Đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng: Vẫn còn nghịch lý
Các chuyên gia cho rằng, chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là việc quan trọng, cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên thực tế cho thấy, chương trình này chưa thực sự bài bản và hiệu quả.
“Bắt mạch” nghịch lý
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), CTĐT thạc sĩ quản lý GD theo định hướng ứng dụng ở Việt Nam đã được triển khai tại các cơ sở đào tạo, nhưng chưa thực sự bài bản và hiệu quả. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý GD cần quan tâm triển khai thực hiện đúng quy trình và đảm bảo đúng nghĩa của chương trình mang tên ứng dụng.
PGS.TS Nguyễn Thị Tính trao đổi, thực tế diễn ra ở nhiều trường, đó là: Người học chưa chủ động trong việc tự chọn các môn học, phần nhiều là do các khoa chuyên môn chọn thay cho người học với nhiều lý do khác nhau. Thực trạng trên dẫn đến một nghịch lý trong tổ chức thực hiện là: Hiệu trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa, trưởng bộ môn, chuyên viên được đào tạo như nhau, chỉ khác nhau ở phần luận văn tốt nghiệp.
Xét về một khía cạnh nào đó thì cũng có mặt tích cực, đó là: Trong tương lai, họ có cơ hội thay đổi vị trí việc làm và luân chuyển vị trí quản lý; nhưng nghịch lý là ở chỗ, những năng lực cần bổ sung ngay trước mắt thì họ chưa được quan tâm một cách đủ đầy.
PGS Nguyễn Thị Tính khuyến nghị, phát triển CTĐT thạc sĩ quản lý GD theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng là xu hướng phát triển gắn với phát triển nghề nghiệp hiện nay của cán bộ quản lý GD tại các địa phương, nhằm giúp học viên hoàn thiện năng lực quản lý nhà trường, đơn vị.
Theo đó, các cơ sở đào tạo cần có chiến lược và quy trình rà soát, phát triển CTĐT thạc sĩ quản lý GD theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng và tổ chức thực hiện các chiến lược dạy học để phát triển năng lực người học, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. CTĐT thạc sĩ quản lý GD theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng sau khi được rà soát, phát triển phải thường xuyên được đánh giá, hoàn thiện và cải tiến nâng cao chất lượng.
“Trong bối cảnh mới của đất nước, việc đổi mới CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các hoạt động đào tạo trong nhà trường, nhiều đòi hỏi mới đối với hoạt động sư phạm của giảng viên. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý của người hiệu trưởng, đòi hỏi người hiệu trưởng phải “thay đổi sự quản lý” để “quản lý sự thay đổi”. - TS Nguyễn Quốc Trị
Ngoài ra, các bên liên quan giữ vai trò quan trọng trong phát triển CTĐT thạc sĩ quản lý GD theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng; vì vậy, cơ sở đào tạo phải thường xuyên kết nối, huy động các bên liên quan tham gia rà soát, phát triển chương trình và tổ chức thực hiện chương trình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình theo đúng nghĩa với tên gọi chương trình thạc sĩ ứng dụng.
Cấp bách và cần thiết
Khẳng định CTĐT trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là việc quan trọng, cấp bách và cần thiết, TS Nguyễn Quốc Trị - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Thứ nhất, đổi mới CTĐT nói chung, CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng nói riêng là công việc cần thiết, cũng là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đồng tâm nhất trí của các lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình.
Lãnh đạo cơ sở đào tạo cần quan tâm đến bồi dưỡng chuyên môn, làm cho giảng viên hiểu được văn bản chương trình và những ý định, những mong muốn ở đằng sau văn bản, có năng lực thực hiện những yêu cầu của chương trình về phương pháp đào tạo, về đánh giá kết quả học tập của học viên.
Công cuộc đổi mới CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng có nhiều điểm mới như hiện nay thường đặt ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của giảng viên, buộc họ phải đảo lộn nhiều hoạt động sống và hoạt động chuyên môn, gây thêm khó khăn cho họ. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, giảng viên thường có nhiều phản ứng không thuận trong thời gian bắt đầu triển khai đổi mới CTĐT, đặc biệt là đối với những sai sót hoặc những điều giảng viên cho là sai sót trong quá trình triển khai chương trình.
Điều này đòi hỏi lãnh đạo cơ sở đào tạo phải lường trước các tình huống, nghiên cứu trước và kỹ hơn những điều cần thiết về đổi mới CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, thận trọng và có cách ứng xử thích hợp trước những phản ứng của giảng viên đối với CTĐT.
