“Đầu tư” kĩ năng xin việc sớm, tăng cơ hội thành công

Các kỹ năng như viết CV, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng… được coi là những chiếc chìa khóa quan trọng mở ra cánh cửa việc làm cho sinh viên. Tống Thanh Hà (cựu sinh viên ngành Kinh doanh và Toán, Randolph College, Mỹ), nhờ trang bị tốt những chiếc “chìa khóa” này, nên dù học tập tại một ngôi trường không quá danh tiếng, đã sớm có được công việc ưng ý tại một công ty lớn.

Tìm “chìa khoá” từ trung tâm hướng nghiệp

Tự nhận mình chỉ học tại một ngôi trường nhỏ, lại là du học sinh, cơ hội việc làm sẽ thấp hơn người bản xứ nên ngay từ những năm đầu “chân ướt chân ráo” vào giảng đường, Hà đã rất chú ý đến các cơ hội việc làm.

Bên cạnh việc cố gắng đạt được kết quả học tập tốt, có nhiều trải nghiệm về thực tập, hoạt động tình nguyện, Hà còn rất chú trọng đến các kỹ năng mềm nhằm gây ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng, như: Viết CV, giao tiếp, phỏng vấn…

Ngoài việc tự tích luỹ, có một nơi mà Hà rất hay ghé đến để trang bị và hoàn thiện các kỹ năng mềm này, đó là trung tâm hướng nghiệp của trường.

Hà bảo, thường thì sinh viên sẽ đăng ký lịch để được nhân viên của trung tâm tư vấn miễn phí. Trung bình, Hà tới Trung tâm hướng nghiệp khoảng 5 – 6 lần/tháng. Nhân viên của trung tâm có một cô lớn tuổi, từng làm về tuyển dụng nên đã cho Hà rất nhiều lời khuyên thiết thực.

Có lần, Hà mang CV của mình đến, sau khi đọc một lượt, cô đã góp ý cho Hà những lỗi như: Sử dụng từ chưa chuyên nghiệp, hành văn chưa đúng ngữ pháp, một số câu trùng lặp và liệt kê thành tích rườm rà khiến CV bị dài dòng, không nổi bật trọng tâm.

“Cô ấy khuyên mình nên viết CV ngắn gọn, dễ hiểu, cô đọng, súc tích, đoạn nói về những bước phát triển, thành tựu cơ bản của bản thân chỉ nên để thành 3 gạch đầu dòng, điểm ra những thứ nổi bật nhất. Về mục điểm yếu, nên liệt kê những điểm yếu mà khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng, đó cũng chính là điểm mạnh, như: Là người rất tỉ mỉ, cầu toàn trong công việc…”, Hà kể.


Hà làm việc tại Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp.

Hà làm việc tại Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp.

Hà còn được nhân viên trung tâm dẫn đi gặp các nhà tuyển dụng. Các kiến thức như ăn mặc, giao tiếp cũng được hướng dẫn rất kỹ: Nên mặc áo vest bên ngoài tối màu, bên trong là sơmi có cổ, mặc váy kín đáo hoặc quần Âu, đi giày bít mũi.

Những chi tiết rất nhỏ, như về cái bảng tên, Hà cũng được chỉ dạy rất tỉ mỉ. Cụ thể, mọi người thường dùng tay phải để bắt tay nên sinh viên nên đeo bảng tên ở ngực trái để khi bắt tay, nhà tuyển dụng vẫn nhìn thấy được bảng tên.

Khi giao tiếp với nhà tuyển dụng, nên có thái độ chăm chú, cầu thị và áp dụng quy tắc “30 giây tạo ấn tượng đầu tiên” (một người thường sẽ tạo ra ấn tượng về mình trong khoảng 30 giây đầu tiên của cuộc gặp gỡ).

Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian nên hãy tranh thủ 30 giây quan trọng này để giới thiệu các thông tin cơ bản về bản thân, như: Tên là gì, học trường nào, có thành tựu gì nổi bật (kể theo thứ tự ưu tiên những thứ nổi bật nhất), mong muốn của bản thân về công việc… Hà bảo, những kỹ năng đó dù rất nhỏ nhưng đã giúp ích cho Hà rất nhiều trong hành trình chinh phục việc làm sau này.

Hiện nay, Hà đang là nhân viên mảng Operations (hỗ trợ giao dịch chứng khoán phái sinh) của Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới, tham gia vào các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, chứng khoán, quản lý đầu tư và các dịch vụ tài chính khác.

