Đầu vào tiếng Anh của sinh viên chỉ ở mức lõm bõm

(Dân trí) - Triển khai thực hiện đề án Ngoại ngữ 2020, nhiều trường ĐH, CĐ đều tích cực xây dựng chương trình nâng cao dạy ngoại ngữ cho sinh viên. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai các trường đang đứng trước không ít khó khăn.

Hôm nay 23/12, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức hội thảo tập huấn “Triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường theo lộ trình Đề án Ngoại ngữ 2020”. Đại diện các trường ĐH, CĐ trong cả nước tham dự cùng phân tích những hạn chế trong thực tiễn đồng thời giới thiệu cách thức xây dựng chương trình của riêng mình, đề ra kiến nghị và đề xuất những cách thức để nâng cao hiệu quả để thực hiện đề án thành công.

Đầu vào tiếng Anh của sinh viên chỉ ở mức lõm bõm
Vấn đề nâng cao dạy ngoại ngữ cho sinh viên, một phần để thực hiện đề án Ngoại ngữ 2020 được đông đảo các trường ĐH, CĐ quan tâm.

Triển khai đề án ngoại ngữ 2020, Bộ GD-ĐT đã đặt ra kế hoạch với yêu cầu đào tạo tăng cường môn Ngoại ngữ cho khoảng 60% sinh viên vào năm học 2015-2016, và 100% vào năm 2020. Trong khi thời hạn năm học 2015 sắp đến nhưng hiện tại nhiều trường vẫn đang gặp khó khăn liên quan đến nội dung chương trình, đội ngũ giảng dạy trong chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ chương trình. Đặc biệt, vấn đề chung của các trường là đầu vào của sinh viên thấp nên để giúp nâng chuẩn khi các em ra trường là một bài toán khó.

Trình độ tiếng Anh đầu vào sinh viên rất thấp

Theo như Ths Bùi Thị Diệu Quyên - khoa Ngoại ngữ, ĐH Tây Bắc chia sẻ một trong những khó khăn của trường đó là đa số sinh viên đến từ các vùng sâu, xa và trình độ tiếng Anh không đồng đều. Do đó, trong quá trình giảng dạy giáo viên gặp khó khăn khi lựa chọn giáo trình, nội dung và phương pháp dạy phù hợp. Thêm vào đó, số lượng sinh viên mỗi lớp đông nên giáo viên khó khăn trong tổ chức các hoạt động học tập. Thế nhưng, một rào cản lớn mà theo các giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Anh không chuyên chính là sinh viên có động lực học tập không cao. “Hầu hết sinh viên cho rằng tiếng Anh là môn khó và không cần thiết vì không mấy khi sử dụng đến nên các em có tâm lý học chỉ để thi cho qua kỳ thi. Nếu phải bỏ bớt tín chỉ trong kỳ do không đủ điều kiện học chắc chắn tiếng Anh là môn đầu tiên sinh viên loại ra”.

Dẫn chứng cho thực trạng sinh viên có trình độ đầu vào thấp, Ths Quyên cho biết chuẩn bị triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 nhà trường đã tổ chức thi khảo sát đầu vào đối với hơn 2.500 sinh viên và kết quả cho thấy 99% sinh viên chỉ đạt trình độ A0 (tức dưới A1 theo chuẩn châu Âu). Chính kết quả này khiến lãnh đạo trường quyết tâm nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ. Trường bắt đầu tổ chức một lớp tiếng Anh tăng cường thí điểm với 30 sinh viên đã có năng lực tiếng Anh tương đương cấp A1 theo khung tham chiếu châu Âu.

Tương tự, TS Huỳnh Công Minh Hùng - tổ Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng cho biết gần như sinh viên mới vào trường đều chưa biết gì về tiếng Anh, các em chỉ biết lõm bõm vài câu tiếng Anh. Kết quả kiểm tra đầu vào môn tiếng Anh vào của sinh viên khóa 40 (2014-2015) được thực hiện đồng bộ cho 2.113 sinh viên của trường cho thấy chỉ 80/2.113 sinh viên đạt trình độ B1 (3,78%); 342 em đạt trình độ bậc 2 (16,18%) và có tới 1.246/2.113 sinh viên đạt dưới trình độ bậc 1 (chiếm gần 60%).

Theo TS Hùng, thách thức lớn là đa phần sinh viên đến từ các tỉnh không được học tiếng Anh hoàn chỉnh ở bậc THPT nên kiến thức cơ bản không đủ để bắt đầu chương trình tiếng Anh trung cấp ở bậc ĐH. Bên cạnh những hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thời lượng chương trình ít thì nhà trường cố gắng điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy ngoại ngữ không chuyên để nhằm đạt chuẩn đầu ra cho sinh viên.

Tương tự, đại diện nhiều trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội… đều than rằng do đầu vào không đồng đều, khá thấp.

Nan giải bài toán nâng cao trình độ tiếng Anh

Mỗi trường đều có những giải pháp để đưa môn tiếng Anh tăng cường vào giảng dạy hiệu quả nhất nhưng đã có những rào cản từ chính người học. Theo Ths Bùi Thị Diệu Quyên, Trường ĐH Tây Bắc quyết tâm nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ thông qua lớp học thí điểm nhưng lớp này này không thể tồn tại lâu dài dù kế hoạch sẽ học 4-5 tháng với những kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.

“Ban đầu sinh viên cũng tích cực đến lớp hào hứng học tập nhưng sau đó “rơi rớt” dần với những lý do rằng bận học chính khóa, chuẩn bị học thi. Kết quả lớp phải kết thúc chương trình sau 2 tháng triển khai vì chỉ còn vài sinh viên học. Sau khi tìm hiểu thì được biết động cơ tham gia lớp học của sinh viên chỉ là để thi lấy chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn B1 của châu Âu, vì trường không tổ chức thi lấy chứng chỉ nên sinh viên không còn động cơ đến lớp”.

Ths Nguyễn Thị Hoàng Triều - Thư ký Ban chỉ đạo triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho rằng một phần không nhỏ sinh viên chưa nhận thức được tính cần thiết của việc học tiếng Anh và luyện kỹ năng giao tiếp. “Sinh viên vẫn xem việc học ngoại ngữ để thi đậu môn học mà ít quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp. Thêm nữa, các em vẫn thụ động, chỉ làm theo những yêu cầu của giáo viên mà ít có sự sáng tạo trong vận dụng kiến thức mà các em đã tích lũy được”, Ths Triều nhận định.

Theo Ths Đào Thị Bích Nguyên - khoa tiếng Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường cho sinh viên sư phạm các ngành thuộc khối Tự nhiên của trường cũng gặp khó vì thời lượng chỉ 375 giờ học (25 tín chỉ) chưa đủ cho việc nâng 2 bậc năng lực tiếng Anh cho sinh viên. Nhất là đầu vào rất thấp nên đó là một thách thức lớn.

Đại diện các trường đều kiến nghị để chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường được triển khai thuận lợi, tăng tính hiệu quả, đại diện nhiều trường kiến nghị Bộ GD-ĐT, đề án ngoại ngữ 2020 cần ban hành chương trình tiếng Anh tăng cường để các trường triển khai hoặc tham khảo khi xây dựng chương trình đặc thù riêng. Đồng thời, cần hỗ trợ các trường kinh phí, giáo trình tài liệu và giảng viên bản ngữ để tham gia giảng dạy.

Lê Phương

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!