Dạy song ngữ cho trẻ em dân tộc: Học sinh không còn bỏ học
(Dân trí) - Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cùng tổ chức Unicef đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Sau 8 năm thực hiện, dự án đã giúp tỉ lệ trẻ em chuyển cấp ở một số địa phương đạt 100%. Học sinh mạnh dạn, tự tin và đặc biệt, kết quả học Toán tốt hơn một số môn khác.
Tỷ lệ chuyển cấp 100%
Một giờ học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà, Lào Cai) diễn ra sôi nổi không khác gì một lớp học ở dưới xuôi. Điều ngạc nhiên hơn khi một học sinh nữ của lớp đứng lên đọc một bài học bằng tiếng Mông và đọc lại bằng tiếng Việt rất sõi. Em là Vàng Thị Thu Hà, 9 tuổi, học sinh dân tộc Mông. Em cho biết, 5 năm qua, mình là học sinh giỏi của lớp. Em thấy mình may mắn vì được học song ngữ, được thầy cô giảng bằng hai thứ tiếng nên hiểu bài nhanh hơn.
Vàng Thị Liên, dân tộc Mong cũng tự tin cho biết, từ lớp 1 đến lớp 5, em đều đạt học sinh giỏi. Mặc dù năm nay em đã được chuyển lên cấp hai, không còn được học song ngữ nữa nhưng những kiến thức đã được học ở tiểu học đã giúp ích cho em rất nhiều. Những bài Toán khó, không thể giải được, em có thể hỏi han các bạn khác bằng vốn ngôn ngữ linh động của mình. Đặc biệt, theo hiệu trưởng nhà trường, hầu hết các học sinh làm cán bộ lớp ở trường đều là học sinh song ngữ. Các em không những nắm kiến thức vững hơn các bạn khác mà còn tự tin, mạnh dạn.
Ông Hà Đức Đà, Giám đốc TT Nghiên cứu Gaiso dục dân tộc (Viện KH Giáo dục Việt Nam) cho hay, sau 8 năm thực hiện (từ năm 2008 đến nay), học sinh trong vùng dự án đã được tiếp cận vừa tiếng dân tộc mình, vừa được học tiếng Việt.
Nhóm nghiên cứu đã đo đầu vào và đầu ra của học sinh. Kết quả, hai lứa học sinh ở cả hai giai đoạn triển khai dự án (lứa 1 gồm 520 học sinh mẫu giáo 5 tuổi; Lứa 2 gồm 510 học sinh tiểu học) đều có kết quả vượt trội so với đầu vào. Nếu so sánh giữa học sinh song ngữ với học sinh bình thường, tỉ lệ học sinh khá, giỏi của học sinh song ngữ cao hơn và chiếm khoảng 70%. Càng học cao lên, chất lượng giáo dục càng tốt hơn do giáo viên có kinh nghiệm hơn.
“Sau thời gian triển khai dự án, học sinh tham gia dự án giáo dục song ngữ rất tự tin. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm rất nhiều, môi trường học tập thân thiện. Khi nhóm khảo sát ở cấp THCS qua các bài test cho thấy, học sinh học song ngữ có số lượng đạt học lực khá, giỏi cao hơn học sinh phổ thông bình thường. Đặc biệt, tỉ lệ chuyển cấp của học sinh song ngữ là 100% và nhanh chóng hòa nhập với cấp học mới, nhiều em làm cán bộ lớp ở cấp THCS đều là học sinh đã từng học song ngữ.
3 khó khăn trước mắt
Theo bà Dương Thị Bích Nguyệt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho hay, Lai Châu hiện có 25 dân tộc. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 22,21%. Địa phương này có 3 trường mầm non và 3 trường tiểu học được thí điểm dạy song ngữ.
Dù đã có nhiều cách nhưng việc huy động trẻ ra lớp ở địa phương vùng cao vẫn khó khăn do trẻ em dân tộc đều được dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Do đó năm 2008, Bộ GD&ĐT kết hợp với Unicef thực hiện đề án Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ giai đoạn 2008- 2015 tại 3 tỉnh: Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh, với 520 cháu mẫu giáo 5 tuổi và 510 học sinh tiểu học, đại diện cho 3 dân tộc đặc trưng: Mông, J’rai và Kh’mer. Các em được tiếp cận chương trình song ngữ ở 3 môn học: Toán, Tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ.
“Qua thời gian thực hiện, quả thật các em nhanh nhẹn hơn và tự tin hơn. Số lượng học sinh được chọn vào học ở trường nội trú của huyện chủ yếu cũng là học sinh đã từng học song ngữ”, bà Nguyệt cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Ngoạn, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Phí, huyện ChưPah, Gia Lai cũng chia sẻ, lứa 1 ở địa phương có 28 em được tham gia dự án. Lứa 2 gồm 27 em tham gia. Sau thời gian thực hiện, khoảng 70% học sinh cả hai lứa đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Tại Hội nghị, đại diện Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, qua đánh giá độc lập của đơn vị này cho thấy, học sinh học song ngữ có môn Toán tốt hơn Tiếng Việt và ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhiều học sinh còn viết xấu, chưa biết cách hành văn. Trả lời câu hỏi của PGS Nguyễn Đức Quang (Viện Khoa học Giáo dục), về nguyên nhân vì sao học sinh học song ngữ lại có kết quả môn Toán tốt hơn các môn học khác?
Đại diện Vụ GD Tiểu học cho hay, cách tiếp cận với môn Toán đã tương đối phù hợp với học sinh học chương trình song ngữ. Tuy nhiên, đối với môn Tiếng Việt và tiếng Dân tộc, dự án cần nghiên cứu nhiều hơn về cách tiếp cận để mang lại kết quả cao hơn cho học sinh.
Trao đổi với PV Dân trí về một số khó khăn trong thời gian tới, ông Đà cho hay, để triển khai được dự án phải có 3 yếu tố: Có giáo viên giỏi cả tiếng dân tộc và tiếng Việt; Phải có chương trình và SGK riêng; Học sinh phải cùng một tiếng dân tộc.
Theo rà soát, thứ nhất hiện giáo viên chủ yếu là người dân tộc Kinh nên cá biệt một số địa phương, khi giáo viên đã từng dạy chương trình song ngữ chuyển đi, có tình trạng thiếu hụt. Do đó, Bộ GD&ĐT vừa kí 3 quyết định về việc gấp rút bồi dưỡng đào tạo giáo viên tiếng dân tộc trong thời gian sớm nhất.
Thứ hai, về SGK và tài liệu cũng gặp một số khó khăn. Đơn vị thực hiện phải mời các chuyên gia từ Lào Cai, từ Gia Lai… về viết tài liệu tại Hà Nội, nhiều khi đội ngũ viết tài liệu này lên đến hơn 200 người, viết liên tục để đảm bảo đủ số tài liệu giảng dạy. Tuy nhiên, khi đổi mới chương trình và SGK theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, số tài liệu này lại phải… viết lại theo hướng đổi mới.
Thứ 3, hiện tại, việc triển khai chương trình giáo dục song ngữ cho một lớp có nhiều dân tộc là chưa thể thực hiện được. Các em phải cùng một tiếng dân tộc và dồn vào để học trong một lớp nên nhiều khi có chênh lệch độ tuổi.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện triển khai nhân rộng phương pháp giáo dục song ngữ vì đây là giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và cải thiện chất lượng giáo dục dân tộc.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)