Dạy học sinh tự bảo vệ mình trước bạo lực học đường

(Dân trí) - Song song với việc dạy đạo đức cho học sinh, nhiều trường đã trang bị cho các em học sinh nữ những kỹ năng tự vệ cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo lực học đường.

Dẫn dắt các em tới “Chân - Thiện - Mỹ”

Xã hội đang lo ngại về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng vì các em học sinh luôn phải chứng kiến những vụ bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để tự bảo vệ học sinh của mình, nhiều trường học đã trang bị kiến thức và đưa ra những quy định phù hợp với điều kiện thực tế của học sinh trong trường.

Theo lãnh đạo Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội), nguyên nhân bạo lực học đường chủ yếu thể hiện ở những hành vi gây gổ giữa các học sinh. Nguyên nhân dẫn đến hành vi ấy có thể bắt nguồn từ sự ghen tị, hay những hiềm khích nhỏ như một ánh mắt “nhìn đểu”, một câu nói đùa, nhìn thấy ghét thì đánh, thậm chí vì lý do “tình ái”… Bên cạnh đó, hiện tượng gán ghép bạn bè bằng những biệt hiệu xấu dẫn đến việc bạn bè xấu hổ, e ngại; nói xấu sau lưng bạn, cô lập, tránh tiếp xúc với bạn một cách có chủ ý…. Cũng vẫn tồn tại trong cộng đồng học sinh. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là tâm lý lứa tuổi, do gia đình ít quan tâm sát sao, ảnh hưởng của phim ảnh, bạo lực…

Trước tình trạng trên, Trường THCS Tô  Hoàng đã đưa giải pháp, tìm cho mình một lối đi riêng phòng chống tệ nạn bạo lực học đường, đặc biệt là học sinh nữ khỏi móng vuốt của tệ nạn này. Cụ thể, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về bạo lực học đường; hệ thống sổ liên lạc điện tử giữa nhà trường và gia đình để nắm bắt kịp thời những “hiện tượng lạ” trong giao tiếp, trong tâm lý của các em để ngăn chặn kịp thời bạo lực học đường; lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho các em thông qua các tiết học và tổ chức các hoạt động từ thiện, các phong trào đền ơn đáp nghĩa… dẫn dắt các em tới “Chân - Thiện - Mỹ” cao đẹp và nhân ái.

Đặc biệt, song song với việc dạy đạo đức cho học sinh, Trường THCS Tô Hoàng còn trang bị cho các em học sinh nữ những kỹ năng tự vệ cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo lực học đường như các kỹ năng làm chủ công nghệ thông tin, làm chủ và xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn… để tỉnh táo, bình tĩnh hơn trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày.
 
Clip nữ sinh Phú Thọ bị đánh, bị bắt quỳ trong nhà vệ sinh khiến dư luận phẫn nộ.
Xã hội đang lo ngại về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Trường THPT Quảng Oai cũng có cách phòng chống bạo lực riêng của mình, cô giáo Vũ Thị Minh Hiển - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường thành lập đội ngũ tư vấn tự quản, kết hợp với việc lập đường dây nóng, giải quyết kịp thời các sự việc khi còn manh nha. Các thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ với các em những tâm tư, tình cảm, những khúc mắc của tuổi mới lớn, những mâu thuẫn tưởng chừng rất đơn giản”.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Trường THCS Thăng Long (Hà Nội) đã lập kế hoạch là ngay từ khi nhận lớp, ngoài việc tìm hiểu học bạ, sơ yếu lý lịch và hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, các giáo viên chủ nhiệm còn đặt kế hoạch tìm hiểu địa bàn sinh sống của học sinh để tiện cho việc phân công đôi bạn cùng tiến và chia nhóm kịp thời thông tin liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm với các học sinh, các gia đình cùng khu vực nhằm kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và tổ dân phố trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Các hoạt động trên kết hợp với việc dạy đạo đức học sinh, kỹ năng sống và nêu cao trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm.

Trong khi đó, Trường THPT Cầu Giấy đã đưa ra 7 biện pháp để ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới hoặc những mâu thuẫn khác của các em gái trong trường học là tổ chức các khóa học kỹ năng sống, khóa học về tâm sinh lý lứa tuổi học đường, giới tính, bình đẳng giới, phương pháp giáo viên chủ nhiệm giỏi, dạy đạo đức cho sinh, tổ chức các ngày lễ tôn vinh… Đặc biệt, trường lập các Hội đồng kỷ luật học sinh vi phạm nhằm mục đích chính là răn đe học sinh nhưng luôn tạo cơ hội cho các em sửa chữa và tiến bộ.

Lãnh đạo Trường THPT Cầu giấy cho rằng, để giải quyết các vấn đề bạo lực giới học đường cần sự chung tay, chung sức của các bậc cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục trong nhà trường cũng như các lực lượng chức năng trong xã hội. Đặc biệt, cha mẹ cần nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý lứa tổi của các con mình, cần quan tâm tới các con một cách toàn diện cả về mặc vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ cần trang bị cho mình và trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để tránh xa bạo lực giới và tự bảo vệ mình trước bạo lực giới. Nếu thấy dấu hiệu bạo lực giới xảy ra với con mình cần báo cáo, chia sẻ với thầy cô giáo, nhà trường, lực lượng chức năng để tìm phương án giải quyết, giúp đỡ cho con.

Bạo lực học đường và bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề đáng buồn còn tồn tại trong thế giới hiện đại. Đối với mỗi bé gái được đối xử công bằng, được bảo vệ và được học tập trong “trường học an toàn và thân thiện” là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, của các ban ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và của toàn xã hội.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm