Đào tạo từ xa: Quá nhiều yếu kém!
(Dân trí) - Hội thảo khoa học quốc gia về Giáo dục mở và từ xa lần đầu tiên được tổ chức vào hôm qua, 23/10. Sau 15 năm hoạt động, hình thức giáo dục này vẫn còn quá nhiều hạn chế, yếu kém, xa với nhu cầu thực tế.
Vẫn học từ xa theo kiểu “mặt giáp mặt”
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD-ĐT: Giáo dục từ xa (GDTX) của Việt Nam vẫn còn hạn chế, yếu kém. Đặc trưng của loại hình GDTX là thầy - trò gián cách nhau về không gian và thời gian trong phần lớn quá trình đào tạo, học liệu và phương tiện là cầu nối chuyển tải thông tin nhưng hầu hết học liệu do các trường biên soạn chưa phù hợp với công nghệ đào tạo từ xa.
Ngoài ra, chưa có sự kết hợp giữa các trường trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và thiết kế học liệu, mỗi nơi làm việc một kiểu dẫn đến chất lượng và hiệu quả thấp. Thời gian học trực tiếp mặt giáp mặt còn nhiều.
Các cơ sở tiếp nhận chương trình GDTX ở địa phương của một số trường là do cán bộ giáo dục kiêm nhiệm, không có bộ máy chuyên trách, không có cơ sở vật chất ổn định.
Mặc dù là đào tạo từ xa nhưng phương thức xét tuyển đầu vào và quy trình thi, kiểm tra, thi tốt nghiệp còn lạc hậu. Chủ yếu kiểm tra theo hình thức tự luận, chưa áp dụng công nghệ kiểm tra, thi, đánh giá theo phương thức trắc nghiệm khách quan, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 50-60%.
Đặc biệt, phần lớn các trường vẫn sử dụng đội ngũ giáo viên dạy hệ chính quy chưa có nghiệp vụ và phương pháp sư phạm riêng của GDTX làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Việt Nam hiện có 2 trường ĐH được Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ chính đào tạo từ xa là Viện ĐH Mở Hà Nội và Viện ĐH Mở TPHCM. Tuy nhiên, hai cơ sở đào tạo lớn nhất nước này vẫn gặp nhiều khó khăn do còn tồn đọng những vấn đề trên.
Ths. Tạ Thị Hồng Hạnh, Viện ĐH Mở TPHCM cho biết: “Hiện nay đã có thể truy cập trực tuyến vào kho học liệu mở của Chính phủ, tuy nhiên số lượng giáo trình môn học, tài liệu liên quan vẫn còn quá ít và thiếu. Hệ thống thư viện từ xa cho người học hầu như không có. Bên cạnh đó, do chạy theo kết quả học tập nên học viên phải bám sát tài liệu ôn tập do giảng viên đảm trách môn học cung cấp. Điều này làm người học mất đi thói quen tìm hiểu, tham khảo nguồn tài liệu ngoài để mở rộng kiến thức”.
Cũng theo Ths. Hạnh, cách đánh giá học viên hiện nay vẫn theo hình thức thi tập trung, quy trình thủ công nên kết quả công bố còn chậm chễ, người học gặp khó khăn. Hơn nữa, không phải giảng viên nào cũng sẵn sàng bỏ ra một khoảng thời gian dài để di chuyển từ trường học đến các đơn vị liên kết đào tạo tại các tỉnh, đặc biệt là giảng viên giỏi chuyên môn.
2020 mới có thể kiểm định chất lượng
Cho đến nay GDTX vẫn chưa có hệ thống kiểm định chất lượng. Năm 2006, Bộ GD-ĐT mới chỉ tiến hành xây dựng dự thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo cử nhân CNTT từ xa và đang tiếp tục hoàn thiện.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Ở nước ta không có trường ĐH mở và từ xa thuần túy, các trường ĐH có giáo dục mở và từ xa cũng đồng thời cung cấp giáo dục truyền thống. Vì vậy, hiện nay công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục còn áp dụng chung cho tất cả các hình thức đào tạo ở các trường ĐH.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đang tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đào tạo mở và từ xa, dự kiến hoàn thành trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2010. Phấn đấu đến năm 2020 kiểm định được tất cả các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo mở, đào tạo từ xa”, ông Nghĩa khẳng định.
Cả nước hiện có 17 trường ĐH với 66 trung tâm ở 63 tỉnh, thành có chương trình đào tạo theo phương thức GDTX. Tổng số học viên đã tốt nghiệp ĐH theo hình thức học từ xa trong vòng 15 năm qua (1994-2009) là 159.947 người, số học viên đang theo học là hơn 232 nghìn người. Học viên theo học từ xa ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBSCL chiếm khoảng 30% và số học viên đang làm việc các cơ quan, xí nghiệp và cơ sở SXKD chiếm 60-70%. Học viên chủ yếu theo học ở các ngành sư phạm, kinh tế, tài chính, điện tử, tin học, luật… |
Hồng Hạnh