Dạy và học môn Văn: Cô, trò đều… ngán

Học sinh ngao ngán, chán học còn giáo viên dù tâm huyết cũng chỉ biết dạy theo “khuôn mẫu”… thực trạng dạy và học môn Văn trong các trường ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, chưa có “lối thoát”.

Ngày càng nhàm chán

Có một thực tế những năm gần đây, môn Ngữ văn trong các trường phổ thông đang dần đánh mất vị thế của một môn học cuốn hút, say mê học trò thủa nào giờ đây chỉ còn là những tiết học thụ động, khiến học sinh cảm thấy nhàm chán.

Nguyễn Thanh Huyền - học sinh lớp 11 Trường THPT N.T (Hà Nội) chia sẻ: “Trong giờ Văn, nhiều lúc em và các bạn cảm thấy rất buồn ngủ. Lịch học kín mít, tất bật “chạy sô”, mệt mỏi vì học nhiều, nên không thể cảm thụ, nghiền ngẫm tác phẩm văn học. Trong giờ Văn, cô cứ giảng, trò chỉ biết lụi hụi ghi để lấy cái làm bài kiểm tra, thi tốt nghiệp. Môn Văn phải học theo khung bài, ba-rem để đi thi, học sinh ít được đưa ra cảm nhận riêng”.
 
Dạy và học môn Văn: Cô, trò đều… ngán

Với hơn 30 năm giảng dạy môn Văn, TS Trịnh Thu Tuyết (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) rất buồn trước thực trạng dạy và học môn Văn hiện nay. TS. Tuyết chia sẻ: “Những năm gần đây, một trong những vấn đề khiến nhiều giáo viên Văn trăn trở, bối rối đó là tình trạng học trò chán học Văn, chán văn chương, rút gọn việc học văn bằng các hoạt động miễn cưỡng với: nghe, ghi chép, trả bài. Học sinh thường có cảm giác hoặc buồn ngủ vì những điều phải nghe như không liên quan gì đến các em, hoặc bị “tra tấn” vì những kiến thức “nhồi nhét” một cách khiên cưỡng, áp đặt”.

Theo một số giáo viên Văn, chương trình còn nhiều tác phẩm chưa phù hợp. Ví dụ, thời kỳ văn học cổ, quá xa xưa với thời kỳ mà học sinh đang sống, nên các em cũng không mấy hứng thú học. Bên cạnh đó, môn học này học sinh đang có xu hướng học cốt để đi thi tốt nghiệp, trong khi số thí sinh thi khối C ĐH, CĐ ngày càng “hẩm hiu”, khiến cho học sinh không còn mặn mà với môn học này.

Loại bỏ cách dạy nhồi nhét

Nhằm “cứu vãn” môn Văn, Bộ GD-&ĐT vừa tổ chức hội thảo quốc gia về dạy môn Văn trong các trường phổ thông. Hội thảo đã chỉ ra bất cập trong môn Văn hiện nay, đồng thời đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới.

PGS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), kiến nghị: “Trong việc đổ mới nội dung, phương pháp dạy và học môn Văn, cần tập trung hình thành cho học sinh sự đam mê để họ tự đi tìm và lý giải, qua đó hình thành năng lực. Không nên nhồi nhét kiến thức, không bắt ghi nhớ máy móc”.

Còn theo TS.Trịnh Thu Tuyết, cần “đánh thức” tinh thần cảm thụ văn học của học sinh: “Giáo viên cần giúp học sinh tri giác, cảm thụ tác phẩm, hiểu ngôn ngữ, tình tiết, cốt truyện, thể loại... để có thể cảm nhận được hình tượng nghệ thuật trong các chi tiết, các liên hệ. 

Đưa học sinh đến với ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ, đưa hình tượng nghệ thuật vào văn cảnh đời sống và kinh nghiệm sống của mình để thể nghiệm, đồng cảm. Giúp học sinh hiểu được vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn hóa, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật”.

Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, môn Ngữ văn sau 2015 tiếp tục là môn học chính theo hướng tích hợp, phát triển năng lực của học sinh. Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Môn Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng ở cấp phổ thông. 

Tuy nhiên, việc dạy môn học này ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Làm thế nào để môn Ngữ văn xứng đáng với tầm quan trọng của nó, đó là thách thức lớn đối với đội ngũ nhà giáo, các tác giả xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa trong thời gian tới”.

Theo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm