Giáo viên lên tiếng:

Đề cương ôn tập: Đừng để học sinh biến thành những con vẹt

(Dân trí) - Đầu tháng 5, học sinh phổ thông ở quê tôi sẽ bắt đầu bước vào kỳ thi quan trọng cuối năm. Hơn hai tuần nay, bọn trẻ đã nhao nhao hỏi về đề cương ôn tập học kỳ bộ môn Ngữ văn do tôi phụ trách. Các môn học khác cũng đã lần lượt gửi đề cương cho học sinh để ôn bài sớm.

Nhưng vấn đề là xấp đề cương nào cũng dày cộm đến mấy trang khiến tôi phải giật mình.

Mỗi môn học vài trang giấy, hơn chục môn học với vô vàn kiến thức trong suốt một học kỳ bị dồn ép lại khiến những tờ đề cương như “quá tải”. Khi chương trình không được giới hạn cụ thể, thầy cô buộc phải ép bọn trẻ học hết, ôn tất tần tật mọi thứ nên cố gắng “vét” đến kiến thức cuối cùng kẻo sợ “lọt tủ”, “trật tủ”.

Các môn tự nhiên phải học công thức, định lý, mệnh đề,… Các môn xã hội như Sử, Địa, Giáo dục công dân, Công nghệ… mới thật sự là nỗi ám ảnh khi kiến thức ôn luyện dài dằng dặc. Ngay đến bộ môn Ngữ văn mà tôi đang phụ trách cũng chi chít những kiến thức cần học về văn bản đủ các thể loại, tiếng Việt, học dàn ý… Thậm chí tôi còn biết ở nhiều nơi giáo viên dạy thêm còn soạn sẵn bài viết văn mẫu để học sinh học thuộc.

Trong mỗi gia đình, hầu như bố mẹ nào cũng từng đồng hành cùng con bước vào kỳ ôn luyện căng thẳng mỗi dịp thi cử, kiểm tra. Và chúng ta đều có chung cảm giác bọn trẻ hôm nay học hành quá vất vả chứ? Mấy xấp đề cương dày cộm của các con khiến tôi luôn tự hỏi làm thế nào mà bọn trẻ có thể nhồi nhét vào đầu chững ấy chữ nghĩa?

Nhìn cách con trẻ “gạo” bài mới, chúng ta bỗng giật mình vì cách học và thi hiện nay tiềm ẩn quá nhiều vấn đề tiêu cực. Những xấp đề cương đã được giáo viên cẩn trọng soạn bài, thậm chí là chỉnh sửa cỡ chữ, canh dòng, in đậm và phô tô ra phát cho từng trò. Các em học sinh không hề nhọc công tí nào trong việc soạn bài, tìm kiếm tri thức, kiểm nghiệm kiến thức đã học.

Vì lo trò soạn bài thiếu hụt các ý mất điểm ảnh hưởng chất lượng mà chúng ta “nấu cơm”, “dọn sẵn” và bọn trẻ chỉ việc “ăn” ư? Đó không phải là một tình thương mà người thầy dành cho trò. Điều đó đi ngược với phương pháp tự học, xu hướng tự tìm tòi, tự tổng kết kiến thức mà quá trình đổi mới phương pháp giáo dục đang kêu gọi!

Bọn trẻ cầm đề cương ê a học thuộc làu làu, bố mẹ dò bài năm lần bảy lượt mới yên tâm chuyển sang môn học khác, chẳng cần biết con trẻ có hiểu những gì mình đang học và trả bài không? Nhiều khi tôi có cảm giác các con dần biến thành những con vẹt bảo đọc gì đọc nấy, trả lời phần nào là ra rả đáp không sót câu từ gì.

Gạo bài môn học này làu làu, thi xong lại dẹp sang bên để nhồi nhét thêm môn học khác vào đầu cho kịp buổi thi tiếp theo. Kiến thức còn đọng lại trong các con có được bao nhiêu? Khi cả ngành Giáo dục đang hô hào dạy học phát triển năng lực người học, đổi mới kiểm tra đánh giá chống học vẹt, học tủ thì rõ ràng những tờ đề cương soạn sẵn, in sẵn phát tới tay từng học sinh ấy tồn tại trong mỗi kỳ thi chẳng khác gì lột trần bản chất thi cử còn nặng về kiến thức hàn lâm và cách thức ra đề vẫn còn nguyên sơ bản chất kiểm tra kiến thức người học là chủ yếu.

Đặc biệt là môn Ngữ văn, bộ môn đòi hỏi cao về năng lực cảm thụ, tư duy sáng tạo và kỹ năng tạo lập văn bản của người viết cũng chẳng biết từ bao giờ đã đi vào “lối mòn” học thuộc lòng. Thử hỏi các phụ huynh có con em đang học tiểu học mỗi kỳ thi môn tiếng Việt được ôn luyện như thế nào, tôi thường nhận được câu trả lời là học tủ một số đề văn đã được viết sẵn.

Lên cấp hai, các em vẫn còn mang nặng tư tưởng soạn sẵn văn mẫu, học thuộc lòng văn mẫu, chép văn mẫu. Đề cương môn ngữ văn phải soạn đầy đủ cả dàn ý chi tiết, từ ý lớn đến ý nhỏ, kiến thức tiếng việt và văn bản cũng phải đánh máy cả phần trả lời đầy đủ ư? Chính lối học thuộc lòng này đã giết chết năng lực sáng tạo, phương pháp tự học và cản trở tư duy tìm tòi, khám phá của người học.

Phải chăng sau bao nhiêu nỗ lực nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá phát huy năng lực người học, tất cả lại quay về cái mốc ban đầu: học thuộc lòng và trả bài như những con vẹt?

Khi những tờ đề cương chi tiết còn tồn tại, một thế hệ quen phụ thuộc vào mẫu, rập khuôn theo mẫu sẽ còn tồn tại! Xin đừng “thương” trò như thế!

Nguyễn Thùy

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!