Đào tạo báo chí: Con đường gian truân
Hiện nay, ở Việt Nam có 13.000 nhà báo chuyên nghiệp, song có đến 70% chưa được đào tạo hoặc chưa được đào tạo lại. Trên thực tế, nhiều sinh viên báo chí ra trường rất lúng túng trong nghề. Một số không nhỏ bị đào thải ngay từ đầu hoặc dần dần chuyển nghề vì nhiều lý do.
Từ thi tuyển...
Tuy nghề báo là nghề gian khổ thứ 5 trong 10 nghề của xã hội, nhưng cũng là ngành nghề hấp dẫn thứ 5 trong 10 ngành nghề các thí sinh chọn khi thi vào đại học. Song, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Có nhiều sinh viên thi vào báo chí mà không có một định hướng cụ thể cho nghề nghiệp tương lai mà chỉ vì cái tên ngành khá hấp dẫn. Người thì thi vào như một ngõ khác của đại học (thi hai khối) và không muốn thi lại năm sau nên phải vào báo chí. Đầu vào của ngành báo chí thường là khối C và D.
Mấy năm gần đây, ngành báo chí trở thành "đắt giá" trong số các ngành tuyển sinh khối này. Năm 2003, ngành báo chí của Đại học Huế lấy điểm cao nhất khối C với 17 điểm. Điểm chuẩn vào khoa Báo chí khối D của Phân viện Báo chí Tuyên truyền là 21,5, trong khi ngành khác là 18,5. Với mức điểm 21,5 (khối D) và 18,5 (khối C), ngành báo chí của Trường ĐHKHXH&NV TPHCM bỏ xa các ngành khác cùng khối. Điểm chuẩn đầu vào của ngành báo chí ở Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội là 20, cũng không phải là thấp. Vì vậy, trở thành sinh viên báo chí cũng đáng tự hào lắm chứ.
đến dạy và học...
Ngành học nào cũng cần thực tế và kiến thức cập nhật, nhưng với báo chí, một ngành với đặc thù đào tạo nghề thì điều đó càng quan trọng. Các sinh viên từng thi đầu vào khối D ở Phân viện Báo chí - Tuyên truyền khá lãng phí thời gian với 300 tiết học ngoại ngư, kéo dài một năm rưỡi với trình độ A, B, C của các giáo trình tiếng Anh đã cũ. "Cận cảnh" vào từng môn thì điều mà sinh viên "đói" nhất lại là những kỹ năng làm báo thực tế. Trong nhiều năm liền, môn phóng sự vẫn là các tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng những năm 1930 - 1945, cho tới khi các nhà báo chuyên viết phóng sự tham gia giảng dạy, tình hình trên mới được cải thiện.
Còn các môn khác như nhiếp ảnh hay quay phim? Nhiều sinh viên báo chí ĐHKHXH&NV TPHCM than thở học môn quay phim mà ít được sờ vào máy quay phim. Mỗi khi đi thực tập chỉ chạm vào máy... được 3 lần, mỗi lần không đầy... 5 phút. Để rồi đến khi học môn chương trình truyền hình thì họ không thể hiểu được những vấn đề kỹ thuật quay vì không nắm được thực tế.
Có một thời gian, khoa Báo chí của Phân viện Báo chí - Tuyên truyền có khoảng 30% số môn có giáo trình, nhưng là giáo trình từ đầu năm 1990 được tái bản lại. Còn Trường ĐHKHXH&NV TPHCM không có bộ giáo trình chuẩn cho những môn chuyên ngành - trừ môn tiếng Anh chuyên ngành, mà chủ yếu là những bài giảng của giảng viên và các sách tham khảo báo chí trong Phòng tư liệu.
Ngoài ra, việc xếp lịch học cũng chưa thật hợp lý. Sinh viên báo chí năm 1 - 2 chơi ròng, vì chỉ có 20 môn đại cương với 80 tín chỉ. Nhưng sang năm 3, năm 4 phải vắt chân lên cổ mà chạy, vì phải học và thi tất cả những môn chuyên ngành quan trọng, chưa kể thời kỳ thực tập. Có ngày, lịch học bố trí đến 12 tiết. Sinh viên không còn thời gian nào để nghiên cứu sâu. Một số sinh viên xuất sắc được chọn làm khoá luận thì bù đầu vào khoá luận, nghỉ rất nhiều môn học cuối khoá. Và khoá luận của họ cũng ít được đi vào áp dụng trong thực tiễn.
Song có nhiều thay đổi đáng mừng là gần đây, do đổi mới phương pháp giảng dạy, những buổi học hấp dẫn không thiếu. Các trường báo chí đã mời các nhà báo có tên tuổi tham gia giảng dạy, chứ không chỉ báo cáo kinh nghiệm. Ví dụ như Trường ĐHKHXH và NV TPHCM, sinh viên rất thích thú khi học các môn phóng sự, phỏng vấn, viết tin... do các nhà báo có kinh nghiệm giảng dạy.
và khi ra trường...
Tại một buổi nói chuyện với sinh viên ngành báo chí, ông Nguyễn Văn Dững - Chủ nhiệm khoa Báo chí Phân viện Báo chí - Tuyên truyền Hà Nội cho biết, sinh viên báo chí thuộc hàng top khối C, nhưng khi tốt nghiệp thì... "chỉ có khoảng 20% đáp ứng nhu cầu thực tế của nghề này, bởi nhiều em không có nghị lực, thiếu ý chí trong học tập, thậm chí còn lười".
Số 20% dùng được đó vốn là những sinh viên khá. Họ đã có thời gian "sống nháp" với nghề, đeo bám, tập sự không ăn lương các toà soạn báo với vai trò cộng tác viên. Cách thức tuyển phóng viên của nhiều toà soạn báo là chọn từ đội ngũ cộng tác viên đã trải qua thời gian cộng tác với báo và có những sản phẩm khẳng định được khả năng có thể làm nghề. Điều này cho thấy một thực tế hiển nhiên của đào tạo đại học nói chung, : Phải "đào tạo lại" mới dùng được! Còn các lớp đại học báo chí tại chức thì còn nhiều vất vả hơn, vì thiếu giảng viên nên nhiều nơi kéo dài chương trình học và bố trí lịch học khi dày khi mỏng, rất thất thường. Tất nhiên, chất lượng đào tạo cũng vì thế mà bị ảnh hưởng ít nhiều.
Theo một thông tin thì 70% số người làm báo hiện nay chưa qua bất cứ "lò" đào tạo báo chí nào (trong đó có khá nhiều... tổng biên tập các báo). Một số lượng lớn cử nhân báo chí sau khi ra trường lại chuyển sang ngành nghề khác. Các nhà đào tạo cứ đào tạo, các nhà tuyển dụng phóng viên cứ tuyển dụng theo cách của mình. Có những tờ báo thiết thực hơn, tuyển tay nghề là chính chứ không cần bằng cấp. Một số toà soạn báo tuyển dụng theo hình thức chọn phóng viên cho từng ban, nên sinh viên báo chí thiếu hẳn lợi thế cạnh tranh so với sinh viên các trường chuyên ngành kinh tế, ngoại ngữ... Hằng năm, nhu cầu tuyển dụng của các báo không tăng bao nhiêu, trong lúc cả nước mỗi năm lại có khoảng 300-400 sinh viên báo chí chính quy ra trường. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên ra trường tập trung bám trụ ở các thành phố lớn, chứ không về tỉnh nên chỗ thừa cứ thừa, chỗ thiếu cứ thiếu.
Huỳnh Dũng Nhân
Lao Động