh: Nhữ Trang)
Các thí sinh khối C tại Hà Nội trao đổi sau buổi thi Văn. (Ảnh: Nhữ Trang).
 
Bên cạnh nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay vừa sức thì cũng có nhiều em nhận định đề Văn năm nay tương đối khó. Em Trần Phương Linh đến từ trường THPT Lê Công Trứ (Nam Định) cho biết: “Em hơi buồn vì bài làm không được tốt, đề thi năm nay sát với kiến thức  được ôn tập, tuy nhiên đề thi tương đối dài và khó so với lực học của em”.
 
Tại TPHCM, kết thúc môn thi cuối cùng của khối B, nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Hóa khá dài và hơi khó.

Kiến thức nâng cao khá nhiều, nhưng vất vả nhất là giải quyết gần 20 mươi câu bài tập. Thí sinh dự thi ngành điều dưỡng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thi tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai không hài lòng lắm về bài thi nhưng ai cũng cảm thấy thoải mái hơn sau hai ngày thi vất vả.

Đề Hóa vừa sức, đề Văn bàn về lối sống người Việt Nam
Thí sinh thi xong sớm tại điểm thi trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. (Ảnh: Lê Phương - Quốc Anh).

Thí sinh Lê Hoàng Ngọc Anh đánh giá, “em thấy đề thi khá dài, phần bài tập phải tính toán nhiều nên mất khá nhiều thời gian. Phần lý thuyết thì có phần dễ chịu hơn một tý. Trong ba môn thi thì Hóa học là môn em bị áp lực nhất. Em ước chừng cũng được 6 - 7 điểm”.

Tương tự, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Cúc cũng không tự tin lắm với bài làm của mình. “Em thấy phần bài tập khó và cũng dài, phải mất nhiều thời gian. Làm không kịp giờ, một số câu em phải đánh cầu may”, Cúc chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Uyên Linh cho biết mình cũng chỉ làm được chắc khoảng 50% bài thi. “Kiến thức chủ yếu là lớp 12 nhưng có một số câu khó và chưa gặp bao giờ nên khó tìm ra hướng giải quyết. Cuối giờ thi đành phải đánh bừa”, Linh không tự tin lắm về bài làm của mình.

Đến 2/3 thời gian, nhiều thí sinh dự thi môn Văn khối C đã rời phòng thi. Đa phần thí sinh nhận định rằng đề năm nay không hay bằng đề năm ngoái. Tại điểm thi trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, thí sinh Ngô Thị Mỹ Huyền (Gia Lai) là một trong số những thí sinh ra sớm nhất. Thí sinh này hớn hở “đề Văn dễ, em “trúng tủ” 2 câu đầu nhưng chỉ được phân nửa điểm. Còn câu nghị luận văn học với em hơi khó vì phải tự nhớ thơ để phân tích tác phẩm. Ở câu nghị luận xã hội với ý kiến lối sống của người Việt truyền thống là “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo….”, em nghĩ rằng đều đó chưa đúng lắm.

Còn thí sinh Trần Thị Cẩm Hà (Bình Phước) cũng thi xong sớm, em nhận định rằng đề năm nay không đánh đó bằng năm ngoái và cũng không hay lắm. Em ôn trúng ngay bài thơ Tây Tiến nên làm bài rất nhanh, em dò lại bài nhưng vẫn còn dư 30 phút. Thí sinh nãy cũng tự tin rằng sẽ trúng tuyển vì ngày hôm qua em làm bài rất tốt.

Tương tự, thí sinh Tạ Phạm Hồng Đào (quê Đồng Nai), dự thi vào ngành Tâm lý học cho rằng, “đề thi cũng không có gì là bất ngờ cho thí sinh, kiến thức chủ yếu rơi vào lớp 12. Em chiến đấu tới hết giờ. Phòng em chỉ có vài bạn ra sớm, các bạn còn lại ai cũng làm hăng say. Em nghĩ mình làm khá ổn, chắc cũng được 6-7 điểm”.

Trong khi đó, thí sinh Phan Nguyên Khôi (TPHCM) thi vào ngành Lịch sử lại nhận xét rằng câu nghị luận không hay mà còn trừu tượng, khó hiểu. “Em không tự tin lắm khi làm câu này. Còn câu 1 thì hay vì không phải là câu văn học sử. Riêng câu nghị luận văn học theo chương trình Chuẩn nội dung thoáng, không buộc phải học thuộc lòng mà phải cảm thụ tác phẩm tốt mới phân tích tốt. Cũng theo thí sinh Khôi, do không làm tốt câu 2 nên chỉ hi vọng được 6 - 7 điểm thôi. “Thi xong 3 môn em nghĩ chắc mình được khoảng 17 - 18 điểm. Hi vọng sẽ đậu vào ngành Sử”, Khôi cho biết.

“Nội dung câu 1 làm em bất ngờ. Dù học bài rất kỹ nhưng em lại hơi chủ quan ở bài Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Nên cũng chỉ nhớ mang máng mà làm thôi”, Hồng Đào hơi thất vọng khi nói về nội dung này.

Ngược với các thí sinh thi khối C, thí sinh thi khối D đều than đề văn khó nhiều bạn tự tin chỉ làm được 5 điểm. Thí sinh Lô Mỹ Lìn, thi vào ngành Ngữ Văn Trung Quốc, cho rằng so với năm ngoái đề năm nay khá khó, em làm gần hết thời gian không biết viết gì nữa nên ra sớm.

