Dấu ấn từ một khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
Khoa Địa lý - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) sau 45 năm xây dựng và phát triển đã trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học địa lý hàng đầu quốc gia. Khoa cũng là một trong những đơn vị đứng đầu trong trường về số lượng sinh viên tham gia NCKH.
Thế mạnh về nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, khoa Địa lý là một trong những đơn vị có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín. Chỉ tính riêng trong năm học 2010-2011, cán bộ trong khoa đã đăng tải được hơn 60 công trình khoa học tại Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN; hội nghị Địa lý Đông Nam Á, hội nghị Địa lý toàn quốc lần thứ V,...
Những công trình nghiên cứu địa lý có ý nghĩa thực tiễn cao: phân vùng địa lý Tây Nguyên (1979-1982), xói mòn đất Tây Nguyên (1979-1982) và Trung du (1985-1990), hệ sinh thái cà phê Đắc Lắc (1982-1984) và gần đây nhất là công trình nghiên cứu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng góp phần cơ bản cho việc xin ủy ban UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.
Không dừng lại ở việc nghiên cứu khoa học (NCKH), khoa Địa lý đã và đang duy trì tốt các hợp tác truyền thống với một số trường đại học danh tiếng trên thế giới như ĐH Sherbrooke, Canada; ĐH Kansai, Osaka, Kyoto, Nhật Bản.
Cán bộ khoa Địa lý - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và các nhà khoa học Nhật Bản trong chuyến nghiên cứu xói lở và bồi tụ ở sông Thu Bồn.
Việc NCKH không chỉ dừng lại ở đội ngũ giảng viên của khoa mà còn mở rộng đến cả sinh viên. Với số lượng sinh viên được đào tạo hàng năm ở 2 ngành Địa lý và Địa chính của khoa đối với hệ chính quy chỉ dừng ở con số khá khiêm tốn là 100 nhưng trung bình mỗi năm có đến 40-45 báo cáo đề tài NCKH với trên 60 sinh viên tham gia. Đã có 9 đề tài được khen thưởng cấp Bộ và cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, đặc biệt có 2 đề tài đạt giải Vifotec và 4 đề tài đạt giải Ba của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Phạm Quang Tuấn, chủ nhiệm khoa Địa lý cho biết, hiện tại khoa đã và đang chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, nhiều thành viên của khoa đã và đang tham gia có hiệu quả trên 30 đề tài nhánh cấp Nhà nước và hoàn thành, triển khai 18 đề tài cấp bộ, 4 đề tài đặc biệt, 1 đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia, 1 đề tài hợp tác với Canada, 2 đề tài Nghị định thư với Bỉ và Ấn Độ, 21 đề tài cấp trường và hàng chục đề tài cấp tỉnh...
Sinh viên không lo thất nghiệp
Sau chặng đường 45 năm khoa Địa lý có hàng ngàn cử nhân khoa học Địa lý, Địa chính ra trường và phần nào đáp ứng được công tác nghiên cứu cơ bàn và nhu cầu của xã hội. Khoa đã và đang tham gia đào tạo hệ cử nhân khoa học tài năng ngành Địa lý, và chuẩn bị xin đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Địa chính. Đặc biệt hơn cả là gần như 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều được nhận làm việc ngay.
Sinh viên khoa Địa lý không phải lo "thất nghiệp".
PGS Tuấn cũng cho biết thêm, rất nhiều nhiệm vụ của xã hội đòi hỏi những kiến thức địa lý, như các lĩnh vực xây dựng - kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, nông nghiệp - phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp, các khoa học môi trường, khoa học lịch sử - khảo cổ, khoa học phát triển và phát triển bền vững, lĩnh vực phòng tránh thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu... Thực tiễn cũng đã cho thấy những lĩnh vực về đầu tư tài chính, bảo hiểm, thương mại giờ đây cũng đang tỏ ra cần đến những kiến thức địa lý.
Mặc dù “đắt hàng” là thế nhưng một “nghịch lý” dễ nhận ra đó là vài năm trở lại đây số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khoa Địa lý của trường ĐH KHTN ở con số rất khiêm tốn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu đào tạo hàng năm của ngành Địa lý trường ĐH KHTN trung bình mỗi năm là 50-60 sinh viên. Song hầu như chưa có năm nào khoa tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên đăng kí vào học ngành Địa lý (bao gồm cả nguyện vọng 1,5 và nguyện vọng 2) càng bị suy giảm nghiêm trọng do những tác động khách quan của thực tế phát triển xã hội.
Ngày 15/8/1966, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT ngày nay) đã ra quyết định thành lập Khoa Địa lý - Địa chất tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia HN). Ban giám hiệu nhà trường đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một khoa mới - với hai ngành đào tạo Địa lý và Địa chất. Sứ mệnh kiến trúc sư trưởng của khoa mới được giao cho PTS. Nguyễn Văn Chiển - nhà địa chất đầu tiên của Việt Nam, người đã xây dựng thành công ngành đào tạo kỹ sư Mỏ - Địa chất ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tháng 9/1966, Khoa Địa lý - Địa chất, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội chính thức được ra đời và khai giảng khóa học đầu tiên với gần 100 sinh viên tại nơi sơ tán ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Ngày 21/1/1995, giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 435/TCCB về việc thành lập 4 khoa mới, trong đó có Khoa Địa lý, trên cơ sở chia tách và sắp xếp lại khoa Địa lý - Địa chất. |