Dạy con “tập làm văn” thử thách tính kiên nhẫn của cha mẹ
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh xem bài văn con viết thì bức xúc vì sao cô giáo dạy kém thế, con không biết viết văn tí nào! Khi dạy con làm bài tập làm văn mới thấu hiểu nỗi khổ của cô giáo. Cha mẹ cứ thử ngồi vào bàn học cùng con mới biết dạy con viết văn khó biết chừng nào.
Học sinh tiểu học cứ gặp đề văn tả cây cối, con vật, tả người thân trong gia đình là ngắc ngứ. Nếu không có sự hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết từ thầy cô và bố mẹ thì các em thường “vò đầu bứt tai” vì không biết viết thế nào để được trọn 1 trang giấy ô li (chừng 15 đến 20 câu).
Tôi từng theo sát quá trình học của con và hiểu rõ cái khó của cô giáo khi yêu cầu học tập không ngừng tăng lên mà nhận thức của các em học sinh giới hạn chỉ chừng ấy. Cô giáo đưa ra dàn ý chung để các con viết thành câu văn, đoạn văn và hoàn thành một bài văn. Nhưng con tôi khá lóng ngóng, con chỉ biết trả lời từng câu máy móc, sơ sài chứ chưa biết cách nào để viết câu văn có cảm xúc. Tôi gợi ý chung chung và để con tự viết, mẹ sẽ kiểm tra lại và bổ sung sau. Bài văn mà con viết không liền mạch, câu chữ rời rạc, ngô nghê khiến tôi đọc xong mà phải bật cười.
Nhiều phụ huynh xem bài văn con viết thì bức xúc vì sao cô giáo dạy kém thế, con không biết viết văn tí nào! Khi dạy con làm bài tập làm văn mới thấu hiểu nỗi khổ của cô giáo. Cha mẹ cứ thử ngồi vào bàn học cùng con mới biết dạy con viết văn khó biết chừng nào.
Con học đến lớp 3, lớp 4 đã gặp nhiều đề văn khó như tả con chó, con mèo, con gà, tả cây cối. Nói là khó vì nhiều gia đình thành phố không nuôi bất cứ con vật gì, các em không được nhìn ngắm thì biết viết gì? Nhiều bố mẹ sáng tạo bằng cách mở video trên máy tính, con nhìn vào đấy mà quan sát, miêu tả. Trẻ con bây giờ không ham quan sát, nhìn ngắm như thời xưa của bố mẹ vì các em có quá nhiều thứ giải trí xung quanh, từ ti vi, máy tính đến truyện tranh. Các em có thể mải mê suốt ngày theo dõi phim hoạt hình, chơi game và thờ ơ, dửng dưng với thiên nhiên xung quanh nếu cha mẹ không khéo tìm cách lôi kéo các em.
Để các con biết làm văn thì trước tiên cha mẹ cần dạy con biết quan sát, biết vận dụng từ ngữ miêu tả. Tôi nghĩ việc này đơn giản nếu phụ huynh quan tâm thực sự tới con, hướng con tới việc khám phá, tìm hiểu những thứ gần gũi với con. Tôi hay giả vờ hỏi con mỗi khi đi chơi cùng con, bầu trời màu xanh gì, cánh đồng màu xanh gì, “xanh lam” hay “xanh biếc”, bông hoa này có cánh răng cưa, bông hoa nào mọc thành chùm chi chít? Mỗi khi tới nhà bác hàng xóm có nuôi chó, nuôi mèo thì mẹ cũng tham gia cùng con cho cún ăn, vuốt ve xem con chó, con mèo nó chạy nhảy nô đùa ra sao.
Tôi hay mua truyện thiếu nhi cho con đọc và gợi ý cho con học cách tả con vật sao cho sinh động, ngộ nghĩnh. Khuyến khích con chăm đọc sách, cùng con quan sát mọi thứ xung quanh sẽ giúp con học văn tốt hơn, vốn từ của con được mở rộng.
Các cô bác xung quanh thường trêu đùa con tôi rằng mẹ văn vẻ, thơ phú thế thì kiểu gì con chả giỏi văn giống mẹ. Tôi nghĩ bất cứ cha mẹ nào cũng có thể giúp con viết văn bớt ngô nghê, rời rạc nếu chúng ta hướng dẫn con cách quan sát, ngắm nghía đồ vật, cây cối, vật nuôi xung quanh, chỉ cho con biết cây cối thay đổi theo mùa, con vật ngộ nghĩnh đáng yêu ra sao và nhất là lúc kèm con thì đừng quát mắng trẻ ngu dốt, chậm hiểu.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho đề bài quá khó, toàn bắt các con miêu tả những thứ mà nhà chúng ta không có hoặc ép con viết văn theo khuôn mẫu, theo ý của người lớn và chê bai con. Nhiều người thường mong muốn con lớn lên biết tư duy, phản biện nhưng lại né tránh việc dạy con quan sát, dạy con tưởng tượng vì cho đó là dạy trẻ dối trá. Tại sao người lớn mê phim cổ trang, phim hành động, tiểu thuyết trinh thám mà lại đánh giá việc viết văn bằng tưởng tượng của trẻ con là dối trá?
Tôi từng vô cùng thích thú khi con tả chú mèo bắt chuột bằng chính cách con nghĩ “Chú lấy tay tát lia lịa vào mặt con chuột cho đến khi chuột chết hẳn” và còn phong cho chú mèo là “thám tử bắt chuột”. Đúng là việc đọc truyện cổ tích và kể chuyện theo cách tự biên, tự diễn khi con còn nhỏ và trò chuyện cùng con mỗi ngày giúp con học văn tiến bộ hơn mà không cần bất cứ quyển văn mẫu nào trong giá sách.
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!