Đào tạo sau Đại học đang "phát phì" ?
(Dân trí) - Do số lượng thí sinh dự thi sau Đại học không đông, một số cơ sở đào tạo có số thí sinh dự thi thấp hơn chỉ tiêu được giao, vì thế không có điều kiện để tuyển chọn, phải nhận cả những thí sinh có trình độ chuyên môn thấp, năng lực nghiên cứu yếu!
Đào tạo sau đại học bắt đầu từ năm 1976 và bùng phát từ những năm đầu thập kỷ 90 với số lượng tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng tăng vùn vụt. Sau hơn 25 năm từ không đến có, từ chỗ phải gửi đi đào tạo SĐH tại nước ngoài, đến nay, chúng ta đã có khoảng 144 cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với quy mô tuyển sinh mỗi năm hàng nghìn tiến sĩ (TS).
Tuy nhiên, chính sự phát triển thần tốc của bậc đào tạo nhân lực khoa học cao cấp này khiến cho con đường đào tạo TS thực sự trở thành một con đường đầy gian khó vì ngổn ngang bất cập.
Nghịch lý tuyển sinh
Tại một Hội nghị tổng kết công tác đào tạo sau đại học (SĐH), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung nhận xét: hiện đào tạo của chúng ta đang tồn tại một nghịch lý nguy hiểm, đó là hình tháp ngược về chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến ĐH và SĐH. Phổ thông thì học rất căng, thi cử thì rất khó khăn, càng lên cao, cho đến đào tạo SĐH càng “thông thoáng”!
Làm một phép so sánh nhỏ có thể thấy rất rõ điều này. Nếu chỉ tiêu tuyến sinh đại học hàng năm luôn trong tình trạng quá “khan” đối với thí sinh thì chỉ tiêu tuyển sinh SĐH là hoàn toàn ngược lại. Đã nhiều năm liền, chỉ tiêu tuyển sinh cho bậc đào tạo SĐH liên tục tăng mặc dù các cơ sở đào tạo SĐH hầu như không tuyển đủ.
Năm 2002, tuyển sinh SĐH chỉ đạt 83% chỉ tiêu trong đó đào tạo TS chỉ tuyển được 996 so với 1.200 chỉ tiêu nghiên cứu sinh. Năm 2003: chỉ tiêu đào tạo TS đạt 81% chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, chỉ tiêu cho bậc đào tạo này: năm 2003 tăng 17 % so với năm 2002; năm 2004 tăng 7,14% so với năm 2003 và năm 2005, đào tạo SĐH đảm nhận 15.600 chỉ tiêu với chỉ tiêu đào tạo nghiên cứu sinh là 1.600, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2004. Cùng đó, hệ số “chọi” ở bậc học này cũng rất thấp. Ví dụ: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGTPHCM) hệ số chọi là 0,9; ĐH Bách Khoa TPHCM: 0,8; ĐH Sư phạm TPHCM: 0,3…
Theo Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo tăng là do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước đòi hỏi, thể hiện trong chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010. Năm 2010 cả nước phải đào tạo được 19 nghìn TS.
Chật vật chất lượng
Chỉ tiêu phải đạt khiến cho chất lượng bậc đào tạoTS rơi vào một tình trạng mà Bộ GD-ĐT đã không thể không thừa nhận: Do số lượng thí sinh dự thi bậc học này không đông, một số cơ sở đào tạo có số thí sinh dự thi thấp hơn chỉ tiêu được giao, vì thế không có điều kiện để tuyển chọn, phải nhận cả những thí sinh có trình độ chuyên môn thấp, năng lực nghiên cứu yếu!
Với rất nhiều “chưa” lưu cữu từ năm này sang năm khác không giải quyết được như : chưa đạt yêu cầu về tình độ đào tạo, chưa tương đồng với các nước về nội dung và chương trình đào tạo, chưa xây dựng kế hoạch đào tạo cho toàn khoá học cũng như cho từng học kỳ; chưa xây dựng kế hoạch nghiên cứu cũng như chưa thường xuyên báo cáo tiến độ nghiên cứu nên phần lớn không hoàn thành tiến độ quy đinh; việc quản lý quá trình học tập và nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh lỏng lẻo; chưa thực hiện nghiêm túc việc đánh gia môn học theo quy chế, chưa đảm bảo các điều kiện về văn bằng; thủ tục đánh giá đề cương NCS rất sơ sài, xuê xoa; đề tài luận án TS chỉ như các đề tài khoa học ứng dụng, chưa có tầm về khoa học, chưa giải quyết được các vấn đề học thuật…chất lượng đào tạo TS đang bị đặt trong sự nghi ngờ của dư luận.
Trước tình hình đó, mới đây, Vụ trưởng vụ ĐH và SĐH Trần Thị Hà tuyên bố, Bộ đã yêu cầu các cơ sở phải thực hiện ngay việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát của bộ môn, phòng chuyên môn đối với quá trình đào tạo và sinh hoạt khoa học, chuyên môn của NCS tại bộ môn đó; phải thực hiện nghiêm túc từ khâu xét duyệt đề tài, bảo vệ đề cương của NCS, giá trị luận án phải được lãnh đạo bộ môn kết luận cụ thể, rõ ràng…
Bĩ cực chưa qua, phát phì đã tới
Những giải pháp mà Bộ đưa ra có vẻ rất kiên quyết nhưng rõ ràng không đủ mạnh để kéo cơn bĩ cực về chất lượng này qua. Vì theo ý kiến của nhiều trường đại học lớn thì thực tế, vấn đề mấu chốt cho việc nâng cao chất lượng đào tạo TS hiện nay phải là vấn đề …kinh phí: hơn mười năm qua, mức kinh phí cho đào tạo một tiến sĩ không thay đổi và còn thấp hơn cả mức kinh phí đào tạo một sinh viên đại học.
Với mức kinh phí như vậy thì làm sao các cơ sở đào tạo SĐH đào tạo có chất lượng? ông Nguyễn Hội Nghĩa, trưởng ban đào tạo SĐH (ĐHQGTPHCM) khẳng định: cần tăng lên gấp 6 lần so với định mức kinh phí đang áp dụng hiện nay vì mức tối thiểu để đào tạo một TS là 2.000 USD/ năm, tức khoảng 30 triệu đồng. Có thế mới có thể đảm bảo được chất lượng tương đương các nước.
Nhưng, cũng vẫn theo ý kiến của bà Hà thì mặc dù mức kinh phí đầu tư cho đào tạo TS là 5,5 triệu đồng/ năm ban hành từ năm 1994 đã quá lạc hậu, quá thấp so với yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT chưa thể giải quyết ngay được!
Tính đến năm học 2003-2004, cả nước mới chỉ có khoảng 4.500 TS. Còn không đầy 5 năm nữa cho mục tiêu đào tạo 19 nghìn TS. Rõ ràng, phải dùng tốc độ để “bắn”, cả điều kiện chủ quan và khách quan còn đang quá ngặt nghèo, ngành giáo dục sẽ làm cách nào để đảm bảo chất lượng khi tiếp tục phát phì bậc đào tạo nhân lực cao cấp này ?
Mai Minh