Dạy - học văn theo cách thực dụng
Trò học văn vì đó là môn thi tốt nghiệp, thi ĐH. Thầy dạy văn cũng nhằm mục đích cho trò vượt qua kỳ thi và đạt được điểm cao. Có thể nói dạy và học văn hiện nay nhằm hướng tới kỳ thi và đề thi.
Ngày xưa, thế hệ chúng tôi từng say sưa chuyền cho nhau những câu thơ chép tay trên giấy học trò vàng ố của nhà thơ Rasul Gamzatov: Cuộc sống sẽ tối sầm nếu không có thơ ca/Không thấy mặt trời sẽ không còn khái niệm/ Giống màn đêm không ngôi sao nào hiển hiện/Giống tình yêu khô cằn không một phút trao hôn. Với tâm thế ấy, chúng tôi đã đến với những giờ văn bằng tất cả lòng nhiệt thành và một tình yêu thánh thiện. Không ai phủ nhận được rằng văn học giúp bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, chắp cánh cho trí tưởng tượng của con người bay bổng. Thế nhưng, thực tế dạy và học văn hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Trò chỉ học khi thi
Trò học văn vì đó là môn thi tốt nghiệp, môn thi ĐH. Thầy dạy văn cũng nhằm mục đích cho trò vượt qua kỳ thi và đạt được điểm cao. Có thể nói dạy và học văn hiện đều hướng tới kỳ thi và đề thi. Điều chắc chắn là nếu như không vì giáo viên bắt buộc thì không học trò nào tự giác soạn bài môn văn ở nhà.
Thời gian dành cho môn văn quá khiêm tốn so với các môn tự nhiên, ngay cả học sinh thi ĐH khối D, C cũng không chú trọng nhiều môn này. Hàng trăm câu trả lời của học trò đều tương tự: “Em chỉ học văn khi thi, văn chủ yếu là chém gió nên học hay không cũng vậy”, “Dành thời gian để học văn là sự xa xỉ về thời gian”, “Em chỉ thích đọc truyện tranh, không thích đọc truyện chữ vì không thú vị và đòi hỏi nhiều thời gian quá”, “Chưa bao giờ em đọc một cuốn tiểu thuyết nào”, “Em chỉ học thuộc thơ khi thầy cô yêu cầu nhưng bây giờ quên hết rồi”.
Khi hỏi về những tác phẩm ngoài chương trình, nhiều học sinh tiết lộ: “Chưa bao giờ em đọc thêm tác phẩm nào”. Ngay cả học sinh chuyên văn cũng thừa nhận: “Những tác phẩm nổi tiếng thường dài quá, chúng em không có thời gian, chỉ đọc những phần được trích dẫn trong sách giáo khoa”.
Khi hỏi lý do vì sao không thích học văn, học sinh thường trả lời: Vì điểm văn rất khó dự đoán, vì điểm văn luôn thấp hơn các môn khác, vì những tác phẩm trong sách giáo khoa không hay, vì đề thi chỉ tập trung vào một bài, vì đề thi ra chi tiết có tính chất đánh đố, vì không có khả năng cảm thụ, vì những gì trong tác phẩm xa lạ với cuộc sống hiện nay… Những cái “vì” ấy đã ngăn cản lòng yêu văn của học sinh.
Thầy cố công gò chữ
Hơn nữa, cách thi cử về môn văn của chúng ta cũng có vấn đề. Trước những năm 1980, đề thi chỉ chú trọng thể loại nghị luận xã hội. Học văn là học làm người và thi văn cũng là để kiểm chứng về thái độ nhận thức của người học về xã hội, bài thi là thước đo tư tưởng, quan điểm của người học. Sau năm 1985, đề thi lại quay sang hướng khác: Bỏ hẳn thể loại nghị luận xã hội, chỉ có nghị luận văn học. Đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH chỉ trong phạm vi phân tích tác phẩm truyện hoặc thơ.
Từ năm 2009 trở đi, bắt đầu có sự thay đổi đề thi. Phần nghị luận xã hội được đưa vào (chiếm 3/10 điểm); phần nghị luận văn học 7 điểm, gồm 2 câu (câu 2 điểm và câu 5 điểm). Song, một vấn đề lại nảy sinh: Trong việc phân tích thơ văn, càng đi sâu vào chi tiết nhỏ lại càng khó, nhất là khi người bình không có quyền lựa chọn.
Sự phân tích như vậy thường chỉ dành cho những người có trình độ chuyên môn cao và sâu. Điều đó dẫn đến cách dạy văn của chúng ta theo lối “nhai văn nhá chữ” mà nhà thơ Cao Bá Quát đã giật mình nhận ra gần 130 năm trước trong chuyến đi công cán tại Singapore năm 1884. Ông viết: Giật mình khi ở xó nhà, văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Một bài thơ phải đi phân tích hết từng chữ, từng câu như là chữ vàng lời ngọc, trong khi thực tế không phải bài nào cũng hay. Ngay cả với bài thơ hay, đâu phải toàn bài đều hay mà chỉ hay ở một vài đoạn, trong đoạn cũng chỉ một vài câu hay. Có những đoạn là hạt sạn của bài thơ nhưng thầy trò cũng phải phân tích. Tìm làm sao được cái hay khi người dạy phải cố công gò chữ đi tìm các biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ, từ láy, so sánh…và “tán”: tài hoa, tinh tế, tuyệt vời cho xong chuyện. Cuối cùng, thầy đành phải chẻ sợi tóc làm tư, ép nói những điều mình không cảm thấy. Thầy đã vậy chắc trò còn khổ hơn nếu đề thi rơi vào những phần như thế. Điều nghịch lý là các nhà phê bình khi phân tích được chọn nói điều mình thích trong tác phẩm, còn học sinh thì phải phân tích những điều theo sự bắt buộc.
Muốn học trò có thể sáng tạo trong môn văn, cần có những đề thi mở, cho thí sinh có quyền lựa chọn điều mình tâm đắc nhất trong tác phẩm và không nhất thiết phải là những tác phẩm có trong chương trình. Muốn văn chương đảm nhận được chức năng bồi dưỡng cho tâm hồn con người, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố: tác phẩm phải hay, thầy cô dạy phải tâm huyết, giàu lửa; đề thi phải thoáng, có biên độ mở cho sự sáng tạo của người viết và phải đa dạng với nhiều loại câu hỏi, nhiều thể loại khác nhau, đáp án phải linh động…
Còn đâu thời học văn vì đam mê! Hiện nay, lối sống thực dụng ảnh hưởng tới cách học của học sinh. Học vì điểm, học vì phải thi theo kiểu “mì ăn liền”, thi xong rồi không còn gì và không cần gì phải nhớ. Cái thời lãng mạn học vì sự yêu thích, đam mê; hình ảnh một đám bạn dăm bảy đứa cùng nhau ngâm nga đoạn văn, bài thơ đâu còn nữa! Cuộc sống hiện đại hối thúc con người phải chạy đua với thời gian. Sự lãng đãng sương khói của con người trong buổi chiều tà, bên dòng kênh xanh ngắm vầng trăng khuyết đã trở nên xa lạ. Học trò sáng học chính khóa, chiều học thêm, tối lên Facebook, đâu còn chỗ để nghiền ngẫm, nhâm nhi văn chương như ngày trước, khi văn học đang chiếm vị trí độc tôn? |
Hoàng Thị Thu Hiền (Trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM)
Theo Người Lao Động