Đạt từ 0,58 điểm/môn đỗ vào lớp 10 tại Thanh Hóa: “Điệp khúc” nhiều năm
(Dân trí) - Điểm đầu vào lớp 10 THPT của nhiều địa phương tại Thanh Hóa rất thấp và đây là thực tế diễn ra nhiều năm qua. Nguyên nhân của thực tế trên đang được dư luận rất quan tâm.
Qua tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tình trạng điểm đầu vào lớp 10 THPT tại Thanh Hóa thấp đã diễn ra nhiều năm qua. Thậm chí, nhiều địa phương, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là có cơ hội đậu vào lớp 10 THPT.
Thống kê cho thấy, tại Thanh Hóa có 15 trường có điểm chuẩn đầu vào dưới 10 điểm (thí sinh chỉ cần đạt từ 0,58 điểm - 1,82 điểm/môn là đậu vào lớp 10).
Cụ thể như: Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn), chỉ tiêu được giao là 168 nhưng chỉ có 144 thí sinh đăng ký dự thi; Trường THPT Thường Xuân 3 (huyện Thường Xuân), chỉ tiêu được giao là 210 nhưng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ có 149 em; Trường THPT Bắc Sơn (Ngọc Lặc), chỉ tiêu được giao là 294 nhưng chỉ có 273 thí sinh đăng ký dự thi…
Bên cạnh đó, cần lưu ý, hầu hết những trường có điểm chuẩn đầu vào thấp thường là ở những địa phương có sự chênh lệch giữa số thí sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu được giao không cao (chủ yếu là các huyện miền núi). Thậm chí, nhiều nơi, chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn số thí sinh đăng ký dự thi.
Đi tìm nguyên nhân
Đề cập đến kết quả thi đầu vào lớp 10 THPT của học sinh trên địa bàn thấp, ông Trịnh Đức Hùng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh lý giải: Thực tế, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo công tác ôn tập lớp 9 ngay từ đầu năm học; đồng thời thường xuyên kiểm tra công tác dạy học, ôn tập của học sinh thi vào lớp 10.
“Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của huyện chỉ đạo đến các xã, huy động các em học sinh tham gia thi và học lên. Nếu để học sinh tự nguyện đăng ký theo chỉ tiêu Sở GD&ĐT giao thì sẽ không đạt”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, qua nắm bắt của các trường THCS, phụ huynh học sinh chủ yếu đi làm ăn xa nên sự quan tâm con cái không nhiều, nhu cầu học của các em cũng không cao. Nhiều nơi, thầy cô giáo phải vận động các em đến lớp rất vất vả.
Hơn nữa, so với một số địa phương khác, đối với Lang Chánh, con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87%. Nhiều học sinh đã được vận động đi ôn thi không thu tiền nhưng các em vẫn không đến lớp.
“Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc huy động các em ra thi để được vào học THPT hoặc đi học nghề. Nhưng trên thực tế, nhiều em không có động lực, cho nên các em chỉ tham gia cho có. Từ đó, những trường hợp này kéo theo chất lượng chung của cả huyện. Hơn nữa, cũng có nhiều học sinh thi vào các trường tốp đầu của tỉnh với số điểm cao, mà các em không tham gia thi tại địa phương. Đây cũng là một nguyên nhân khiến điểm đầu vào chung của huyện thấp”, ông Hùng lý giải.
Trong khi đó, hàng năm, ngành Giáo dục có khảo sát, phân loại học sinh để bồi dưỡng, phụ đạo thêm. Huyện cũng có nhiều biện pháp, giao chỉ tiêu điểm trung bình chung vào lớp 10 THPT. Thậm chí, gắn trách nhiệm cho các trường để giải quyết bài toán chất lượng. Nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị vẫn không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Còn theo ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân: Nguyên nhân chủ yếu khiến điểm đầu vào lớp 10 THPT thấp là do sự cạnh tranh của các thí sinh ở khu vực miền núi không lớn; chỉ tiêu được giao và và số thí sinh đăng ký dự thi chênh lệch không nhiều. Từ đó, học sinh có tâm lý chủ quan, chỉ cần tránh điểm liệt là đậu vào lớp 10.
Cũng theo ông Tuấn, hàng năm, từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT đã giao chỉ tiêu và có cam kết về điểm đầu vào lớp 10 THPT cho các trường THCS. Đồng thời, ngành cũng đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tổ chức ôn thi, khảo sát các môn thi để nắm bắt tình hình chất lượng học sinh.
Nhận định về nguyên nhân điểm thi đầu vào lớp 10 thấp, theo thầy Trần Hữu Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lai (huyện Ngọc Lặc) có thể do tâm lý chủ quan của các em khi chỉ tiêu nhiều trường được giao cao hơn số thí sinh đăng ký dự thi.
