Đắt đỏ, “ét vê” tất tả làm thêm
(Dân trí) - “Chưa bao giờ mình lại thấy giá cả đắt đỏ như bây giờ, tiền bố mẹ gửi vào không đủ tiêu, mình và mấy thằng bạn đang đi tìm việc làm thêm”, Vũ Văn Đạt, sinh viên năm thứ 3 khoa Mác- Lênin trường ĐH KH Huế cho biết.
Việc giá cả, hàng tiêu dùng trong những ngày đã qua không có dấu hiệu giảm, nhiều sinh viên ở Huế như Vũ Văn Đạt đều phải căng mình ra đi tìm việc kiếm thêm ít tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà.
Ở Huế, những sinh viên (SV) đi làm thêm chủ yếu ở những quán cà phê, trông xe cho các nhà hàng lớn, đi làm gia sư… nhưng thu nhập thì cũng chẳng được bao nhiêu, làm cả tháng cũng chỉ kiếm thêm được 300 đến 350 ngàn đồng. Bạn Nguyễn Thế Sơn, SV trường ĐH KH Huế cho biết bạn đang bưng cà phê buổi tối, từ 5g chiều đến tận hơn 10g tối, chạy mệt bã cả người, thu nhập chả được bao nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên cũng rang làm vài tháng đỡ đần cho bố mẹ.
Sơn tâm sự: “Mệt lắm anh ạ, quán thì đông khách chạy hết bàn này đến bàn khác, ít có thời gian nghỉ, nhưng vì thương bố mẹ vất vả, giá cả lại đắt đỏ nên em ráng làm lấy 2, 3 tháng rồi xin nghỉ”. Mỗi tháng Sơn được bà chủ trả cho 300 ngàn, thi thoảng đông khách thì “bo” thêm vài chục ngàn. Số tiền ít ỏi đó cũng đỡ phần nào cho Sơn trong thời điểm hàng hoá đắt đỏ như hiện nay.
Hầu hết những SV đi làm thêm là những bạn gia đình bố mẹ ở quê làm ruộng, mỗi tháng chắt bóp chỉ gửi cho con được khoảng 600 ngàn. Với số tiền đó ở vào thời điểm này thật khó để chi tiêu cho vừa đủ. Nguyễn Thị Ly, Sinh viên năm 3 khoa tiếng Anh trường ĐH Ngoại Ngữ Huế có một công việc nhẹ nhàng hơn đó là đi dạy kèm, mỗi tuần Ly dạy 3 buổi, mỗi tháng cũng được khoảng 300 đến 350 ngàn tùy vào “hứng” phụ huynh và kết quả học của “học trò”.
Ly cho biết, cô ở Quảng Trị, bố mẹ đã già chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, tiền nuôi Ly ăn học là do anh trai cô chu cấp, nhưng cũng có hạn nên cô phải kiếm thêm bằng việc đi làm gia sư. Ly nói “bố mẹ em đã có tuổi không làm ra được nhiều tiền, anh trai em thì cũng phải tích góp vừa cho em, vừa gửi về cho bố mẹ, lại còn chuyện vợ con… nên em mới đi làm chứ thật ra cũng mệt lắm”.
Vẫn biết rằng đi làm thêm là ảnh hưởng tới công việc học tập, những ai đi làm thêm ít khi thông báo về cho gia đình vì bố, mẹ cũng đâu có cho con mình đi làm thêm, họ cũng xót con, thương con. Nguyễn Văn Đông, SV trường ĐH KH tâm sự “đã hơn 2 năm nay mình đi làm thêm nhưng đâu có dám nói với gia đình, chắc chắn họ sẽ không cho làm nữa”.
Nhu cầu cần có việc làm thêm của SV ngày càng tăng, các quán cà phê, quán ăn… cũng cần những SV phục vụ vì họ cho rằng nguồn nhân lực này vừa rẻ lại nhanh nhẹn, hơn nữa lại nhiều nên nêu cần người giúp đối tượng chính của họ cũng là gới SV. Chị Nết, chủ quán cà phê Cố Hương cho biết: “SV làm nhanh lắm, phần đông lại thật thà, chỉ vài ngày là thạo việc, mình có thể giao của hang cho các em quản lí”.
Trong thời buổi “bão giá” len lỏi đến cuộc sống của SV, thì chuyện đi làm thêm sẽ trở nên phổ biến, tất nhiên việc gì cũng vậy sẽ nảy sinh những bất cập, như ảnh hưởng đến học tập, rồi nhiều tệ nạn xã hội khác nhưng với sức trẻ, lòng quyết tâm họ sẽ vượt qua và thành công.
Vũ Ngọc Dương