Dạy học ở Ai Cập

Lê Phương Thảo (sinh năm 1993, cựu sinh viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội) nhận được lời mời giảng dạy tại một trường quốc tế ở Ai Cập. Ở đó, cô có những trải nghiệm công việc thú vị.

Ổn định là sự trói buộc

Tốt nghiệp với tấm bằng Sư phạm Tiếng Anh loại Giỏi, Phương Thảo đảm nhận công việc giảng dạy tại trường tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Sau một thời gian làm việc, Thảo nhận thấy mình còn quá trẻ và mong muốn khám phá bản thân nhiều hơn. Và thế là cô tạm dừng công việc để tìm cơ hội thực tập, dạy học ở nước ngoài.

Thông qua tổ chức AIESEC của trường ĐH Ngoại thương, Thảo nộp đơn ứng uyển vào trường liên cấp Alpha Language School (Cairo, Ai Cập). Trải qua nhiều vòng xét duyệt, nộp hồ sơ, phỏng vấn… cuối cùng, Thảo được trường lựa chọn theo chương trình thực tập giảng dạy 9 tháng.

Ban đầu, Thảo bị gia đình phản đối. Ba mẹ khuyên cô nên tiếp tục công việc với mức thu nhập ổn định ở trường tiểu học. “Mình muốn ra nước ngoài dạy học để tìm hiểu về nền giáo dục của nước bạn và khám phá bản thân. Mình luôn suy nghĩ rằng, sự ổn định hiện tại như sợi dây trói buộc và là rào cản đối với sự phát triển bản thân.

Đôi lúc, chính sự ổn định sẽ khiến con người ta trở nên lười biếng và trì trệ. Hơn một năm, mình đã cố gắng chứng tỏ năng lực cho ba mẹ thấy. Khi nhận thông báo trúng tuyển, gia đình đã vui vẻ ủng hộ”, Thảo kể.


Phương Thảo và các em học sinh bản địa.

Phương Thảo và các em học sinh bản địa.

Đặt chân đến Ai Cập, Thảo nhận được sự giúp đỡ của một người bạn trong việc tìm hiểu văn hóa, thói quen sinh hoạt… Thảo thường sử dụng phương tiện công cộng “microbus” (loại ô tô có 9 – 12 chỗ ngồi) để di chuyển đến các địa phương khác.

“Sau một tuần, mình đã bắt nhịp giờ giấc, thích nghi với cuộc sống. Ở đây, điểm thú vị là người dân thường ngủ muộn. Các quán xá, dịch vụ giải trí mở cửa đến tận 2h sáng.

Về ẩm thực, mình rất thích thú với món ”shawarma”. ”Shawarma” cũng có nét giống bánh mì kẹp thịt Việt Nam. Vỏ bánh được làm rất mỏng, có độ dai. Nhân bên trong là thịt gà hoặc thịt bò, kèm theo củ rau chua cay và nước sốt. Những lúc nhớ nhà, mình thích tự tay làm món nem chua để thưởng thức”.

Ai Cập có “điều kỳ diệu”

Thảo làm quen công việc và có 2 tuần đứng lớp dạy thử, học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô bản địa. Sau đó, Thảo được nhà trường chọn làm giáo viên đứng lớp chính.

Tại trường, Thảo phụ trách dạy các môn: Khoa học, kỹ năng nghe tiếng Anh và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh mầm non và các lớp tiểu học. Thảo nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô trong ban giám hiệu và tình cảm của các đồng nghiệp. Ngôi trường mà Thảo làm việc là trường dạy ngôn ngữ. Vì thế, Thảo tự tin sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với học sinh và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.

Vào ngày đầu nhận lớp, Thảo bước vào lớp thì các học sinh tỏ vẻ tò mò và thích thú. Các bạn cứ nghĩ Thảo đến từ Trung Quốc nên dùng câu chào bằng tiếng Trung. Để tránh nhầm lẫn, cô bắt đầu làm quen và giới thiệu văn hóa Việt Nam với các em.

“Sau một tuần, mình bước vào lớp và bất ngờ khi nghe các em vui vẻ nói câu “Xin chào” hay ”Tạm biệt” bằng tiếng Việt. Mình thấy, điều khác biệt ở trường học Ai Cập là khi học sinh mắc lỗi, giáo viên không được dùng hình phạt hay trách mắng. Trong thời gian nghỉ, giáo viên sẽ chỉ dẫn, phân tích cho các em hiểu rõ lỗi sai”, Thảo kể.

Tại trường, Thảo được tự do sáng tạo giáo án theo phương pháp riêng, không bị áp đặt theo một khuôn mẫu nhất định. Lãnh đạo nhà trường luôn tạo động lực và giúp đỡ Thảo. Mỗi tuần, trước khi đến lớp, Thảo thường sáng tạo ra các đồ dùng dạy học để minh họa bài học cuốn hút hơn.

Ở đây, nhà trường tổ chức họp phụ huynh theo hình thức 1- 1. Từng phụ huynh sẽ trò chuyện trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Thảo đảm nhận lớp học với 20 bạn học sinh. Số lượng học sinh không quá đông nên cô dễ dàng quan sát, hiểu tính cách và dạy các em hiệu quả.

“Trong quá trình dạy học, mình rất cảm động trước tình cảm của học sinh. Mỗi khi, tiết học kết thúc với bài giảng thú vị, các em học sinh thể hiện sự hào hứng bằng cách chạy ùa đến ôm hôn mình và nói cảm ơn. Sự yêu mến từ các em học sinh là phần thưởng to lớn, giúp mình có thêm động lực để tiếp tục công việc”, Thảo tâm sự.

Ngoài công việc ở trường, Thảo dành thời gian đi khám phá vẻ đẹp của những lăng mộ huyền bí, đến ngôi làng Nobian – nuôi cá sấu làm thú cưng. Thảo cùng đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức các chương trình giới thiệu văn hóa …

“Những trải nghiệm ở Ai Cập giúp Thảo trở nên trưởng thành hơn. Điều để lại ấn tượng nhất với mình là con người nơi đây. Họ rất hào phóng, tình cảm và tốt bụng. Ngoài vẻ đẹp kim tự tháp, mình thấy Ai Cập có điều kỳ diệu chính là tình cảm chân thành giữa người với người. Sau chuyến đi Ai Cập, mình sẽ tiếp tục hành trình đến Singapore và các quốc gia khác”.

Theo Bình Nguyễn

Sinh viên Việt Nam