Đề án tuyển GV Philippines dạy tiếng Anh: Không dễ thực hiện

(Dân trí) - Kế hoạch tuyển giáo viên Philippines dạy tiếng Anh và sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ của TPHCM được đánh giá tích cực. Nhưng nhiều trường lưỡng lự vì gặp phải cảnh: con nhà giàu thì chê, con nhà nghèo thì túng.

Quá ổn về... lý thuyết

Khi biết thông tin Sở GD-ĐT TPHCM tuyển 100 giáo viên (GV) Philippines dạy tiếng Anh và mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh (HS) phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011-2020”, hầu hết các trường đều có ủng hộ, chí ít là về mặt tinh thần. 

Vài năm gần đây, không ít trường ở TPHCM đã chủ động thuê GV nước ngoài thông qua các trung tâm ngoại ngữ đến dạy học. Tuy nhiên, các trường thực hiện theo kiểu “tự phát”, chưa có hành lang pháp lý, lại thiếu kinh nghiệm khi làm việc với người nước ngoài nên dễ phát sinh không ít tình huống vượt qua tầm kiểm soát.

Nhà giàu chê, nhà nghèo túng
Chủ trương thuê GV nước ngoài và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho HS của TPHCM ổn về lý thuyết nhưng không dễ thực hiện. (Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh tăng cường tại trường tiểu học ở TPHCM). 

Một số rắc rối các trường hay gặp phải khi thuê GV bản ngữ như: không kiểm soát được chất lượng đầu vào; GV từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc ngắn hạn vài tháng trong năm nên họ thường nghỉ việc đột ngột; hợp đồng không rõ ràng… Có trường mỗi năm đổi 3 - 4 GV bản ngữ vì họ nghỉ việc, thay người mới lại phải làm quen, thích nghi lại từ đầu nên chất lượng dạy học cũng rất bấp bênh.

Chưa kể, nhiều trường có mong muốn tuyển GV nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh tăng cường nhưng không thể thực hiện vì lãnh đạo nhà trường không có kinh nghiệm trong việc tuyển dụng.

Với kế hoạch tuyển GV nước ngoài vào dạy tiếng Anh có quy mô của Sở GD-ĐT, các trường sẽ yên tâm về cơ sở hành lang pháp lý, hợp đồng làm việc, chất lượng đầu vào… vì nếu gặp “sự cố” gì đã có Sở lo, nhà trường không phải “tự bơi” một mình.

Bà Võ Thị Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho rằng việc tuyển GV nước ngoài vào trường học dạy tiếng Anh theo chủ trương của Sở GD-ĐT có nhiều mặt lợi. Trường không phải lo việc tìm GV, không phải quá lo lắng về về chất lượng và được đảm bảo về mặt pháp lý.

Tuyển được GV nước ngoài, HS được nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là khả năng nghe nói. Ngoài ra, theo quy định từ Sở, không chỉ đứng lớp mà các GV này còn có 15 tiết mỗi tháng để tham gia các hoạt động chuyên môn, ngoại khóa, tham gia dự giờ, chia sẻ việc dạy học với GV của trường…

“Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ có môi trường tiếng Anh ở ngay trong trường học không chỉ tốt cho HS mà còn giúp GV của trường có điều kiện nâng cao trình độ. Đây là điều mà có ngồi ở trung tâm, giảng đường cũng không thể có được”, bà Thu nhấn mạnh.

Nhà giàu chê, nhà nghèo túng

Thuận lợi là vậy nhưng với chủ trương 100% kinh phí thuê GV nước ngoài và 50% kinh phí mua sắm trang thiết bị triển khai đề án do phụ huynh (PH) đóng góp, các trường cho rằng rất khó thực hiện. Theo tính toán của Sở GD-ĐT, chi phí cho việc thuê GV Philippines với mức lương 2.000 USD/tháng thì mức đóng của mỗi HS tham gia khoảng 120.000 đồng/tháng và đóng góp cho kinh phí mua sắm trang thiết bị dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/HS tùy số lượng HS.

Nhiều hiệu trưởng đánh giá, đề án nếu có sự hỗ trợ kinh phí từ thành phố thì đúng cơ hội cho nhiều HS, nhất là các em HS khó khăn sẽ có điều kiện nâng cao nâng cao tiếng Anh. Còn khi đề án gần như “trút” hết về phía phụ huynh (PH) thì dẫn đến nghịch lý: con nhà giàu thì chê, con nhà nghèo thì túng.

Có một thực tế diễn ra ở nhiều trường học: gia đình có điều kiện đã cho con tham gia học tiếng Anh tăng cường, chi phí trả hàng tháng đã tính cho việc thuê GV nước ngoài cũng như cơ sở vật chất dạy học.

Chi phí cho việc học với GV bản ngữ tại các trường hiện ở mức 70 - 80.000 đồng/tháng/HS cho mỗi tuần 1 tiết học. So với chi phí thuê GV Philippines từ chủ trương của Sở mức chênh lệch không quá lớn, trong khi tài chính không phải là vấn đề quan tâm của đối tượng PH khá giả.

Bà Phạm Thị Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 cho biết hiện trường có hơn 400 HS theo học chương trình tiếng Anh tăng cường, để thực hiện đề án cần phải mở rộng đối tượng HS.

“Nếu có điều kiện các em đã tham gia học chương trình tiếng Anh tăng cường. Vì khó khăn mà các em chỉ có thể học chương trình tự chọn không tốn tiền. Bây giờ bảo PH đóng tiền thuê GV nước ngoài, mua sắm trang thiết bị người ta lấy đâu ra?”, bà Hà băn khoăn.

Lường được số HS đăng ký theo học chương trình sẽ ít, không đủ số tiết cho thầy dạy, nhiều trường đã nghĩ đến việc liên kết thuê chung một GV để tiết kiệm chi phí. Đây cũng là ý kiến hay nhưng cũng chỉ đem ra bàn còn nếu thực hiện lại phát sinh: trường nào sẽ quản lý GV nước ngoài?

Về việc đóng góp mua trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cũng có nghịch lý: trường nghèo số HS ít nên các em càng phải đóng nhiều tiền cho đủ 50% kinh phí, còn trường có điều kiện số HS đông nên mức đóng lại thấp đi. Mức đóng có thể chênh lệch cả triệu đồng.

Thế nên, đến nay nhiều trường đang “lững chững”, thậm chí tìm mọi cách từ chối tiếp nhận thực hiện nhận đề án vì muốn nhưng chưa thể. Một số trường đã "vướng"hợp đồng với GV nước ngoài tuyển trước đó, hẹn năm sau mới tính; còn nhiều trường thì chưa thể vận động được PH tham gia. Hiện đã có tình trạng một số Phòng GD-ĐT sau khi đăng ký thuê GV nước ngoài nhưng đang lo chưa biết trường nào có thể tiếp nhận.

Hoài Nam