Day dứt về lời phê một bài văn “lạc đề”

Đó là nỗi day dứt của ông Nguyễn Mẫn Cán về một bài kiểm tra từ hồi ông dạy học ở Đông Hà (Quảng Trị). Ông đã hạ bút cho nửa điểm lời xin lỗi của một học sinh khi không tả lại được cảnh sinh hoạt của gia đình sau bữa ăn tối vì em chưa từng được sống trong khung cảnh đó…

Kết thúc năm học, ông ra đề tập làm văn: Tả cảnh sinh hoạt gia đình em sau bữa cơm tối.

Lớp có 30 học sinh thì 29 em viết na ná bài văn mẫu: Sau bữa cơm tối, cha đọc báo, mẹ ru em còn em học bài… Tất cả đều tả cảnh đầm ấm, hạnh phúc… như nhau.

Duy một bài của em Cúc là khác. Cúc là học sinh giỏi Văn của lớp nhưng bài này chỉ viết có mấy dòng: Em không có gia đình, cha mẹ mất sớm, em ở với dì dượng.

Tối đến, em đi bán đậu phộng rang, đến khuya mới về nhà. Khi đó, tất cả mọi người đã đi ngủ, em không biết được sinh hoạt của gia đình là gì cả. Em xin thầy tha lỗi.

Ông Nguyễn Mẫn Cán suy nghĩ rất lâu rồi hạ bút cho nửa điểm với lời phê bài làm lạc đề.

Hôm sau trả bài, Cúc khóc tấm tức, ông Cán đã đuổi em ra khỏi lớp để giữ trật tự lớp học. Mấy ngày sau Cúc bỏ học, đi vào Nam.

Từ đó đến nay ông Nguyễn Mẫn Cán (hiện sống ở Vĩnh Long) vẫn day dứt không nguôi về lời phê và số điểm cho bài văn ấy: Đúng hay sai? Hồi đó, ông mới ra trường, đứng trên bục giảng còn thiếu kinh nghiệm nhưng cho đến hôm nay, ông vẫn day dứt.

Theo Sáu Nghệ
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm