Dạy kỹ năng bằng ngôn ngữ... chợ búa
“Trường chúng tôi có một văn hóa rất hay là văn hóa khạc và nhổ. Có những thứ không thể tách rời ra được, đó là khạc và nhổ. Không ai khạc và... nuốt cả” - khó có thể tin đó là ngôn từ được dùng trong một khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.
Chiều 7-10, chúng tôi đến “Học viện đào tạo kỹ năng mềm KDI - Việt Nam” ở địa chỉ 159/4A Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM để tham dự “Lớp học kỹ năng mềm miễn phí C40”. Buổi học có khoảng 50 người.
“Diễn giả” Trần Văn Hưng, phó giám đốc điều hành Học viện đào tạo kỹ năng mềm KDI - Việt Nam, giảng về kỹ năng mềm chiều 7/10.
“Cay cú là não thú”
Lớp học được tổ chức trong căn phòng rộng chừng 70m2 tại địa chỉ nêu trên. Sau những bản nhạc sôi động mở rất to trong phòng kín, một nam nhân viên khá trẻ cho các thành viên làm quen bằng cách bắt tay với nhau.
“Mối quan hệ trong cuộc sống chúng ta phải chủ động tìm kiếm. Chúng ta không thể tìm hợp đồng, dự án bằng cách chờ... ông nội đó đến bắt tay với mình” - anh này kết luận.
Sau phần giới thiệu, một nam thanh niên khác sinh năm 1984, đầu trọc, mặc áo sơmi trắng thắt cà vạt, bước vào: “Giới thiệu với các bạn, tôi tên Trần Văn Hưng, quê gốc ở Nam Định. Tôi sinh ra ở một vùng quê rất nghèo trồng lúa. Lúa lên cây nào là chết cây đó. Các bạn có biết tại sao không? Vì lúa đến vụ người ta gặt, người ta cắt đi thì chết chứ sao. Trước đây đặc sản quê tôi là cầy tơ. Từ khi vào Sài Gòn, tôi biết quê tôi có thêm một đặc sản là... trai tơ. Học với tôi thì phải máu. Bởi vì muốn làm cho người khác sướng thì mình phải sung. Chứ muốn làm cho nó sướng, mình không sướng thì phải tự sướng à”.
“Đã cấp chứng chỉ cho 250.000 người” Khi chúng tôi đến đăng ký ghi danh, một nhân viên nhanh nhảu nói: “Bạn phải học để lấy chứng chỉ. Chúng tôi đã cấp chứng chỉ cho 250.000 người từ trước đến nay rồi. Một tháng chúng tôi dạy 30 lớp cơ bản, chuyên sâu. Học xong bạn có thể được cấp học bổng để học tiếp hay đăng ký thêm mấy triệu đồng để học chuyên sâu và có thể trở thành giảng viên của KDI. Mô hình của KDI là mô hình của 142 trường đại học trên thế giới. Chuyên gia của chúng tôi đi học và mang về VN”. |
Chất giọng to, rõ, “diễn giả” Hưng giảng về kỹ năng mềm xen lẫn những minh họa “độc đáo”. Nói về những bài học từ cuộc sống, “diễn giả” Hưng mở đầu: “Nếu như bạn có tiền, khoảng 15 triệu đồng, bạn có thể bước vào bất kỳ một sàn nhảy, quán bar nào ở TP.HCM. Bạn chỉ cần liếc mắt nhìn qua bàn bên cạnh thấy một cô bé chân dài nào đó dễ thương một chút và bạn nháy nháy mắt. Nhỡ đâu đó là bồ của đại ca nào đó thì trong vòng một nốt nhạc, nó cho mình chết luôn mà không biết tại sao mình chết”.
Xong, “diễn giả” kết luận: “Nên những gì cuộc đời này dạy chúng ta vô cùng quan trọng...”.
