Nghệ An:

Dạy học nơi "thâm sơn cùng cốc"

(Dân trí) - Từ trung tâm xã vào tới trường, giáo viên phải đi 3 chặng: xe máy, ngồi thuyền và lội bộ hơn 1 tiếng đồng hồ. Sự nghèo nàn và heo hút ở đây có thể ví như “thâm sơn cùng cốc” của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương – Nghệ An.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thanh soạn giáo áo dưới ánh đèn pin.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thanh soạn giáo áo dưới ánh đèn pin.

Chạy xe 100km đường rừng mỗi ngày để dạy học

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1989) là giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương - Nghệ An công tác tại đây được 5 năm. Trước đây, trường có 2 giáo viên mỹ thuật, vừa rồi một giáo viên chuyển công tác, thành ra cô Thanh phải phụ trách môn mỹ thuật của 38 lớp tại 9 điểm trường. Bởi vậy, môn học này phải học theo hình thức cuốn chiếu, dạy xong ở điểm trường này sẽ sang điểm trường khác.

Thời điểm chúng tôi tới thăm cô Phương Thanh đang dạy tại điểm trường bản Minh Tiến. Điểm trường này tập trung học sinh người dân tộc Thái và Khơ Mú ở 4 bản: Minh Tiến, bản Đửa, Minh Thành và Chăm Puông – những bản thuộc diện khó khăn nhất xã Lượng Minh.

Hai vợ chồng cô Thanh ở ngoài Cửa Rào, vào điểm trường này mất 50km. Thời tiết thuận lợi thì sáng đi, tối về, vị chi là 100km đường rừng mỗi ngày. Có nhiều hôm về đến nhà trời đã tối mịt. Nhìn cô giáo bé nhỏ, gầy gò ấy khó mà hình dung nổi một mình một ngựa vượt đèo, vượt rừng khi nhá nhem tối.


Lớp học tại điểm trường bản Minh Thành (xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) vẫn là phòng học tạm bợ bằng tranh, nứa

Lớp học tại điểm trường bản Minh Thành (xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) vẫn là phòng học tạm bợ bằng tranh, nứa

“Có lần trên đường về nhà bị lạc tay lái cả xe cả người lăn xuống vực cạn, xe đè lên người đau tê tái. Rút được chân ra thì không làm sao mà kéo xe lên được trong khi điện thoại thì không có sóng. Lúc đó vừa sợ, vừa tủi chỉ biết khóc thôi, nghĩ chắc phải ở suốt đêm giữa rừng rồi. May có thầy … trên đường ra xã phát hiện kéo cả xe lẫn người lên”, cô Thanh vẫn còn nhớ như in lần gặp nạn ấy.

Vụ tai nạn ấy khiến cô Thanh đã từng nghĩ đến phương án bỏ dạy nhưng chân hết sưng lại chạy xe ngót nghét 100km cả đi lẫn về để theo đuổi ước mơ dạy vẽ cho học trò vùng cao. “Ở ngôn ngữ phổ thông các cháu còn hạn chế nên dạy các môn học có nhiều thuật ngữ chuyên ngành như mỹ thuật rất khó. Có những thuật ngữ học sinh không hiểu, mình lại phải giải thích, phải tìm cách diễn đạt phù hợp rồi thiếu màu, giấy vẽ… Nhiều khi phải dạy chay hoặc tự bỏ tiền túi ra trang bị cho học sinh”, cô Thanh tâm sự.

Trường tiểu học Lượng Minh điểm trường bàn Minh Tiến.
Trường tiểu học Lượng Minh điểm trường bàn Minh Tiến.

Dạy học nơi "thâm sơn cùng cốc"

Vào bản Minh Tiến có 2 con đường, nếu đi đường bộ sẽ nhanh hơn tuy nhiên do mới có mưa lớn nên đường bị sạt lở, nhiều đoạn bị đất vùi lấp. Một bên vực, một bên núi lở, chỉ có các anh trai bản chạy xe cứng tay mới dám đi còn các thầy cô giáo thì chịu, phải ở lại trường. Có những đợt phải ở lại cả tuần. Ăn uống kham khổ thì không phải nói nữa, sợ nhất là không có điện, không có nước sạch để dùng.

Trời mưa, nước suối cuồn cuộn chảy, tuabin phải đưa lên khỏi suối phòng bị nước cuốn đi trong khi đó xăng dự trữ cho máy phát điện cũng hết. Các thầy cô giáo ở đây phải dùng đèn pin để soạn bài. Đèn hết pin thì dùng đèn dầu. 

