Danh xưng "thầy, cô" ảo khiến giá trị người thầy bị hiểu lệch lạc

Lê Phương

(Dân trí) - Hàng loạt hiện tượng mạng xã hội tự phong là "thầy, cô" thu hút hàng triệu người theo dõi trong đó phần đông là giới trẻ nhưng đáng quan ngại là họ khiến giá trị về người thầy đang bị hiểu lệch lạc.

Đó là một trong những nội dung được các chuyên gia giáo dục bàn luận tại tọa đàm trực tuyến: "Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số" diễn ra chiều ngày 3/11.

Danh xưng thầy, cô ảo khiến giá trị người thầy bị hiểu lệch lạc - 1

Tọa đàm trực tuyến Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số do trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức thu hút gần 100 người tham dự (ảnh: L.Phương)

TS Nguyễn Thị Quốc Minh, giảng viên trường ĐH Khoa học xã học và nhân văn TPHCM cho rằng hiện nay có nhiều người tự phong là "thầy, cô" nổi tiếng trên mạng xã hội và có tầm ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên như thầy giáo Ba, cô giáo Minh Thu vật lý, thầy Lộc phụ hồ, thầy Huấn… thu hút hàng triệu lượt theo dõi.

Những người này tự xưng là thầy, cô và gọi mọi người là trò, em, như "thầy giáo Ba" là một game thủ truyền dạy việc chơi game còn "thầy Lộc phụ hồ" thì có sẵn luôn giáo án dạy, thậm chí tổ chức thi tay nghề cấp bằng phụ hồ.

"Nghe thì tưởng là câu chuyện hài nhưng lại không hài chút nào bởi nhiều bạn trẻ theo dõi những nhân vật này và ngộ nhận không cần học nhiều vẫn có thể nổi tiếng, kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Điều này hết sức nguy hại bởi nhiều em theo dõi chỉ là học sinh cấp 2, cấp 3 suy nghĩ còn non nớt, thích học theo người nổi tiếng và đang trong giai đoạn định hình tính cách, nhân cách", cô Minh chia sẻ.

Danh xưng thầy, cô ảo khiến giá trị người thầy bị hiểu lệch lạc - 2

TS Nguyễn Thị Quốc Minh phát biểu về thực trạng tự phong "thầy, cô" trên mạng xã hội (ảnh: L.Phương)

Nữ tiến sĩ cho rằng những hiện tượng trên thế giới ảo này khiến giá trị về người thầy đang bị lệch lạc rất nhiều, để lại những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm, khiến nhiều học sinh, sinh viên ngộ nhận về hệ giá trị trong cuộc sống thực. Do đó, cô đề xuất phải có chế tài đối với những trường hợp tương tự và nên chăng xây dựng chuẩn giá trị để giới trẻ, học sinh, sinh viên noi theo.

Trước việc xã hội dễ bị tác động bởi những danh xưng "thầy, cô" trên mạng, ThS. Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú bày tỏ quan điểm rằng rõ ràng người thầy đã có giá trị trong lòng học sinh thì tại sao không giữ được mà để những người như "thầy Huấn", "thầy giáo Ba", "Lộc phụ hồ" chiếm ngự trong trí thức của học sinh.

Danh xưng thầy, cô ảo khiến giá trị người thầy bị hiểu lệch lạc - 3

ThS. Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú phát biểu (ảnh: L. Phương)

"Chúng ta hãy đặt mình để tìm hiểu vì sao người học không phân biệt được đâu là điều tích cực, điều tiêu cực. Liệu đó có phải do quá trình giáo dục của chúng ta hay những tác động của yếu tố bên ngoài khác. Tại sao giáo viên chúng ta không tạo ra những giá trị kéo học sinh về phía mình bằng cách "tạo trend" trong dạy học để học sinh bắt trend, đưa thầy và trò gần nhau hơn, tìm ra tiếng nói chung giữa thầy và trò", ông Khiêm đề xuất.

TS Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư Phạm TPHCM cũng cùng quan điểm mỗi giáo viên phải hành động để kéo học sinh về phía mình từ các hiện tượng mạng bởi văn hóa của người học đến từ chính văn hóa của người dạy.

"Trong môi trường lớp học trực tuyến, giáo viên cần phải kiến tạo được môi trường ảo bằng sự hiện diện, tăng cường tương tác với học sinh để học sinh luôn thấy thầy cô ở bên. Chúng ta là người giáo viên thì làm sao để "thắng" anh phụ hồ hay những "đại ca" mạng thay vì để học trò của mình chạy theo họ một cách cuồng nhiệt như vậy", bà Yến nhấn mạnh.

Tọa đàm Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số do trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức thu hút sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục, chuyên gia giáo dục đến từ các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại tọa đàm GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định đã đến lúc cần phải xem văn hóa học đường là trách nhiệm. "Khi bối cảnh mới với dạy học trực tuyến, học liệu số và sự phát triển của giáo dục mở, giáo dục trực tuyến, nếu không cẩn trọng sẽ khó có thể vẽ nên một chân dung văn hóa học đường vì học sinh.

Trách nhiệm của chúng ta cần phải đánh giá, hành động và thực hiện bằng trách nhiệm của mình bởi tất cả tình yêu thương, nhân văn của chúng ta với học sinh là chuẩn bị cho các em môi trường sống, trải nghiệm, tiếp cận tốt nhất", ông Sơn nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm