“Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trong tiến trình xây dựng xã hội học tập”
(Dân trí) - Ngày 8/9/2015, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trong tiến trình xây dựng xã hội học tập” nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bình dân học vụ (08/9/1945 – 08/9/2015) và Ngày xóa mù chữ quốc tế 8/9.
Dự Hội thảo có GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch, Trưởng Phó các Ban chuyên môn của Trung ương Hội; Bà Katherine Muller – Marin Trưởng Đại diện UNESCO và bà Sun Lei Điều phối viên Chương trình giáo dục của UNESCO tại Việt Nam và đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo; Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao, Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Sở Giáo dục &Đào tạo, Hội Khuyến học của 10 tỉnh, thành phố…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS – TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam có tới trên dưới 95% dân số mù chữ hoàn toàn. Trong tình trạng trứng nước của Nhà nước non trẻ lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề diệt dốt như diệt diệt nạn đói và giặc ngoại xâm, coi dốt nát là một loại giặc nguy hiểm.
Chúng ta đã bền bỉ chống giặc dốt (chống nạn mù chữ) đúng 70 năm. Nhưng trong xã hội ta hiện vẫn còn không ít người mù chữ. Tình trạng mù chữ trong xã hội ta đã, đang và sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong thời đại công nghệ phát triển và hội nhập, những người mù chữ bị rất nhiều thiệt thòi, họ tự làm mất đi nhiều quyền tham gia vào công việc của xã hội, cộng đồng, không được tiếp cận khoa học kỹ thuật nên năng xuất lao động thấp, sống trong cảnh nghèo túng.
Ngoài việc chống nạn mù chữ, xã hội ta còn có nhiều người bị mù chữ chức năng. Đó là những người mà trình độ kỹ năng đọc, viết, tính toán không đủ để họ thực hiện những chức năng cần thiết mà hoạt động đòi hỏi, chủ yếu là hoạt động lao động – nghề nghiệp.
Mù chữ chức năng là một khái niệm của xã hội hiện đại mà cuộc cách mạng khoa học và công nghệ không chấp nhận. Mù nghề (không có nghề nghiệp gì) chính là nguyên nhân cơ bản của sự nghèo đói. Mù thông tin, mù công nghệ tin học, mù ngoại ngữ, mù kỹ thuật …. Đều có thể gọi là mù chữ chức năng của người lao động.
Vì vậy xóa mù chữ là công việc đòi hỏi phải có tổ chức, có mục tiêu lâu dài và phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói giảm nghèo. Xóa mù chữ phải gắn với cộng đồng và dựa vào Trung tâm học tập cộng đồng, gắn với phong tào xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua đạt danh hiệu gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa…
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam
Theo Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam: “Xóa mù chữ và Xã hội bền vững” là chủ đề của Ngày Quốc tế xóa mù chữ năm nay, năm 2015. Xóa mù chữ là động lực chính cho phát triển bền vững. Đây là điều kiện tiên quyết để lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị rộng lớn hơn cần thiết hơn để xây dựng xã hội bền vững…Xóa mù chữ chính là nền móng vững chắc để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một điều vô cùng quan trọng để xây dựng xã hội học tập và để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.
Biết chữ cũng là một phương tiện để tiếp cận cơ hội và mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong công tác xóa mù chữ nhất là trong nhóm thanh niên trong độ tuổi 15 – 25. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức phía trước trong công tác xóa mù vì không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc viết mà còn tăng cường xóa mù kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, và nhiều lĩnh vực khác".
Gần 10 bài phát biểu tham luận và trao đổi theo nhóm của các đại biểu tập trung phân tích những nguyên nhân gây ra nạn mù chữ, mù chữ chức năng, nhất là đối với việc xóa mù chũ trong đồng bào các dân tộc miền núi, vùng xâu, vùng xa. Đặc biệt khi nêu các biện pháp xóa nạn mù chữ có tính bền vững, các đại biểu đều kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể, thống nhất triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Công tác xóa mù chữ phải được đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.../.
Lương Thanh