Đào tạo tiến sĩ Việt Nam thời Covid: "Chiếc áo" thông tư 08 có lỗi thời?

(Dân trí) - Tư duy giáo dục truyền thống: "đến trường" điểm danh mới là "đi học", không đến trường là "không đi học" nghiên cứu sinh phải có mặt ở trường liên tục 12 tháng... đã không còn đúng trong thời đại 4.0.

Chuyện cười ra nước mắt

Thông tư 08 [1], Bộ giáo dục - đào tạo (Bộ GD-ĐT) quy định: "Việc tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong 2 năm đầu tiên …."

Theo quy chế đào tạo Đại học chính quy [2], sinh viên nghỉ quá 1/3 thời gian lên lớp sẽ không được dự thi môn học đó. Tuy nhiên trong thông tư 08, Bộ GD-ĐT không đưa ra  cách xử lý khi nghiên cứu sinh (NCS) thường xuyên vắng mặt 12 tháng ở cơ sở đào tạo. Do vậy mà mỗi trường Đại học có cách xử lý khác nhau và không ít chuyện cười ra nước mắt.

Để kiểm soát NCS phải có mặt 12 tháng ở Trường, có cơ sở đào tạo yêu cầu: "NCS làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, Đoàn về sinh hoạt ở Trường", đồng nghĩa NCS gửi "sinh mạng chính trị" vào nơi học, cắt đứt hoàn toàn với cơ quan cũ nơi phát lương nuôi sống mình, điều này rất có thể NCS  sẽ không có đường về nếu không hoàn thành luận án Tiến sĩ,  vì "đi ăn cỗ về mất chỗ".

Lúc đầu có NCS tưởng thật định "bỏ của chạy lấy người", tác giả đã phải tư vấn giải thích rằng, văn bản ghi thế để Bộ biết là trường đang thực hiện rất nghiêm túc quy chế của Bộ, còn nếu NCS không chuyển thì Trường cũng không buộc thôi học, NCS yên tâm ở lại.

Có trường yêu cầu, NCS mỗi tuần phải trực bộ môn một buổi. Các NCS ở phía Nam cách Hà Nội hàng nghìn km, buổi sáng bay ra Hà Nội  đến bộ môn trực,  chiều tối bay vào, mỗi tháng 4 lần bay, lương chỉ đủ tiền mua vé máy bay. "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", những năm sau, không còn ai dám bén mảng đến cơ sơ đào tạo đó làm NCS nữa.

Có trường "nhân đạo" hơn, mỗi tháng NCS phải ra Hà Nội làm việc với giáo viên hướng dẫn 1 lần, phải đích thân NCS trực tiếp nộp báo cáo 1 tháng có chữ ký xác nhận của bộ môn đến phòng đào tạo, đồng nghĩa phải gặp các giáo viên khác trong bộ môn, trong khoa... một lần. Đã ra Hà Nội mà không gặp được hết mọi người  thì điện thoại í ới: "em đang ở Hà Nội…" như một  hình thức điểm danh thời hiện đại...

Đó là một trong những lý do, nhiều cơ sở đào tạo truyền thống danh tiếng trước đây, nhưng nay đưa ra những cách quản lý cứng nhắc theo quy chế của Bộ, sẽ  ít  ứng viên đến liên hệ làm NCS.

Nếu bắt 12 tháng tập trung như tù cải tạo thì ứng viên xin học bổng làm NCS nước ngoài, tội gì làm trong nước để bị "hành"!. Có khoa đào tạo gần 100 GS/PGS/TS nhưng mỗi năm chỉ tuyển được 2 NCS, các GS/PGS/TS không hướng dẫn NCS chỉ còn làm chức năng là anh thợ dạy đại học.

Trong bối cảnh đó, thực tế đã chỉ ra, khi những cơ sở đào tạo làm theo quy chế Bộ, bắt NCS phải 12 tháng tập  trung, thì những cơ sở đào tạo khác có giải pháp nâng cao chất lượng luận án Tiến sĩ nhưng giảm bớt các thủ tục phiền hà, không cứng nhắc yêu cầu NCS 12 tháng tập trung sẽ thu hút nhiều ứng viên đến làm NCS.

Quản lý đào tạo tiến sĩ thời covid

Hai năm gần đây, 2020-2021, covid bất ngờ xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi vì covid nhiều doanh nghiệp bị phá sản, có ông chủ làm ăn thua lỗ dẫn đến trầm cảm phải tự tử để tìm lối thoát, thì NCS Việt Nam cám ơn covid đã giúp họ tìm được lý do chính đáng để không phải thường xuyên có mặt 12 tháng liên tục học tập trung tại cơ sở đào tạo.

Quản lý đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08 của Bộ giáo dục không còn phù hợp trong thời covid  và thời chuyển đổi số. Đồng nghĩa các cơ sở đạo tạo "trăm hoa đua nở" có nhiều cách quản lý đào tạo độc đáo khác nhau, mâu thuẫn và đối kháng nhau cùng tồn tại trong một thể thống nhất của xã hội học tập Việt Nam.

Tháng 4/2020, giữa mùa covid, lần đầu tiên một cơ sở đào tạo tiến sĩ trên địa bàn Hà Nội đã mạnh dạn cho người dự tuyển NCS được bảo vệ đề cương đầu vào  bằng hình thức online, gây được tiếng vang lớn. Tiếp đến là các phương thức  đào tạo Tiến sĩ theo online khác như: Xemina khoa học online, báo cáo tiến độ nghiên cứu online, báo cáo Tiểu luận tổng quan online …  

Nhưng có những nhà quản lý cực đoan phản đối gay gắt, họ cho rằng: trong khi Bộ giáo dục đang "án binh bất động" chưa có thông tư văn bản nào cho phép quản lý đào tạo Tiến sĩ online thì mọi hình thức đào tạo Tiến sĩ online là không hợp lệ, phải đợi đến hết dịch covid, quản lý đào tạo Tiến sĩ phải theo hình thức tập trung truyền thống mới bảo đảm chất lượng !?.

