1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Đào tạo tài năng văn học: Cần nhiều tiền hay cần tài năng?

Khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang bắt đầu khởi động “Đề án đào tạo tài năng sáng tác văn học” để thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh 2018. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để chiêu mộ được nhân tài, mời thầy nào dạy hay xây dựng chương trình học ra sao vẫn còn nhiều băn khoăn.

“Các nhà văn có tài thường chẳng cần học cũng thành tài, nhưng nếu có học thì sẽ bài bản hơn, tốt hơn”
“Các nhà văn có tài thường chẳng cần học cũng thành tài, nhưng nếu có học thì sẽ bài bản hơn, tốt hơn”

PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn - Báo chí (trường ĐH Văn hóa Hà Nội) nhận định: “Đây là một cơ hội, đồng thời cũng là một thử thách thực sự trên tất cả các khâu của quá trình đào tạo”.

Tài năng liệu có đào tạo được?

Bàn về việc này, PGS Trần Đình Sử cho rằng: “Tài năng không đào tạo được”. Theo ông, có một yếu tố là “năng khiếu”, có những tài năng phát triển sớm, có tài năng lại phát triển muộn, việc tìm ra những “mầm non” thơ, văn ấy là cần thiết.

PGS Trần Đình Sử đề xuất các nhà văn nên có những cuộc phỏng vấn, kiểm tra để tìm ra nhân tài. Và người giảng dạy chỉ đóng vai trò bổ sung kỹ năng, bề dày kiến thức cho người học phát triển mà thôi.

Bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề đào tạo văn chương, GS Trần Nho Thìn trích lời Khổng Tử: “Có ba loại: thiên tài không cần học cũng thành tài, học rồi thành tài, và loại thứ ba là học mãi chẳng thành điều gì”.

GS Trần Nho Thìn cụ thể: “Các nhà văn có tài thường chẳng cần học cũng thành tài, nhưng nếu có học thì sẽ bài bản hơn, tốt hơn”. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp cũng khẳng định: “Chỉ có tài năng mà không bồi dưỡng thì không

“Theo tôi nghề văn là nghề dành cho những người có số phận kỳ lạ. Ý nghĩa cao nhất của văn chương là tìm đạo, học đạo. Vì chỉ có văn học mới biết cách diễn đạt về tính khoan dung, đạo đức”

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

đi được lâu”.

TS Trần Ngọc Hiếu nêu những ví dụ thực tế: “Càng đi dạy, ở những trường lớn của Hà Nội tôi càng gặp những em có cá tính mạnh. Trường THPT của nước ta không dạy về Triết, nhưng có những em đọc Triết học sâu, có những em viết thơ tiếng Anh, viết những đoạn tiếng Việt với ngôn từ đẹp, tự nhiên như một bài thơ”.

Tuy nhiên, khi TS Trần Ngọc Hiếu hỏi về ý định theo con đường văn chương của các em học sinh, phần lớn các em đều trả lời: “Nếu em theo văn chương thì không đến trường học”. Tiến sĩ cho rằng: “Có lẽ các em cần môi trường không phải trường học ở Việt Nam, mà cần ngôi trường bao dung, đối thoại, chứ không trấn áp cá tính hay tạo ra khuôn mẫu”.

Xây dựng môi trường học hấp dẫn

Một vấn đề khiến nhiều người đào tạo sáng tác văn chương trăn trở, đó là sinh viên học viết văn ra hầu hết làm trái ngành, trái nghề, có sinh viên chọn làm báo, chọn làm nhà biên kịch... Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: “Có những người đi học để biết, họ làm những nghề khác. Song, họ đọc sách bao giờ cũng có ý thức hơn về câu chuyện văn chương”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dẫn chứng: “Một điều dễ thấy không chỉ đối với lĩnh vực văn học mà cả lĩnh vực âm nhạc, có người ban đầu viết hay nhưng tốt nghiệp ra lại không viết được hay hơn nữa. Có người học nhạc xong, biết nghề và làm như một người thợ, họ không sáng tác mà phối khí, mở phòng thu thanh...”.

“Viết văn thì không thể học được, nhưng chúng ta vẫn phải dạy”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói. Nhà văn chỉ ra một điều cần phải lưu ý: “Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Nếu người học không muốn học, người dạy trước hết phải tự trách mình, chính mình phải là một sự thu hút với học viên”.

Bà Phạm Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Nhà nước sẽ cấp kinh phí để đào tạo những tài năng sáng tác văn học, chúng tôi sẽ phải xây dựng dần dần để có được con số chính thức, dự toán khoảng hơn 30 tỷ đồng dành cho tất cả các khóa đào tạo từ nay đến hết năm 2030 nhưng được duyệt bao nhiêu thì bây giờ chưa biết”.

TS Trần Ngọc Hiếu bày tỏ quan điểm, không cần kinh phí quá nhiều, những mẹo, bí quyết văn chương đều có thể dạy được, điều cần thiết nhất cho người học một môi trường giáo dục thân thiện, người học được sáng tạo, tiếp xúc thực tiễn, trao đổi về học thuật và nghệ thuật không bị rập khuôn bó buộc.

Theo Nguyễn Ngọc Trâm/ANTT