Khi giới thiệu về kỹ năng tư duy sáng tạo, “diễn giả” nhận định đây là kỹ năng không thể thiếu để tạo ra sự khác biệt. “Mở đầu phần này chúng ta sẽ học về não thú, não bò sát và não người. Trong đầu chúng ta có ba loại não này. Những người hay để bụng, hay tức tối, hay cay cú như các bạn nữ là não thú. Những bạn nam suốt ngày đánh với đấm, quát với tát là não bò sát. Cười nhiều như tôi đây là não cười... Do đó mình cứ cười. Cười để nó không biết mình nghĩ gì, khi nào mình rút dao chém nó. Người ta chửi mình cũng cười. Nó chửi một mình nó, mình không nhục mà nó nhục” - “diễn giả” Hưng đúc kết.
“Khi bạn gái khóc cứ... tát vào mặt”
Trong khi đó, bàn về đẳng cấp của con người, “diễn giả” Hưng giảng: “Các bạn nữ thấy người nào muốn yêu mình thì phải xem thử người đó làm được trên 20 triệu đồng/tháng chưa. Ai xin số điện thoại mình phải bảo là: “Ê, có tiền chưa?”. Bạn trai bảo cho anh hôn cái, phải quay lại hỏi: “Tiền đâu?”. Còn các bạn nam khi làm được 20 triệu đồng/tháng rồi thì tốt nhất không nên yêu ai, mà để người ta phải... tự tìm đến yêu mình”.
“Diễn giả” Hưng cũng chia sẻ với các bạn nam mỗi khi bạn gái khóc cứ... “tát tứ bề bởi các cụ đã dạy rồi, còn nước còn tát”.
Kinh ngạc hơn, khi nói về văn hóa “diễn giả” Hưng dẫn chuyện: “Trường chúng tôi có một văn hóa rất hay là văn hóa khạc và nhổ. Khi nghiên cứu vấn đề này tôi mới biết có những thứ không thể tách rời ra được, đó là khạc và nhổ. Không ai khạc và... nuốt cả”.
Ngoài ra, xen lẫn buổi nói chuyện, “diễn giả” cũng kể những câu chuyện gây cười như quý tử là mất của quý mà chết, bạn nam ra đường úp mặt vào cột đèn mà chết gọi tiểu tử, chọc chim mà chết gọi là tiểu yến tử...
“Tôi tham gia huấn luyện ở đây là để đào tạo, tìm kiếm nhân tài chứ tôi đi nói một giờ 10 triệu đồng. Tôi vừa đi tập huấn cho những giáo sư, tiến sĩ ở Phú Yên về. Họ cứ ngồi im mà nghe” - “diễn giả” Hưng nói thêm.
“Học ở KDI giống như bị lừa đảo vì mang tiếng là không mất tiền nhưng vẫn phải đóng 150.000 đồng. Giảng viên nói nhiều nội dung không đúng trọng tâm lắm, đôi khi không được lịch sự và... bộc lộ bản chất giang hồ” - một học viên cho biết.
Theo thông báo “Chương trình đào tạo miễn phí vì cộng đồng - tháng 10-2011” của KDI, chương trình nằm trong tổng dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và dự án đào tạo vì cộng đồng KDI. Đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, THCN - nhân viên các công ty, tập đoàn tại TP.HCM và các vùng lân cận. Thời gian đào tạo 10-12 buổi với các nội dung như: kỹ năng mềm cơ bản (bảy buổi) nhằm rèn luyện khả năng diễn đạt, sự tự tin và khả năng thuyết trình cho học viên; kỹ năng mềm chuyên sâu gồm 2-4 buổi.
Khi người học dè dặt về miễn phí, một nhân viên trấn an: “Chúng tôi hỗ trợ cho bạn giảng viên, đào tạo, giáo trình. Còn những chi phí nho nhỏ như điện nước sử dụng trong lớp bạn phải đóng 150.000 đồng. Đó không phải là học phí”.
Cũng theo thông báo của KDI, thời gian tuyển sinh từ ngày 1 đến 30-10 nhưng sẽ kết thúc khi đủ 750 suất. Nhẩm tính mỗi tháng “chương trình đào tạo miễn phí vì cộng đồng” của KDI sẽ thu được 112,5 triệu đồng từ “chi phí nho nhỏ” của sinh viên.