Dạy đạo đức trong nhà trường nặng về lý thuyết

Số vụ việc học sinh đánh nhau, học trò tấn công thầy giáo... xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, gây chấn động dư luận thời gian qua. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là nội dung dạy môn đạo đức/giáo dục công dân (GDCD) chưa đổi mới.

10 năm không thay đổi nội dung môn học

Theo Bộ GD - ĐT, thời lượng môn đạo đức/GDCD hiện nay là 1 tiết/tuần (ở cả 3 cấp học), chiếm khoảng 4% thời lượng toàn chương trình (tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các môn học ở bậc tiểu học đến THPT). Trong khi đó, khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy, sách giáo khoa môn đạo đức/GDCD (ở cả 3 cấp) in đen trắng, tranh ảnh minh họa ít (sách lớp 8 không có hình ảnh). Điều đáng nói là suốt từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn. TS Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, nhấn mạnh: Nội dung môn học này còn nặng về lý thuyết, ít gắn liền với rèn luyện kỹ năng sống. Thậm chí, một số bài chưa phù hợp với thực tiễn, mang tính áp đặt, nhồi nhét, một số nội dung không phù hợp với lứa tuổi.

Dạy đạo đức trong nhà trường nặng về lý thuyết
“Thư viện xanh” của trường Tiểu học Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) ra đời đem đến cho học sinh một “khu vườn tri thức” đầy màu sắc, không chỉ khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các em, củng cố “văn hóa đọc” trong học đường, mà còn tạo cho khuôn viên trường luôn xanh, sạch, đẹp. “Thư viện xanh” là hình thức mới, học sinh được đọc truyện, sách, báo ngay tại sân trường, dưới bóng mát của những tán cây. Ngoài giờ chơi hàng ngày, mỗi tuần vào chiều thứ sáu, giáo viên và học sinh cùng đến thư viện để đọc sách, xem báo tập trung, tạo điều kiện để các em dễ dàng trao đổi kiến thức với thầy cô giáo. Trong ảnh: Cô giáo Trần Thị Thu Nguyệt trao đổi thông tin trong cuốn sách với các em học sinh ở “Thư viện xanh” trường Tiểu học Vĩnh Hòa.
 
Nhiều địa phương cho rằng thời lượng học bộ môn này quá ít, không đủ truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa và đề nghị tăng thời lượng môn đạo đức/GDCD. Một số ý kiến khác lại cho rằng, không nhất thiết phải tăng giờ học, mà quan trọng là phải thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức trong các môn học. Vậy, cần thay đổi bộ môn học này như thế nào cho phù hợp? Cần gia tăng những tiết học ngoại khóa thay vì chỉ ngồi một chỗ và nghe truyền thụ lý thuyết đơn thuần. Để làm được điều này, Bộ GDĐT phải có hẳn chương trình đổi mới phù hợp trên cơ sở lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, giáo viên, thậm chí là các nhà tâm lý học để có sự thay đổi nội dung giảng dạy môn GDCD phù hợp, TS Yêm đề nghị

Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: “Khi mà phần lớn quỹ thời gian của học sinh là ở trường học, thì hơn ai hết, thầy cô giáo phải là những tấm gương trong giáo dục đạo đức lối sống. Theo tôi, để việc giáo dục đạo đức cho học sinh có hiệu quả, trước hết cần phải đề ra những quy tắc rõ ràng và nhất quán. Các quy tắc này được xây dựng với sự tham gia của học sinh và đảm bảo học sinh hiểu được vì sao cần có những quy tắc ấy, tránh việc áp đặt chỉ từ phía giáo viên. Khi xây dựng các quy tắc, cần đảm bảo các yêu cầu như phải thể hiện niềm tin của giáo viên vào sự tiến bộ của học sinh, cần tập trung vào một số quy tắc cơ bản, quan trọng và cân đối hài hòa giữa lợi ích của cá nhân học sinh và lợi ích tập thể. Cùng với đó là phương pháp linh hoạt trong ứng xử ở trường học, áp dụng cụ thể vào các giờ học và không chỉ là giờ học GDCD, đơn giản như khuyến khích, động viên tích cực là một biện pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao. Đồng thời đưa ra những hình thức phạt phù hợp và nhất quán, tuyệt đối không bạo lực, tránh gây căng thẳng cho các em”.

Tuy vậy, một thực tế đáng để suy ngẫm là SGK hay bộ môn GDCD chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong quá trình định hướng hành vi đạo đức học đường cho học sinh trong đời sống thường nhật. Để giáo dục đạo đức cho học sinh, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả gia đình, nhà trường, các nhà quản lý giáo dục.

Thế giới dạy đạo đức cho học sinh như thế nào?

“Các nước châu Á luôn coi bộ môn đạo đức là môn học ưu tiên trong giảng dạy, coi đây là môn học kĩ năng mà bất kì học sinh nào tiếp cận cũng đều cảm thấy hứng thú vì sự gần gũi, thiết thực”, bà Nguyễn Thị Việt Hà đánh giá.

Một số trường học ở Singapore đưa vào chương trình giảng dạy môn học được gọi là PSHE (Personal Social Health & Economic Education). PSHE là một môn học mà thông qua đó, trẻ em và thanh thiếu niên có kiến thức, sự hiểu biết và kỹ năng cần thiết để quản lý cuộc sống của họ. PSHE còn giúp học sinh khơi dậy lòng dũng cảm, sự cảm thông với các trẻ bị mất mát người thân hay khuyết tật. Chương trình thúc đẩy lòng tự trọng, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về sự khác biệt các chủng tộc trên thế giới, các căn bệnh bị xã hội kỳ thị hay những vấn đề về kỳ thị chủng tộc. Thú vị hơn, chương trình còn có các buổi nói chuyện về cách ăn uống, chăm sóc bản thân, giáo dục giới tính, cũng như chuẩn bị cho học sinh để thấy được những thách thức và trách nhiệm mà họ phải đối mặt trong tương lai. Nó giúp học sinh có những kết nối, áp dụng những kiến thức và sự hiểu biết của tất cả các môn học vào các tình huống thực tế.

Theo các nhà giáo dục Singapore, mục đích của chương trình PSHE là thúc đẩy sự phát triển tinh thần, đạo đức, văn hóa và thể chất của học sinh. Môn học này sẽ giúp các em chuẩn bị và hiểu rõ hơn về trách nhiệm bản thân cũng như kinh nghiệm cho cuộc sống sau này của chính mình. Giáo dục PSHE góp phần phát triển cá nhân bằng cách giúp trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng bản sắc cá nhân, sự tự tin của họ và lòng tự trọng, lựa chọn nghề nghiệp và hiểu những gì ảnh hưởng đến quyết định của mình kể cả tài chính. Phát triển tự hiểu biết, sự đồng cảm và khả năng làm việc với những người khác sẽ giúp những người trẻ tuổi cảm nhận các mối quan hệ lành mạnh và hiệu quả trong tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của họ.

Khác với nhiều nước thực hiện giáo dục đạo đức chủ yếu thông qua một môn học (đạo đức hoặc GDCD), trong chương trình giáo dục phổ thông, Nhật Bản thực hiện qua toàn thể các môn học, qua các hoạt động đặc biệt và qua sinh hoạt hằng ngày, ngay từ bậc mẫu giáo. Ấn tượng nhất trong chương trình giáo dục đạo đức ở Nhật Bản là việc thực hiện thông qua các hoạt động đặc biệt và hoạt động hằng ngày như hoạt động lớp học, hội đồng sinh viên/học sinh, hoạt động câu lạc bộ, các sự kiện nhà trường (liên quan đến những ngày lễ, giáo dục thể chất, các chuyến tham quan thực tế và các hoạt động phục vụ xã hội). Các hoạt động đặc biệt này kết hợp chặt chẽ với nội dung của môn đạo đức hay GDCD.

Đặc biệt, hoạt động câu lạc bộ sau giờ học tại trường trung học cơ sở và phổ thông (khác với hoạt động câu lạc bộ trong các hoạt động đặc biệt) giúp lĩnh hội các quy tắc và kỹ năng tương tác giao tiếp có tính chất bắt buộc. Hoạt động câu lạc bộ sau giờ học liên quan đến nhiều nội dung giáo dục đạo đức như lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự hoàn thiện, tình bạn... Học sinh phát triển các phẩm chất này thông qua việc thực hiện mục đích chung của câu lạc bộ.

Theo Lê Vân
Baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm