Hậu Giang:
Đẩy mạnh giáo dục chủ quyền biển đảo đến học sinh
(Dân trí) - Từ việc xây cột mốc đảo Trường Sa đến vẽ tranh về biển đảo…, nhiều trường học ở tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh việc giáo dục chủ quyền đất nước đến các học sinh.
Tại Trường THCS Vị Thủy (huyện Vị Thủy), Hội Đồng đội huyện phối hợp với Ban Giám hiệu trường vừa khánh thành mô hình cột mốc đảo Trường Sa. Cột mốc có chiều cao 5,1m, tổng kinh phí xây dựng 23,5 triệu đồng, đây là nguồn xã hội hóa từ các mạnh thường quân và các em thiếu nhi trong huyện đóng góp.
Theo kế hoạch, trong năm học 2014 - 2015, Hội đồng Đội huyện tiếp tục phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Vị Thủy triển khai xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa đến các trường trong huyện.
Còn tại huyện Châu Thành A, các ban ngành huyện cũng vừa tổ chức khánh thành cột mốc đảo Trường Sa tại Trường THCS Trường Long A (xã Trường Long A). Đây là điểm trường đầu tiên được chọn làm điểm xây dựng cột mốc Trường Sa của huyện Châu Thành A.
Để có kinh phí xây mô hình cột mốc đảo Trường Sa, Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành A phối hợp với Công đoàn giáo dục huyện đã vận động sự đóng góp của công đoàn viên trên địa bàn huyện với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng. Sau gần 1 tháng thi công, công trình đã hoàn thành trong niềm vui của thầy trò Trường THCS Trường Long A. Mô hình cột mốc đảo Trường Sa tại trường cao khoảng 4m, rộng 2,4m, có đầy đủ con số về kinh độ, vĩ độ, ngôi sao, cờ Tổ quốc… thể hiện chủ quyền của đất nước.
Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Trường Long A, việc xây dựng mô hình cột mốc đảo Trường Sa trong khuôn viên trường nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh hiểu thêm về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua ghi nhận của PV Dân trí, một số điểm trường khác trong tỉnh Hậu Giang cũng đã, đang xây dựng cột mốc Trường Sa trong trường. Thông qua các hình ảnh trực quan này đã góp phần giáo dục cho các em học sinh ý thức được tinh thần yêu nước, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong khi đó, nhiều trường tại Hậu Giang cũng tổ chức một số hoạt động nhằm giáo dục học sinh ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Như tại Trường Tiểu học thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ) vừa qua cho tổ chức hội thi vẽ tranh với chủ đề “Biển đảo Việt Nam trong trái tim em”.
Tham gia hội thi, các em học sinh chia nhau thành từng đội cùng “đua tài” vẽ tranh trên giấy bìa cứng A3. Khi hoàn thành bức vẽ, các đội lên thuyết trình nội dung tranh trước ban giám khảo. Trong đó điểm nhấn là sự sáng tạo trong các bức vẽ và nêu bật ý nghĩa của chủ đề.
Theo đánh giá của ban tổ chức, hội thi diễn ra trong không khí rất sôi động với sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh. Một điều đáng ghi nhận là nhiều bức tranh của các em học sinh đã thể hiện được kiến thức về chủ quyền biển đảo và ý thức về lòng yêu nước của các em.
Qua đánh giá chung, thông qua những hình ảnh trực quan, những việc làm thiết thực ngay trong nhà trường mà tỉnh Hậu Giang đang thực hiện cho thấy, việc tuyên truyền chủ quyền biển đảo đất nước có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước đến học sinh. Đây là những việc làm có hiệu quả đáng ghi nhận và cần được phát huy.
Giang Hải Yến