Dấu ấn Việt ở Harvard

Chặng đường đến với Harvard của chàng trai sinh năm 1975 tại miền biển Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu những người đã giúp đỡ, cưu mang gia đình anh lúc nguy khó.

Năm 1981, Trương Viết Lộc đã xa quê hương, theo gia đình sang định cư ở bang California - Mỹ. Nhà Lộc có đến 7 anh em, cuộc sống nơi đất khách quê người ban đầu lắm gian truân. Ngày qua ngày, cha mẹ Lộc mưu sinh đủ mọi nghề để kiếm tiền nuôi các con ăn học.
 
Dấu ấn Việt ở Harvard

Thấu hiểu được sự lam lũ của cha mẹ, anh em Lộc luôn có ý thức học hành và đều trở thành kỹ sư, bác sĩ, luật sư. Riêng Trương Viết Lộc, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành sinh hóa tại Trường ĐH California Polytechnic State, anh làm tình nguyện viên cho Ameri Corps - một chương trình do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thành lập năm 1997 - nhằm tạo cơ hội cho thanh niên Mỹ phục vụ cộng đồng.

Trong chương trình, Lộc làm việc với 10 thiếu niên phải bỏ dở trung học vì có con sớm. Anh giúp họ tiếp tục học lên trung học, tham gia các khóa học làm cha và có nghề nghiệp ổn định. Đó là một công việc khá vất vả nhưng anh Lộc rất thích vì giúp đỡ được người khác.

Một ngày, anh nhận được điện thoại từ Nhà Trắng thông báo được Tổng thống Clinton chọn tham dự buổi lễ Thông điệp liên bang vào ngày 1-9-1999. Anh là tình nguyện viên duy nhất của Ameri Corps tham dự buổi tổng thống Mỹ đọc bài diễn văn then chốt hằng năm trước toàn thể các thành viên Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội. Anh Lộc tâm sự: “Được tổng thống Mỹ ghi nhận công việc mình làm thật sự là một vinh dự lớn khiến tôi rất bất ngờ. Điều đó cho tôi cơ hội để nói chuyện với những đứa trẻ về tầm quan trọng của học vấn và tìm kiếm công việc phù hợp”.

Như bước đệm cho sự nghiệp, năm 2004, anh Lộc vào làm việc tại ĐH Harvard với vai trò nhân viên hành chính của trường. Sau đó, anh đảm nhiệm công việc trợ lý giám đốc quan hệ sử dụng lao động. Hiện nay, công việc chính của anh Lộc tại Harvard gồm điều hành một bộ phận chuyên về sự đa dạng và hòa nhập; tư vấn, hỗ trợ sinh viên gặp tình huống khó khăn, định hướng nghiên cứu khoa học, nghề nghiệp để học hành thành công tại Harvard. Ngoài ra, Trương Viết Lộc còn là giám đốc của một chương trình giúp đỡ học sinh trung học tiếp tục học CĐ-ĐH và làm việc với các giáo sư nổi tiếng khắp thế giới.

Trọn 10 năm, Trương Viết Lộc đã giúp đỡ, tư vấn cho hơn 1.000 sinh viên Harvard. Sinh viên Harvard đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ là một trong những người thông minh nhất và luôn cố gắng để bản thân trở thành người xuất sắc. Nhiều người trong số đó theo đuổi giấc mơ trở thành tổng thống Mỹ, luật sư, giáo viên... Vì vậy, họ yêu cầu rất cao về người cố vấn của mình. Dù vậy, suốt 10 năm qua, anh Lộc chưa gặp bất cứ khó khăn nào.

Khi còn học ĐH, Trương Viết Lộc đặt mục tiêu có được tấm bằng cử nhân, sau đó học trường y để trở thành một bác sĩ giỏi. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh hóa, anh nhận ra rằng muốn giúp đỡ mọi người không nhất thiết phải làm bác sĩ nên đã theo công việc tình nguyện rồi vào làm việc tại Harvard.

Làm việc cho ngôi trường danh giá nhất nhì thế giới này là một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi. Thành công đối với anh Lộc chỉ có thể dựa vào niềm tin bản thân chứ không hề ỷ lại người khác. “Tôi luôn mang bên mình những bài học quý giá từ cha mẹ. Họ đã dạy tôi phải siêng năng làm việc, chăm chỉ học hành, tôn trọng người khác và tin vào bản thân thì bất kỳ việc nào cũng làm được. Đó là con đường vào Harvard của tôi” - Lộc tâm sự.

Trương Viết Lộc đã trở về Việt Nam 5 lần để cùng cha mẹ thăm quê hương, cùng bạn bè đi làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo, những người khó khăn bởi anh luôn biết mình là ai, đến từ đâu và luôn nhớ đến những người giúp đỡ mình trong cuộc sống.

Tại Harvard, anh đã giúp đỡ hàng chục sinh viên Việt đang theo học tại đây để họ hoàn thành khóa học của mình. Đối với anh, đó không chỉ là công việc mà là sự quan tâm, giúp đỡ đối với những người cùng nguồn cội. Anh sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ về lĩnh vực nghiên cứu sinh viên thu nhập thuộc thế hệ đầu tiên của Harvard và hy vọng sẽ trở về Việt Nam vào mùa Xuân 2016 cùng bạn bè để giới thiệu với họ về quê hương mình, cùng đón một cái Tết cổ truyền ấm cúng.

Theo Quang Nhật
Người Lao Động