Để có được một vị trí trong tập đoàn lớn như Goldman Sachs, Hà đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong quá trình xin việc. Những kỹ năng viết CV từng được rèn luyện trước đây giúp Hà có được bản CV ấn tượng và được công ty mời tới phỏng vấn.

Giai đoạn này, Hà đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về công ty, cũng như thực hiện 4 cuộc phỏng vấn giả định với nhân viên của trung tâm hướng nghiệp trường, thầy giáo, cố vấn của mình (là một sinh viên khóa trước đã tốt nghiệp) và một người bạn.

Hà còn lên trên mạng xã hội, tìm kiếm được một nữ nhân viên đang làm việc cho công ty. Hà đã nhắn tin cho chị này để hỏi han, rất may mắn là chị này nhiệt tình trò chuyện và còn “tiết lộ” cho Hà những câu hỏi mà nhà tuyển dụng của công ty thường đặt ra cho ứng viên.

Rồi buổi phỏng vấn thực tế cũng đến, với rất đông ứng viên tham gia. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên Hà rất tự tin khi đến lượt mình phỏng vấn. Hà kể: “Rất mừng là có khá nhiều các câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra “trúng tủ”, nên mình trả lời rất trôi chảy. Ví dụ, nhà tuyển dụng hỏi: “Tại sao bạn chọn công ty này?”, mình trả lời rằng, sự lựa chọn của mình không phải vì sự nổi tiếng của công ty mà do thấy mình phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Ngoài ra, cũng có một số câu hỏi khác, như: Những rủi ro mà công ty sẽ phải đối mặt, thị trường tài chính hiện nay ra sao…”. Sự thể hiện của Hà khiến nhà tuyển dụng hài lòng. Cuối buổi hôm đó, Hà mừng rơn khi biết mình đã trúng tuyển.

Hãy chuẩn bị ngay từ khi bắt đầu

Không thể phủ nhận, điều quan trọng để xin được việc là phải có kiến thức, có năng lực nhưng nếu không giỏi về việc giao tiếp, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, hoặc không có sự đầu tư thật chu đáo về kỹ năng xin việc, thì nhà tuyển dụng cũng khó mà nhận ra ngay được năng lực của bạn.

Bạn sẽ trở nên nhạt nhòa như hàng nghìn sinh viên khác cũng đang mong mỏi tìm kiếm việc làm, dễ dàng bị loại “ngay từ vòng gửi xe”. Có nhiều bạn lầm tưởng, kỹ năng xin việc chỉ nên học vào những năm cuối, trước khi tốt nghiệp nhưng theo Hà, các bạn nên trang bị nó ngay từ những năm đầu tiên.

Như với Hà, do nhận thấy bản thân không có nhiều lợi thế như sinh viên bản xứ nên ngay từ những năm đầu đại học, Hà đã tích cực tìm kiếm cơ hội tình nguyện, thực tập. Mỗi lần như vậy, cô cũng phải viết CV, phải phỏng vấn… Đó cũng chính là các “bài tập nhỏ” để rèn kỹ năng xin việc sau này. Vốn kỹ năng cứ dầy lên theo năm tháng và “ngấm” dần vào người, chứ không phải chỉ học trong ngày một ngày hai.

Cũng theo Hà, có rất nhiều cách để sinh viên trang bị cho mình kỹ năng xin việc, như: Tham dự các ngày hội việc làm, xin được tư vấn từ trung tâm hướng nghiệp hoặc thầy cô. Song, điều cốt lõi là không thể dựa dẫm vào hoàn toàn họ. Mình là ai, mình có lợi thế gì, bản thân mình hiểu nhất. Mình phải tự kể câu chuyện của mình trong CV, hoặc kể về nó khi có cơ hội tiếp xúc với nhà tuyển dụng, những lời khuyên của người đi trước, thầy cô chỉ đóng vai trò góp ý để CV hoặc câu chuyện đó trở nên ấn tượng.

Với Hà, học đại học chính là một vụ đầu tư, bạn có thể không học ở một trường đại học danh tiếng nhưng nếu các bạn biết cách đầu tư hợp lý vào các kỹ năng cần thiết cho tương lai thì bạn hoàn toàn có thể có được một công việc như ý, ngay khi vừa rời giảng đường.

Hãy chuẩn bị kỹ càng ngay từ khi bắt đầu, trau dồi cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng xin việc, bạn sẽ trở thành ứng viên mà nhà tuyển dụng không thể bỏ qua.

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam