“Đau đầu” tuyển giảng viên trình độ cao

(Dân trí) - Việc tuyển dụng giảng viên có trình độ cao không chỉ các trường ĐH, CĐ ngoài công lập gặp khó khăn mà ngay cả các trường công lập cũng “đau đầu” về vấn đề này.

Mọi nguồn để tìm giảng viên giỏi

Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế, chính sách tạo bước đột phá, thu hút cán bộ khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước đến làm việc trong các trường ĐH, CĐ. Do vậy, nhiều trường ĐH muốn tìm được giảng viên (GV) giỏi có trình độ cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn đã nghĩ ra đủ “chiêu” để hút họ về nhưng xem ra vẫn khó khăn.

PGS.TS Lê Hữu Lập - phó Giám  đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (CNBCVT) than rằng: “Việc tuyển GV trình độ cao quá khó. Bởi những ngành nhà trường đào tạo là những ngành “nóng” nên nhiều tiến sĩ đi du học nước ngoài về thường đi ra ngoài làm lương cao hơn chứ không về trường làm GV”.

Ông Lập cho hay, hiện Học viện CNBCVT tìm nguồn GV ở 3 nơi là các học viên xuất sắc ở Viện nghiên cứu của Học viện, sinh viên giỏi và tiến sĩ đi học ở nước ngoài về. Tuy nhiên, theo ông Lập, để đào tạo được một GV giỏi rất vất vả vì không phải ai cũng làm được, GV phải có tố chất như thuyết trình, trình bày có sức thuyết phục.

Ông Lập kể, với nguồn  tuyển ở Viện nghiên cứu, họ là những người nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không có kỹ năng thuyết trình, nhà trường phải đào tạo thêm kiến thức về sư phạm thì mới giảng dạy được. Với đối tượng là sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp, nhà trường cử ra nước ngoài học hoặc theo học bổng nhưng cũng ít sinh viên quay về trường giảng dạy. Đối với đối tượng du học ở nước ngoài về, Học viện rất muốn tuyển vì ngoài kiến thức được đào tạo ở nước ngoài họ còn có trình độ tiếng Anh và những bài báo quốc tế đã đăng trên các tạp chí quốc tế nhưng khó quá vì lương trong trường thấp hơn thu nhập bên ngoài.

Để hút được những người giỏi về làm GV, Học viện CNBCVT đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ  như tăng thêm về lương, đầu tư trau dồi nghiệp vụ, các dự án nghiên cứu…

Còn tại Trường ĐH Mỏ Địa chất, PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trưởng Phòng Đào tạo cho biết: “Với những chuyên ngành đào tạo chính, nhà trường tạo nguồn GV bằng cách lấy sinh viên giỏi tại chỗ để đào tạo hoặc gửi đi nước ngoài đào tạo. Mỗi sinh viên thời gian đào tạo để trở thành GV cũng mất đến 10 năm”.

Theo ông Thắng, bây giờ chỉ có cách tăng lương, tăng thu nhập, tạo cơ hội cho họ phát triển mới thu hút người giỏi vào giảng dạy. Bởi, đội ngũ GV giỏi là bước quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đề nghị sửa đổi chính sách về tiền lương

Thời gian qua, đối với đội ngũ nhà giáo, nhờ có chế độ thâm niên công tác, thu nhập của đội ngũ cán bộ, GV các trường ĐH, CĐ được tăng thêm (người có thâm niên cao có thể tăng thêm tối đa tới 43% thu nhập), qua đó đã tạo động lực cho đội ngũ yên tâm hơn với nghề.

Tuy nhiên, vẫn còn quá khó khăn do mức lương thấp. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có kiến nghị: “Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên cũng phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức/viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.

Một cách để cứu cánh việc tuyển giảng viên hiện nay ở các trường ĐH,CĐ, vừa qua, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ: “Hỗ trợ cho các trường mới thành lập và trường ngoài công lập trong việc đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ; nghiên cứu hình thức phân bổ chỉ tiêu đào tạo nâng cao trình độ GV và cán bộ quản lý GDĐH (theo Đề án đào tạo GV có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) cho các trường thuộc địa phương, các trường ngoài công lập thay vì chỉ thi tuyển như hiện tại.

Theo đó, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể  về chính sách tín dụng ưu đãi trong giáo dục, nghiên cứu mở rộng đối tượng cho vay là các GV trẻ có nhu cầu vay vốn để học tập, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục cho vay vốn đối với cơ sở đào tạo, chế độ ưu  đãi về lãi suất và hạn mức vay đối với cơ sở ngoài công lập.

Mặt khác, mặc dù Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực nhưng việc thực hiện tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính của cơ sở GDĐH còn hạn chế do chưa có hướng dẫn cụ thể về các  tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho các trường thực hiện quyền tự chủ.

Một số cơ chế tài chính còn được hiểu và áp dụng không thống nhất như việc cơ sở GDĐH phải trích 40% nguồn thu học phí dùng để chi bù tăng lương, nhưng khi đơn vị đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định (chi tăng lương không hết) thì cơ sở GDĐH cũng không được sử dụng mà phải chuyển nguồn kinh phí đó sang năm sau. Một số cơ sở GDĐH công lập còn có hiện tượng thu học phí, lệ phí vượt mức quy định cũng như còn tồn tại một số khoản thu chưa có quy định của Nhà nước.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm