Đề cương ôn tập: choáng!

Quan điểm thi kiểm tra học kỳ đề chung được hình thành và tồn tại mấy năm học gần đây ở chương trình sách giáo khoa mới. Với nguyên tắc “học gì thi đó” nên cả học sinh lẫn giáo viên phải chạy đua với số lượng bài học từ đầu học kỳ cho đến những bài cuối cận tuần thi.

Anh bạn giáo viên (GV) ở một quận trung tâm TPHCM cho tôi xem đề cương ôn tập thi học kỳ I môn lịch sử lớp 7, 8 để phổ biến cho học sinh (HS) ôn tập mà giáo viên (GV) nhìn vào cũng phải... choáng, chứ nói gì đến HS.

 

Môn học lịch sử lớp 7 học kỳ I có tất cả 19 bài (trong đó có ba bài ôn tập chương) thì nội dung ôn thi có tất cả... 16 bài. Nghĩa là không bỏ kiến thức bài nào cả. Ngoài kiến thức SGK, cán bộ chuyên môn của quận còn “sáng tạo” đưa vào nội dung ôn tập những kiến thức... chỉ có “cán bộ” mới hiểu.

 

Điển hình như bài 4, đề cương yêu cầu HS phải thuộc tên gọi và thứ tự các triều đại phong kiến Trung Quốc (?!). Hay bài 6, nội dung ôn thi phải học thuộc niên biểu và các giai đoạn lịch sử của Campuchia và Lào (trong đó cán bộ chuyên môn còn “vẽ” đầy đủ các vương quốc từ Phù Nam cho đến khi Pháp xâm lược ở Campuchia, hay ở Lào từ khi thành lập nước cho đến khi suy yếu, bắt HS phải “tụng” thuộc lòng!).

 

Kiến thức ôn tập lịch sử lớp 8 cũng chẳng khác hơn, toàn học kỳ I có 24 bài, nội dung kiểm tra bao quát đến 21 bài, trừ 3 bài ôn tập và thực hành!

 

Với mỗi môn học có nội dung ôn tập như thế, cứ nhân lên 10 môn thì HS đến các kỳ kiểm tra thi cử chỉ có... phát bệnh tâm thần! Đối với những HS không thể tiếp thu nổi chỉ còn việc “ù lì” phó mặc, dẫn đến lười học, mất cảm giác.

 

Đã có rất nhiều cảnh báo về tình trạng căng thẳng dẫn đến rối loạn tâm lý ở HS, cũng như sự lên tiếng của dư luận về sự quá tải của chương trình học và thi cử theo SGK mới. Nhưng vẫn chưa thấy ngành giáo dục có biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề.

 

H.N.L. (TPHCM)

Theo Tuổi Trẻ