Đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường

(Dân trí) - Dù chất lượng đào tạo nghề đã được cải thiện, song nhìn chung dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Hiện cả nước có 42 triệu người ở độ tuổi lao động nhưng chỉ có 1/4 trong số này được qua đào tạo.

Tính đến năm 2020 khi lao động nông nghiệp chỉ còn 50% thì số lao động qua đào tạo ít nhất phải nâng lên là 70% mới đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Đây là bài toán khó, đặt ra cho  hệ thống giáo dục, đào tạo quốc dân và công tác đào tạo và dạy nghề là hết sức nặng nặng nề và quan trọng.

 

Để nâng cao chất lượng dạy nghề cũng như giảm áp lực thi cử trong xã hội, ý tưởng phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân đã hình thành. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục dạy nghề thì tình hình phần luồng học sinh tốt nghiệp sau THCS và THPT hiện rất đáng lo ngại. Sau THCS có 76% học sinh vào THPT và sau THPT hầu hết đều có nguyện vọng thi vào đại học, cao đẳng. Hiện nay học sinh học xong THCS và THPT phân luồng vào dạy nghề mới chiếm khoảng 8%.

 

Cùng với việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật cao và thay thế lao động chân tay bằng dây chuyền sản xuất hiện đại, các doanh nghiệp không cần sử dụng nhiều công nhân. Yêu cầu của các nhà sử dụng lao động là những công nhân, kỹ sư tay nghề cao, có thể học hỏi nhanh, ứng dụng thành thạo công nghệ kỹ thuật mới.

 

Thế nhưng, theo PST. TS Nguyễn Đức Trí, Viện chiến lược và chương trình phát giáo dục, những năm qua các trường nghề cũng đều cố gắng trong việc đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ ở trình độ bậc 3/7 và thấp hơn (theo hệ thống 7 bậc và tương đương). Tuy vậy, sau khi tốt nghiệp, người công nhân có thể và cần phải nâng cao  trình độ nghề thông qua việc tự bồi dưỡng hoặc được "bổ túc nghề" ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thường là phải sau rất nhiều năm mới đạt được trình độ bậc nghề cao nhất. 

 

Vấn đề đặt ra là liệu loại hình đào tạo, và loại hình cơ sở đào tạo nghề nghiệp nào để các công nhân kỹ thuật đó sau một năm ra làm nghề có thể quay lại học (đào tạo chứ không bồi dưỡng, bổ túc), trong một thời gian đủ để đạt được trình độ cao nhất.

 

Mai Minh