Đây được xem là cuộc "so găng" quyết liệt giữa "cấp tiến" và "bảo thủ". Cuộc đấu tranh "ai thắng ai" đang diễn ra gay gắt  và chờ kết quả thực tiễn trả lời. 

Thậm chí có nơi còn dự định khởi kiện những cơ sở đào tạo đang áp dụng quản lý hoạt động đào tạo tiến sĩ theo phương thức online, xem đây là cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo trong nước.

Trong khi chuyển đổi số đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới [3], covid là đại họa của nhân loại nhưng covid cũng có mặt tích cực, nó chính là chất xúc tác đẩy nhanh chuyển đổi số.

Chưa bao giờ việc dạy và học online ở các cấp học được  phát triển rầm rộ như thời kỳ covid. Người dạy và người học đã phần nào thích nghi với phương thức đào tạo online đến nỗi có nhà khoa học đã khẳng định rằng: nếu không có covid, trong giai đoạn chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo đang tiến lên Đại học số,  thì hoạt động quản lý  đào tạo Tiến sĩ  nên theo hình thức online nếu chứng minh được chất lượng phương thức online không thấp hơn chất lượng lớp học phương thức trực tiếp.

Thông tư 08 năm 2017 có còn hợp thời?

Triết học Mác nói rằng "Lượng đổi thì chất đổi. Lượng thay đổi một cách tuần tự còn chất thì thay đổi một cách nhảy vọt". Phạm trù về mối tương quan giữa lượng và chất này hoàn toàn đúng trong các hoạt động giáo dục. 

Sự tăng về khối lượng kiến thức ngày nay  nhất thiết phải kéo theo sự thay đổi về chất tri thức của con người. C. Mác viết: "Công cụ lao động là thước đo của sự phát triển kinh tế và của sự tiến bộ xã hội... Chiếc cối xay chạy bằng sức gió đã đẻ ra các lãnh chúa phong kiến, chiếc máy cơ khí chạy bằng sức nước đẻ ra các nhà tư bản công nghiệp". Phương tiện dạy học là công cụ lao động của thầy, trò và nhà quản lý giáo dục, nó họp thành một lực lượng sản xuất đặc biệt của xã hội giáo dục.

Cái thước kẻ và cái chõng tre đẻ ra các cụ đồ nho dạy học bằng phương pháp gõ đầu trẻ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số tiến đến Đại học số... phải hình thành  triết lý giáo dục mới - giáo dục dựa trên nền tảng tri thức.

"Chiếc áo" của thông tư 08 [1] đã quá chật không thể tương xứng và "ôm" được "Đại học số", không thể "ôm" được các phương thức đào tạo online đang nổ rộ trong thời covid. Chính vì thông tư 08 không "ôm" được các biến động của "lực lượng sản xuất" mà dẫn đến những mâu thuẫn như đã phân tích ở mục trên.

Tư duy giáo dục truyền thống: "đến trường" điểm danh mới là "đi học", không đến trường là "không đi học"…  NCS phải có mặt ở cơ sở đào tạo liên tục 12 tháng mới được gọi là NCS... đã không còn đúng nữa trong thời đại 4.0, thời đại chuyển đổi số, thời đại của Đại học số.

Thời đại 4.0 mà nền tảng là internet kết nối mọi vật (Internet of things, viết tắt là IOT) dựa trên sự phát triển bậc cao của Công nghệ  trí tuệ nhân tạo (AI). IOT cho phép mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng mà không cần có sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Lúc đó người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng.

Nhờ Latop, máy tính màn hình mỏng kích thước lớn với các app như zalo, Microsoft Team… mà NCS và giáo viên hướng dẫn cách nhau hàng nghìn km  có thể gặp nhau "face to face" kích thước 1-1 như trực tiếp bất cứ lúc nào để trao đổi khoa học. Việc tổ chức họp online trao đổi học thuật giữa NCS với tập thể giảng viên cũng hết sức đơn giản và dễ dàng.

Trước đây, nhà khoa học là người trong nhà có nhiều sách. Càng nhiều sách để trong nhà càng được khẳng định đẳng cấp của nhà khoa học. Ngày nay thời 4.0, chỉ cần xem trong điện thoại có bao nhiêu app được sử dụng phục vụ nghiên cứu  mới đánh giá  chính xác đẳng cấp nhà khoa học đó.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0, quan điểm phủ định đào tạo online  để duy trì một "quan hệ sản xuất" (thông tư 08)  lỗi thời không phù hợp và tương thích với "lực lượng sản xuất" (AI & IOT) là đi ngược lại Triết học Mác Lê Nin.

Việc xây dựng một thông tư mới về phương thức quản lý đào tạo Tiến sĩ phù hợp với chuyển đổi số là một yêu cầu cấp bách và không thể đảo ngược.

Đã đến lúc, chúng ta không  bàn là có nên xây dựng một phương thức quản lý mới hay không mà nên bàn đến khi nào cần thực hiện thông tư mới phù hợp với chuyển đổi số bất chấp dịch covid.

PGS.TS Ngô Tứ Thành

Tài liệu tham khảo

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2017-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-338487.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2021-TT-BGDDT-Quy-che-dao-tao-trinh-do-dai-hoc-470013.aspx

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dai-hoc-so-se-tro-thanh-mot-cuoc-choi-lon-giua-cac-truong-dai-hoc-20210305131731467.htm