Còn thầy Nguyễn Đình Bảy, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh) cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do lực học của học sinh khu vực miền núi, cũng như khả năng tiếp thu của các em chưa cao. Trước thực tế đó, hàng năm, nhà trường chỉ xây dựng kế hoạch tuyển sinh chưa đến 70% số học sinh THCS trên địa bàn, còn lại các em có thể theo học nghề.
Nguyên nhân của thực tế trên theo thầy Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa là do thực tế cạnh tranh và số dư học sinh thấp, nhiều em chỉ cần tránh điểm liệt là đậu nên tâm lý các em cũng không để ý đến bài thi. Bên cạnh đó, cũng có một số em học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn nên học lực còn kém. Thầy Hòa cho rằng, điểm thi thấp như trên chưa phản ánh hết được học lực của các em học sinh.
Ngoài ra, một yếu tố khác theo thầy Hòa là đề thi chung cho toàn tỉnh, kể cả học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn cũng làm chung đề như thí sinh ở các huyện miền núi. Trong khi đó, nhiều em ở một số vùng có học lực yếu hơn, nên điểm thi thấp hơn là điều dễ hiểu.
Điểm đầu vào thấp và sự “lột xác” của học sinh
Thầy Trần Hữu Hải cho biết: Kỳ thi tuyển sinh năm học 2020-2021, điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của Trường THPT Lê Lai là 5 điểm (trong 2 năm học trước đó, điểm chuẩn của nhà trường giao động ở mức 11 điểm).
Trước thực tế đầu vào thấp nên nhà trường đã đề ra giải pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng, trong đó, việc phân loại học sinh để dạy là rất quan trọng: “Nhà trường giao chỉ tiêu và có biện pháp thưởng cho các nhóm bộ môn, để làm thế nào đầu vào thấp, nhưng đầu ra phải đạt được yêu cầu mà Giám đốc Sở giao. Trong quá trình thi khảo sát, thi học kỳ, tất cả các học sinh từ 4 điểm trở xuống đều được nhà trường làm công tác tư tưởng”, thầy Hải cho biết.
Nhờ đó mà điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia của nhà trường năm 2018 đạt 4,7 điểm và tỷ lệ tốt nghiệp là 99%; năm 2019 là 4,9 điểm và tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 95%. Thầy Hải khẳng định, kết quả thi THPT quốc gia là khách quan, phản ánh đúng chất lượng.
Theo thống kê tại Trường THPT Lang Chánh, huyện Lang Chánh, điểm chuẩn đầu vào năm học 2018-2019 là 4,5 điểm; năm học 2019-2020 là 8,3 điểm và năm học 2020-2021 là 2,9 điểm. Đây là mức điểm chuẩn đầu vào thấp nhất từ trước đến nay.
Thầy Bảy nhấn mạnh: Điểm chuẩn đầu vào thực tế thấp, nhưng số thí sinh có điểm chuẩn ở mức thấp này chỉ có một vài em.
Mặc dù điểm đầu vào thấp, sau 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT bình quân của nhà trường là 5,08 điểm, cao hơn so với nhiều trường trên địa bàn miền núi. Thầy Nguyễn Đình Bảy cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp THPT là kết quả thực, phản ánh đúng chất lượng của học sinh.
Để có được kết quả đó, theo thầy Bảy, trong 3 năm học, nhà trường có kế hoạch bổ sung lỗ hổng về kiến thức cho học sinh. Cụ thể, là tác động vào đội ngũ cán bộ, giáo viên, làm sao để các thầy cô nhiệt tình trong giảng dạy. Bởi vì điểm đầu vào thấp, thầy cô nhìn rất nản nên phải động viên các thầy cô.
“Mình động viên giáo viên, người ta giao cho mình một mảnh đất cằn cỗi, hạt giống kém thì mình phải bỏ công sức ra gấp đôi, gấp ba thì may ra mới có kết quả gần bằng người ta được. Giờ hạt giống kém, đất kém, các thầy, các cô không cố gắng nữa thì kết quả sẽ kém”, thầy Bảy ví von.
Bên cạnh đó, tác động vào các em học sinh, động viên các em cố gắng phấn đấu lên gấp 2, 3 lần: “Trong các buổi chào cờ hay sinh hoạt, nhà trường có trao đổi điểm chuẩn đầu vào các em thấp như thế, chỉ bằng 1/10 các trường miền xuôi. Bây giờ ít ra công sức các em, sự cố gắng của các em phải gấp 2, gấp 3 lần người khác thì may ra kết quả mới tốt lên”.
Thầy Bảy khẳng định: “Kết quả thi THPT quốc gia không thể gian lận được và qua thực tế kết quả thi THPT quốc gia thấy được thành quả của các thầy cô. Nhiều thầy cô giáo nhà trường đã bỏ công sức ra giảng dạy, phụ đạo miễn phí cho học sinh; đồng thời phối hợp với phụ huynh kèm cặp, động viên các em đến trường. Thậm chí, học sinh ở trọ quanh trường nên nhiều thầy cô còn phụ đạo cho học sinh cả vào ban đêm”.