Tương tự, thí sinh Trần Thị Xuyến (TPHCM) cũng "lắc đầu" với đề môn Văn. “Em cố gắng lắm nhưng chắc chỉ được 5 điểm thôi". Đồng cảnh ngộ, thí sinh Trần Liên Nhi (Đồng Nai) thi ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cho rằng câu nghị luận xã hội gây khó cho em và nhiều bạn khác. Đề thi này em chỉ tự tin được 40% thôi”.

Riêng thí sinh Bùi Huỳnh Thiên Duyên (TPHCM), thi vào ngành Ngôn ngữ Pháp lại tỏ ra vui vẻ khi làm khá tốt bài thi cuối cùng này. “Kiến thức chủ yếu là lớp 12. Phần thú vị nhất chính là câu nghị luận xã hội bàn về tính cách và lối sống của Việt Nam hiện nay qua đánh giá của một Việt kiều Tran Hung John”.

Niềm vui của thí sinh TPHCM sau khi thi xong môn cuối cùng. (Ảnh: Quốc Anh)
Niềm vui của thí sinh TPHCM sau khi thi xong môn cuối cùng. (Ảnh: Quốc Anh).

Ghi nhận tại cụm thi Quy Nhơn, kết thúc môn cuối cùng môn Hóa khối B, nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức thí sinh dễ kiếm điểm trung bình. Em Trần Thị Đào (Bình Định) chia sẻ: “Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa nhưng quan trọng là tùy lực học và cách ôn tập của các bạn. Em nghĩ nếu với học lực khá thì các bạn có thể làm bài đạt trên 5-6 điểm”.

Còn em Nguyễn Huỳnh Duyên lại cho rằng, đề không phải khó nhưng bài tập nhiều, tính toán nhiều mất nhiều thời gian nên làm bài không kịp. Một số câu bài tập chưa tính ra phải điền hên xui.

Trong khi đó, đối với thí sinh thi Văn khối D, C tự luận thời gian làm bài 180 phút, nhiều thí sinh mới hết 2/3 thời gian đã nộp bài ra về. Nhiều bạn cho rằng đề thi Văn khối D khó hơn đề Văn khối C.

Tại Hội đồng thi trường ĐH Quy Nhơn, hết 2/3 thời gian nhiều thí sinh đã nộp bài ra về, nhiều thí sinh nhận định đề thi hơi khó, có bạn cho rằng đề khó và lạ ở câu 3a (5 điểm) theo chương trình Chuẩn. Đề ra: Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàng, của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khắng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực. Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó mà thí sinh bình luận về những ý kiến đó.

Em Hà Thị Thanh Hương cho biết: “Đề không khó các câu hỏi đều bám sách giáo khoa. Riêng có câu 3a bình về hai ý kiến trái ngược nhau trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, dù thuộc thơ hết nhưng em nghĩ mình làm không hay lắm.

Thí sinh Phan Thành Hương, trường chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn) lại cho rằng đề thi tương đối dễ, kiến thức bám sát chương trình giáo khoa, thí sinh nắm vững kiến cơ bản, bên cạnh đó am hiểu kiến thức xã hội, siêng đọc, sách báo… thì có thể bình luận hay. Với đề này em có thể đạt 7-8 điểm.

Thí sinh cười tươi sau buổi thi cuối cùng các khối B, C, D. (Ảnh: Doãn Công)
Thí sinh cười tươi sau buổi thi cuối cùng các khối B, C, D. (Ảnh: Doãn Công).

Trong khi đó, Văn của khối C có phần nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt ở môn Văn cả hai khối C, D đó là câu nghị luận xã hội đều nhắc đến yếu tố "người Việt". Hầu hết thí sinh đều nhận định đề văn cả 2 khối C, D năm nay khá mới mẻ, thẳng thắn và mang ý nghĩa xã hội lớn.

Thí sinh Lê Thị Hoa ở TP Pleiku chia sẻ: “Em nghĩ đề văn ra hay, nói chung em làm xong bài sớm. Riêng câu nghị luận xã hội em bình nhưng không chắc lắm vì câu đó tùy vào cảm nhận của thầy thầy cô chấm thi”.
 

Nhận định về đề thi môn Ngữ Văn sáng nay, thầy Nguyễn Văn Cải - phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TPHCM) nhận định đề Ngữ văn cả hai khối C và D đều hay, độc đáo, có phần mới mẻ và chống học vẹt. Câu 1 kiến thức giáo khoa nhưng không phải học thuộc lòng mà đòi hỏi thí sinh phải nắm bài học, biết vận dụng. Câu 2 nghị luận xã hội hướng ra đề rất mới vì lâu nay ít đề cập đến những hạn chế, tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ… của người Việt, nên đòi hỏi thí sinh phải nhận xét vấn đề nêu ra; quan trọng nhất là biết bày tỏ nhận thức và quan điểm sống của bản thân ra sao cho đúng đắn. Phần nghị luận văn học khá thú vị và mang tính gợi mở để thí sinh suy nghĩ và cảm nhận, bình luận vấn đề một cách chân thật. Với cách ra đề như vậy, học vẹt và văn mẫu không còn đất sống.

Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm