Dạy con yêu lịch sử

Ngoài các bài học ở trường, gia đình là môi trường quan trọng để hun đúc cho các em học sinh lòng yêu mến quê hương, yêu cội nguồn dân tộc. Đó là những trò chơi bình dị, những bức tranh ảnh mà bố mẹ đã tìm tòi trên mạng cùng con.

Đó là những buổi cuối tuần đi tham quan các bảo tàng, những câu chuyện về các anh hùng áo vải… Tất cả nhằm đưa đến cho các con sự gần gũi với môn học mà nhiều người đang dần rời bỏ.
Nhiều học sinh đến Phòng truyền thống của nhà trường để xem lại những tư liệu về cụ Giáp.
Học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) đang tìm hiểu lịch sử tại phòng truyền thống nhà trường. (Ảnh: Hạnh Nguyên)
 
Lắp hình qua trí tưởng tượng

Trong một số lần phỏng vấn thần đồng Đỗ Nhật Nam, tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu tại sao cậu bé ấy có thể đam mê nhiều thứ đến vậy. Đặc biệt, em “nằm lòng” lịch sử dân tộc và nhiều nước trên thế giới - điều mà không có nhiều bạn trẻ bằng lứa tuổi của Nhật Nam hiện nay lựa chọn. Nhờ câu chuyện của chị Phan Hồ Điệp (mẹ của Nhật Nam), tôi mới hiểu, tại sao gia đình em sống ở Nhật nhiều năm nhưng Nam vẫn tha thiết yêu lịch sử dân tộc.

Chị Điệp chia sẻ, ngay từ khi cháu còn bé, chị rất coi trọng môn Lịch sử khi dạy con. Bởi chị nghĩ, có thể cậu bé sẽ phải rời xa mẹ để đi du học từ khi còn nhỏ. Chị muốn con học Lịch sử để không quên nguồn cội (trong đó có họ hàng và bố mẹ). Những bài học của chị dạy con, chủ yếu đều qua các trò chơi. Chẳng hạn hồi nhỏ, khi Nam còn ở Nhật với bố mẹ, để dạy con hình dung về di tích Văn Miếu, mẹ của Nam đã mua lego về, dạy con lắp hình Văn Miếu theo trí tưởng tượng. Lắp xong, chị tìm tất cả những câu chuyện có liên quan đến Văn Miếu, nhưng chọn những thứ mà trẻ con thích thôi, ví dụ như về những con rùa khắc bia tiến sỹ chẳng hạn. Sau đó, hai mẹ con cắt những chú rùa đặt vào bên trong mô hình. Về sau, cứ mỗi lần đi vào công viên nước, nhìn thấy con rùa, Nam lại thốt lên rất đáng yêu: “Mẹ ơi, bạn của những con rùa này đang nằm trong Văn Miếu đấy mẹ ạ”.

Hoặc bài học về hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi. Một hệ thống địa đạo khổng lồ, được quân dân Củ Chi đào trong thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ cũng được bố Nhật Nam dạy rất dễ hiểu. Đó là hồi gia đình còn sống ở Nhật, thỉnh thoảng, bố Nam dẫn con xuống gara ở tầng hầm và hỏi Nam: “Từ trên mặt đất xuống đây con thấy tối không? Con có sợ không? Con thử nghĩ xem, để đào được rất nhiều những đường hầm như thế này có khó không? Ở Việt Nam cũng có đường hầm như thế này đấy nhưng nó nằm sâu hơn, dài hơn nhiều mà hoàn toàn đào bằng tay”. Rồi bố Nam cho con xem bản vẽ về địa đạo Củ Chi, chỉ dẫn những đường hầm dẫn ra đến tận sông Sài Gòn. Sau khi Nam đã hiểu, hai bố con cùng nhau trùm chăn chơi trò nằm yên trong “đường hầm”, thi xem, ai có thể ăn được chuối và bò nhanh trong "đường hầm" này. Mỗi lần như thế, bố lại đọc cho Nam nghe: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”. Khi Nam hơn 2 tuổi, về đến Việt Nam. Lần đầu tiên đi Củ chi, trong lúc mọi người sợ khi trèo xuống, Nam động viên người bên cạnh: “Bà ơi đừng sợ, nơi hầm tối là nơi sáng nhất”. Có thể Nam chưa hiểu nhiều về câu nói này nhưng điều lớn nhất của bố mẹ em là mong con thấy gắn bó với quê hương.
 
Bài học từ … tấm tem phiếu

Không có nhiều thời gian để gần gũi với con nhiều như chị Điệp, tuy nhiên cô Phạm Thị Kim Duyên (giáo viên môn Vật Lý, Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) vẫn luôn “cài” những bài học Lịch sử cho hai con gái vào mọi lúc, mọi nơi. Đấy là khi có bài học mới, các con được cô giáo giao sưu tam hình ảnh, tài liệu trên mạng và soạn bài trình chiếu qua powerpoint, chị Duyên luôn hỗ trợ con việc tìm tài liệu, hình ảnh qua mạng.

Đặc biệt vào các dịp lễ lớn, các chương trình truyền hình thường có các thước phim tài liệu hay nên chị thường gọi hai con xem cùng và giải thích thêm cho con về bối cảnh lịch sử của đoạn phim. Hoặc các thông tin về đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua, chị Duyên đều khuyến khích các con xem và giải thích tại sao Đại tướng lại được nhiều người dân yêu quý đến vậy. Ông đã có vai trò thế nào trong chiến thắng Điện Biên Phủ và trong công cuộc giải phóng dân tộc. Vì thế khi xem xong, các con chị rất thích.

Chị Cúc Hà, Giám đốc đào tạo - Trường mầm non song ngữ Justkids (Hà Nội) chia sẻ: “Về nhà, các con thường phải làm các bài tập, sưu tầm tài liệu và hình ảnh liên quan đến bài học Sử, mình vẫn thường vào mạng tìm tài liệu cùng con. Hàng ngày, mình thường kể những câu chuyện thú vị liên quan đến các sự kiện để các con nắm. Thậm chí, đó là những câu chuyện thời bao cấp mà bố mẹ đã trải qua để các con không quên một thời gian khổ của dân tộc”.

Theo một số phụ huynh, hiện nay nhiều cha mẹ khuyến khích con học những môn thực tế như Ngoại ngữ, Toán, Kinh tế…vì cho rằng Sử chỉ là môn phụ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không hiểu, có rất nhiều bài thi ở những môn học khác cũng có các câu hỏi, kiến thức yêu cầu người học phải có hiểu biết về các khía cạnh lịch sử. Và như GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ, nhiều em chọn một nghề nghiệp khác để theo đuổi nhưng vẫn yêu quý và tìm hiểu lịch sử, như vậy kiến thức không bị lệch lạc. Vì vậy, hun đúc cho con lòng yêu quý lịch sử dân tộc ngay từ trong gia đình là điều đáng làm và đáng trân trọng.
 
Theo Hạnh Nguyên
Gia đình và Xã hội