“Danh phận” càng cao, giảng dạy… càng nhiều
(Dân trí) - Ở nước mình, có những GS, PGS không có nổi cái bàn làm việc riêng. Thế nhưng, họ lại phải “gánh” trên lưng hàng trăm sinh viên và kiêm thêm việc giảng dạy các bậc học khác. Và do đứng lớp nhiều, họ đành phải “lách” quy định tham gia nghiên cứu khoa học.
Giáo sư thua anh… phó phòng
ĐH Huế vừa quyết định cấp 360 triệu đồng cho 24/86 GS, PGS chưa có phòng làm việc riêng mua bàn làm việc, máy tính và các vật dụng khác. Điều này cũng cho thấy GS, PGS nhiều nơi vẫn chưa được tạo điều kiện làm việc ngang tầm…
Theo PGS-TS-NGND Phan Hòa, Chủ tịch Công đoàn ĐH Huế, giảng viên khoa Cơ khí Trường ĐH Nông lâm Huế, việc cấp các phương tiện làm việc cho GS, PGS nhằm hỗ trợ những người này có điều kiện làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại ĐH Huế chỉ mới hỗ trợ phương tiện làm việc, còn phòng làm việc riêng cho GS, PGS thì giao cho lãnh đạo mỗi trường cân đối bố trí.
“Ở nước mình, những anh trưởng phòng, phó phòng thì có phòng làm việc riêng, trong khi GS, PGS lại không có nổi cái bàn làm việc riêng chứ chưa nói đến phòng”, NGND Phan Hòa nói.
Tuy nhiên, trên thực tế số GS, PGS không có phòng làm việc riêng chỉ là con số ít, bởi hầu hết những người đạt được chức danh này thường được bố trí làm công tác quản lý. Song, chính điều này cũng làm nảy sinh ra một nghịch lý: những GS, PGS có phòng làm việc riêng kiêm công tác quản lý không có thời gian tập trung cho chuyên môn học thuật, nghiên cứu khoa học hàng năm. Số GS, PGS không có phòng làm việc riêng tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn, nhưng điều kiện làm việc lại gặp nhiều hạn chế.
Theo thông tin từ GS-TS Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nộ)i, trường hiện có 40 GS và 120 PGS, trong đó có khoảng 70% người có phòng làm việc riêng và số này cũng kiêm công tác quản lý là chính. Trường cũng có cơ chế xây dựng phòng làm việc riêng cho số GS, PGS không làm công tác quản lý nhưng do cơ sở vật chất còn hạn hẹp, kinh phí ít ỏi nên chưa thể bố trí hết. Ngoài phòng làm việc thì hiện nay các GS, PGS chưa có thêm cơ chế đãi ngộ gì đáng kể.
PGS-TS Lê Văn Anh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế thì cho biết, đến tháng 8/2008 này trường mới áp dụng được chính sách tạo điều kiện phòng làm việc riêng cho GS, PGS không làm công tác quản lý của trường vì mới có… cơ chế của ĐH Huế thông qua. Ngoài phòng làm việc riêng, các GS, PGS còn nhận được thêm hỗ trợ… 50.000 đồng tiền điện thoại di động hàng tháng, bởi vì kinh phí của trường vẫn eo hẹp.
Chưa cân đối công việc cho GS, PGS
Theo khảo sát của chúng tôi, ngày càng nhiều trường đại học có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ GS, PGS. Nhiều tỉnh, thành phố trong chiến lược phát triển cũng đã áp dụng chính sách đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao này, song đối với bản thân các trường đại học thì chỉ mới là những khởi động bước đầu. “Dù khoản đãi ngộ này không nhiều, nhưng chí ít nó cũng giúp đội ngũ GS, PGS an tâm hơn trong công tác. Và cũng là mục tiêu để lớp trẻ tiếp tục phấn đấu có vị trí xứng đáng trong môi trường làm việc”, PGS-TS Lê Văn Anh nói.
Tuy nhiên, có một điều là bên cạnh việc quan tâm tạo điều kiện làm việc cho đội ngũ GS, PGS thì ngược lại việc khai thác “chất xám” từ đội ngũ này vẫn đang bị bỏ ngỏ. “GS, PGS hàng năm không được giao nhiệm vụ, công việc cụ thể phải làm, lãnh đạo trường cũng không kiểm tra, đánh giá sát sao. Sau khi giảng dạy đủ số tiết được giao, mặc nhiên ai muốn làm gì thì làm” - GS Đỗ Trần Cát, Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho hay.
Đi tìm nguyên nhân của vấn đề trên, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. “Danh phận” càng cao càng phải dạy nhiều, đó là lời tâm sự rất thật lòng của GS Vũ Duy Giảng, nguyên giảng viên ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội.
GS Giảng cho biết, nhiều giảng viên không muốn giảng dạy nhiều cũng không được vì giảng viên của chuyên ngành ít, sinh viên học thì đông, lại có quá nhiều hệ đào tạo được nhà trường mở ra hằng năm… “Giảng dạy không chỉ là yêu cầu mà được hiểu ngầm là nghĩa vụ; lãnh đạo trường đánh giá khoa mạnh, bộ môn mạnh trên cơ sở đảm nhiệm được hết số tiết giảng dạy sinh viên các lớp. Mỗi người thầy phải gồng gánh trên lưng hàng trăm sinh viên chứ không phải như tỷ lệ 1/15 hay 1/30 mà báo chí đã nêu”, ông nói.
Được biết, theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, mỗi giảng viên hàm GS, PGS chỉ phải đứng lớp trung bình 270-290 tiết/năm. Đó là quy định, còn thực tế không có giảng viên nào không phải gánh thêm ngần ấy số tiết “vượt giờ” để đáp ứng nhu cầu học của sinh viên các loại hình đào tạo: chính quy, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa… Các giáo viên trẻ mới ra trường thường chỉ tham gia đào tạo hệ cử cử nhân thì các GS, PGS còn phải kiêm thêm cả hệ cao học. Thậm chí có trường còn gánh thêm bậc phổ thông, trung cấp rồi bắt GS, PGS đứng lớp.
GS Vũ Duy Giảng “tiết lộ” thêm, quy định của Bộ GD-ĐT buộc giảng viên phải tham gia nghiên cứu khoa học hằng năm. Tuy nhiên, do phải đứng lớp nhiều nên hầu hết lãnh đạo các trường đều phải “nương tay” đối với quy định tham gia nghiên cứu khoa học, và xem nó là một tiêu chí khuyến khích chứ không phải là yêu cầu bắt buộc.
“Là giảng viên trẻ chúng tôi luôn được lãnh đạo buộc phải đi học, nghiên cứu khoa học, đọc thêm sách vở tài liệu. Nhưng những người có thâm niên công tác dường như được “nới” hơn trong kiểm tra, đánh giá, bởi mình thấy có nhiều người học hàm, học vì cao trong trường chỉ mỗi việc dạy đủ số tiết trong trường rồi dành hết thời gian cho luyện thi, dạy từ xa” - bạn M.A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi.
Nghịch lý của giáo dục đại học nước ta cũng chính là đây, khi mà lúc còn trẻ, chưa có bằng cấp, học hàm, học vị đáng kể thì phải lao vào học tập đủ thứ, nhưng khi đã “thành tài” thì việc sử dụng và khai thác thành quả đào tạo chưa tương ứng như sự mong đợi của xã hội.
Sông Lam