Dạy học trò tiết kiệm bằng… ngôi sao Hollywood
(Dân trí) - “Các em có biết Emma Watson - ngôi sao tuổi teen của phim Harry Potter?”, hàng ngàn học sinh reo lên khi giáo viên nhắc đến thần tượng. Cô giáo tiếp lời: “Bạn ấy kiếm được hàng chục triệu USD nhưng vẫn đi lại bằng tàu điện ngầm và mỗi tuần chỉ tiêu 75 USD”.
Không sử dụng đến những phép tính, con số mà chỉ với những câu chuyện gần gũi, dẫn chứng cụ thể, bài nói chuyện về chuyên đề giáo dục tài chính cho học sinh (HS) của cô Chung Thanh Huyền - giáo viên dạy Văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM vừa diễn ra tại trường giúp nhiều học trò phải giật mình nhìn lại cách tiêu tiền lâu nay của bản thân.
Dạy học trò tiêu tiền như “phù thủy” Emma Watson
Trước khi vào bài giảng, cô Huyền thực hiện một cuộc khảo sát tại chỗ với hàng ngàn HS của trường. Hầu hết các em đều được bố mẹ cho tiền chi tiêu hàng ngày và rất đông cánh tay giơ lên khẳng định các em đã từng rơi vào cảnh khó khăn về tài chính.
Cô Huyền đề cập: “Một kết quả khảo sát với 100 HS với các trường các trường học thuộc khu vực trung tâm thành phố chúng ta, các trường được cho là trường “con nhà giàu” thì có đến 36% bạn được ba mẹ cho 3-5 triệu đồng/tháng để tiêu vặt. Đáng suy nghĩ khi có đến 25% bạn có mức xài vặt mỗi ngày lên đến 500.000 đồng”.
Chuyên đề tưởng như rất khô khan, khó lôi cuốn HS được trở nên “sục sôi” khi cô Huyền nhắc đến “cô phù thủy” của phim Harry Potter, diễn viên Emma Watson. Học trò ùa lên thích thú khi GV đưa tên thần tượng vào bài giảng.
Khi đã lôi kéo được sự chú ý của các em, cô Chung Thanh Huyền phân tích, Emma Watson kiếm được hàng chục triệu USD, là một trong những ngôi sao “đắt giá” nhất Hollywood nhưng vẫn giữ cho mình lối sống cực kỳ giản dị. “Dù mọi người có tin hay không thì bạn ấy vẫn đi lại bằng tàu điện ngầm và mỗi tuần chỉ chi tiêu trong khoản tiền 75USD”, cô giáo dạy Văn của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhấn mạnh.
“Dậy sóng” với bài văn của Nguyễn Trung Hiếu
Sau khi đưa ra tấm gương tiêu tiền là ngôi sao tuổi teen có sức ảnh hưởng lớn với học trò, cô Chung Thanh Huyền chia sẻ về giá trị đồng tiền với các em. Không một lời áp đặt hay phê phán, trong nội dung này cô chỉ đọc trích đoạn trong bài văn của Nguyễn Trung Hiếu, cựu HS Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cùng thế hệ với các em. Bài văn vốn đã rất xúc động, thêm giọng đọc của cô lại được chọn trích đoạn mang tính điểm nhấn, ý nghĩa bài viết như một lần nữa được làm mới.
“Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm. Không bán bánh mỳ được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo…”.
“… con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữ những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa”.
Nhiều học trò đưa tay quệt nước mắt!
Tiếp đó, cô Huyền cùng học trò đề cập đến một số cách quản lý tài chính lập ngân sách cá nhân để kiểm soát chi tiêu; tiết kiệm bằng cách không mang theo nhiều tiền mặt để tránh ham muốn chi tiêu, đổi tiền cũ sang tiền mới giúp tâm lý không nỡ xài; lên danh sách trước khi đi mua sắm, biết thương lượng, trả giá và chủ động đễ dành 10% tiền khi có thu nhập.
Chuyên đề bài giảng về chi tiêu tiền bạc của thầy trò Trường THPT chuyên Trần Đại nghĩa nằm trong chương trình giáo dục tài chính cho học sinh THPT do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam thực hiện. Hoạt động này sẽ được nhân rộng ra nhiều trường THPT tại TPHCM giúp HS tiếp cận những kỹ năng cơ bản về việc quản lý tiền bạc một cách khôn khéo và hiệu quả.
Hoài Nam