Thứ hai, thực hiện đổi mới CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là nhằm hướng tới chất lượng đào tạo cao, phát triển tối ưu các phẩm chất và năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Để nâng cao chất lượng đào tạo, phải làm cho CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, các nội dung, phương pháp đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo phù hợp với các đối tượng người học cụ thể, các điều kiện học tập cụ thể. Nhiều công trình nghiên cứu đã phân tích sự khác nhau giữa mong muốn, ý định của CTĐT với thực tiễn tổ chức đào tạo.
Do đó, việc tổ chức đào tạo là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo nhằm làm cho CTĐT phù hợp với thực tiễn. Không thể đạt tới hiệu quả cao nếu việc quản lý như một dây chuyền sản xuất, theo một thiết kế, quy trình có sẵn. Để làm cho CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng phù hợp với người học và thực tiễn quản lý, một mặt trong cơ chế quản lý CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng cần phải tạo ra một độ “mở”, để dành chỗ cho sự tham gia quyết định của các lực lượng thực hiện chương trình, cho sự vận dụng linh hoạt, điều chỉnh những chỗ chưa thật sự phù hợp.
“Như vậy đổi mới CTĐT thạc sĩ theo định hướng ứng dụng đòi hỏi một sự tham gia điều chỉnh và vận dụng một cách có trách nhiệm và bền vững về năng lực chuyên môn của lãnh đạo cơ sở đào tạo và của giảng viên. Điều này, một mặt đòi hỏi lãnh đạo cơ sở đào tạo, hiệu trưởng phải có kế hoạch để chủ động tham gia tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hoá những nội dung và tổ chức thực hiện chương trình trong thực tế, đặc biệt là đối với các hoạt động GD, các nội dung chương trình gắn với địa phương” - TS Nguyễn Quốc Trị trao đổi.
Xây dựng chuẩn đầu ra
Liên quan đến CTĐT trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Đặt trong khung cảnh chúng ta bắt đầu triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD Đại học, toàn bộ quy chế tuyển sinh trong ngành phải sửa đổi để thích ứng với yêu cầu mới của quản lý GD.
Yêu cầu mới trong quản lý GD là, Nhà nước chỉ quản lý tiêu chuẩn chất lượng, kiểm định chất lượng… còn để các cơ sở GD đại học tự chủ ở mức độ càng cao càng tốt. “Nội dung chương trình ứng dụng khác với chương trình nghiên cứu chủ yếu là về phương pháp học tập, chương trình tự chọn cũng như là luận văn, luận án. Nếu như luận văn có ứng vào các địa chỉ ứng dụng, có địa chỉ sử dụng vào kết quả nghiên cứu thì mới gọi là chương trình ứng dụng, còn nếu không làm được việc đó thì chưa phải đào tạo thạc sĩ theo chương trình ứng dụng.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng mong muốn, các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra trước và chương trình đó phải ứng với chuẩn đầu ra. Môn học nào là một mảnh ghép trong chuẩn đầu ra thì mới đưa môn học đó vào CTĐT, chứ không phải là đưa vào CTĐT những gì chúng ta đã có. Con người mới chính là chủ nhân của chất lượng đào tạo. Chúng ta cùng làm quy chế, quy trình và kiểm soát chất lượng.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, không thể làm được chính sách nếu không có các trường, càng tự chủ thì các trường càng cần phải chung tay với Bộ GD&ĐT để cùng nhau xây dựng một chính sách tốt và cùng nhau thực hiện chính sách đó, để làm sao quản lý chất lượng của hệ thống cho tốt.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Cuối năm nay, đầu năm sau, chúng tôi tập trung vào đổi mới quy chế đào tạo, những nội dung liên quan đến chất lượng. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng quy chế đào tạo trình độ đại học và đầu năm 2020 sẽ ban hành. Quy chế này là tổng hợp của 7 thông tư đang hiện hành, trong đó có quy chế đào tạo thạc sĩ, quy chế về mở ngành đào tạo… Ngoài ra, chúng tôi sẽ xây dựng quy định chuẩn chương trình cho các trình độ đào tạo và triển khai khung trình độ quốc gia”.
Thực tế diễn ra ở nhiều trường, đó là: Người học chưa chủ động trong việc tự chọn các môn học, phần nhiều là do các khoa chuyên môn chọn thay cho người học với nhiều lý do khác nhau. Thực trạng trên dẫn đến một nghịch lý trong tổ chức thực hiện là: Hiệu trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa, trưởng bộ môn, chuyên viên được đào tạo như nhau, chỉ khác nhau ở phần luận văn tốt nghiệp.