Nhà công vụ chỉ kê mỗi phòng 2 cái giường cá nhân, nan giường cũng gãy gần hết, một cái tủ gỗ hư hỏng, mục nát. Trong ánh đèn pin, các thầy giáo, cô giáo kê cái rương cá nhân của mình làm bàn, ngồi xếp bằng trên giường để soạn giáo án. Những mái đầu nghiêng trên trang vở, một tay cầm bút, một tay cầm đèn để viết.

Dãy phòng học tạm bợ nền đất, không có cửa sổ.
Dãy phòng học tạm bợ nền đất, không có cửa sổ.

Cụt Thị Xáo (SN 1994) là giáo viên mới nhất ở điểm trường bản Xốp Cháo (Trường tiểu học Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) và cũng là giáo viên nữ duy nhất ở điểm trường này. “Em lấy chồng về bản Xốp Cháo nên được Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho công tác ở gần nhà chồng luôn”, Xáo tâm sự. Nói nhà chồng gần điểm trường này chứ thực ra đây được xem là nơi thâm sơn cùng cốc của xã Lượng Minh. Từ trung tâm xã vào tới đây phải đi 3 chặng: xe máy, ngồi thuyền và lội bộ hơn 1 tiếng đồng hồ.

Là phụ nữ, lại là giáo viên mới nên Xáo cũng được “ưu tiên” dạy 1 lớp, trong khi 2 giáo viên còn lại phải dạy lớp ghép. Xáo hiện đang dạy lớp 2 với hơn chục học sinh. Ít học sinh không có nghĩa là bớt vất vả hơn khi đây là lần đầu tiên Xáo đứng lớp.

Giường ngủ của giáo viên cũng tạm bợ, chắp vá.
Giường ngủ của giáo viên cũng tạm bợ, chắp vá.

Học trò của Xáo (cũng như ở điểm trường này) phần lớn là người Khơ-mú và một ít em người dân tộc Thái. “Các em nói tiếng Kinh chưa sõi nên cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu kiến thức. Được cái các em rất ngoan và biết nghe lời”, Xáo nói. Bởi vậy chương trình bài học nhiều khi bị vượt ra khỏi quy định về số tiết bởi lẽ có những phần giáo viên phải phải kiên trì dạy đi dạy lại đến lúc nào học sinh có thể tiếp thu được mới thôi.

“Ở đây không chạy theo chương trình được đâu chị ạ. Trên khung chương trình của Bộ, mình phải linh động điều chỉnh thời lượng để vừa đảm bảo về thời gian, vừa đảm bảo học sinh tiếp thu được nội dung bài học”, Xáo chia sẻ về công việc của mình.

Tiếng là nhà gần trường nhưng do chồng (là công an viên của xã) phải ở ngoài xã, vài ba tuần mới về một lần nên Xáo phải gửi con cho nhà ngoại rồi cuối tuần ra thăm con. Có những đêm nhớ con quá chỉ biết nằm khóc. Nhớ chịu không nổi, Xáo quyết định đón con vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ vào bản ở với mình. Có con gái ở bên cạnh, Xáo đỡ thấp thỏm vì nhớ con, có nhiều thời gian hơn dành cho các học trò.

Cô giáo Cụt Thị Xáo: Khó khăn mấy bọn em cũng vượt qua được, chỉ mong các em học sinh được tiếp tục đến trường.
Cô giáo Cụt Thị Xáo: "Khó khăn mấy bọn em cũng vượt qua được, chỉ mong các em học sinh được tiếp tục đến trường".

Ứng lương mua sắm sách vở, bút giấy cho học trò.

“Học sinh ở đây phần lớn là con em Khơ-mú, Thái, hoàn cảnh hết sức khó khăn bởi vậy để các em được đến trường đã là một cố gắng rất lớn của các phụ huynh. Nhiều em đi học nhưng không đủ sách vở, dụng cụ học tập”, Xáo chia sẻ về những học sinh của mình.

Cũng như các đồng nghiệp khác, Xáo ứng lương của mình gửi người ra thị trấn mua sắm sách vở, bút giấy cho học trò. Cũng có phụ huynh hoàn trả tiền cho cô giáo nhưng cũng có phụ huynh không có điều kiện để trả, Xáo cũng chỉ cười bởi để các em được tiếp tục đến trường là niềm mong mỏi không phải của riêng Xáo, nếu vì thiếu sách, thiếu vở mà học trò phải nghỉ học Xáo buồn lắm.

“Khó khăn mấy chúng em đều cố gắng khắc phục được, chỉ mong học trò có điều kiện học tập tốt hơn, tiến bộ hơn”, cô giáo Xáo tâm sự. Đó không chỉ là tâm sự của cô Thanh, cô Xáo mà có lẽ là của tất cả các giáo viên cắm bản, các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa…

                                                                              Hoàng Lam

                                                          (hoanghonglam@dantri.com.vn)