Nghệ An:

Đáng khen 3 học sinh nhặt được 30 triệu đồng trả lại người đánh mất

(Dân trí) - Trên đường đi học, nhặt được một bọc tiền lớn, 3 em học sinh ở huyện Đô Lương, Nghệ An đã cầm đến trường, sau đó trả lại người đánh mất. Hành động của các em được nhà trường tuyên dương ngay sau đó.

Đó là hành động đầy ý nghĩa của 3 em học sinh gồm: Hồ Sỹ Tiến, lớp 12A1; Nguyễn Công Lương, lớp 12C8 (Trường THPT Đô Lương 3) và Lê Đăng Mạnh, lớp 12C Trường THPT Duy Tân. Ba em đã nhặt được 30 triệu đồng vào sáng sớm ngày 4/10/2012 tại địa bàn xóm 2, xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương). Sau khi nhặt được, do muộn giờ học nên các em đã mang toàn bộ số tiền đến trường và nhờ nhà trường thông báo trả lại cho người bị mất.

Nhận được thông tin, anh Nguyễn Văn Phượng - người bị mất tiền đã đến Trường THPT Đô Lương 3 để làm thủ tục nhận lại số tiền. Sau khi nghe anh Phượng trình bày số tiền và mệnh giá các tờ tiền đúng với số lượng tiền 3 em nhặt được nên nhà trường đã bàn giao cho anh Phượng. Nhận lại số tiền, anh Phượng muốn đưa các em 500.000 đồng để cảm ơn, song các em kiên quyết không nhận.

Em Nguyễn Công Lương (phải) và Hồ Sỹ Tiến (trái).
Em Nguyễn Công Lương (phải) và Hồ Sỹ Tiến (trái).

Em Tiến và Lương chia sẻ: “Khi nhặt được tiền, chúng em không biết đó là của ai. Vào giờ trên, do đã gần chậm giờ vào học tiết đầu tiên (nhà các em cách trường hơn 3km) nên đã mang số tiền trên đến trường và bàn giao cho nhà trường trả lại người đánh mất. Chúng em có cùng suy nghĩ sẽ tìm cách trả lại số tiền trên bằng được, dù có thế nào đi chăng nữa. Đó là tiền mồ hôi, nước mắt của họ, phải tích góp mới có được, biết đâu là cả một tài sản của cả gia đình họ. Chắc khi mất đi, họ xót lòng lắm...”.

Nhận được số tiền bị đánh mất, anh Nguyễn Văn Phượng mừng lắm, mừng mà rơi nước mắt: “Sáng hôm đó, tôi gom tiền vay mượn bạn bè để đi mua con trâu. Đi giữa đường thì đánh rơi, qua một quãng khá xa mới biết mình bị mất. Lúc đó, tôi chẳng nhớ chi nữa cả, hoảng loạn và nghĩ thế là hết rồi, không một chút hi vọng. Sau đó, tôi nhận được tin có học sinh nhặt được tiền nên đã đến trường tìm xem có phải không. Lúc đó chỉ nghĩ “còn nước còn tát”, hi vọng có học sinh nào đó nhặt được trả lại cho mình phần nào hay phần đó. Thật phúc đức cho gia đình tôi, các em đã không ngần ngại trả lại toàn bộ số tiền trên. Tôi thật sự cảm ơn các em, gia đình, nhà trường đã nuôi dạy các em trở thành con ngoan, trò giỏi, là người thật thà, tốt bụng...”.

Sinh ra trong một gia đình bố là bộ đội, mẹ làm nông nghiệp, từ nhỏ, Hồ Sỹ Tiến đã rất chăm học, chăm làm. Suốt những năm học Trường Tiểu học Thượng Sơn, Tiến là học sinh giỏi trường, học sinh giỏi huyện; lên THCS, Tiến luôn nằm trong tốp đầu của trường về điểm số, và hiện nay, Tiến là thành viên đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh hai môn Vật Lý và Tin học. Không chỉ học giỏi, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè mà Tiến còn được yêu mến bởi sự hiền lành, lòng trung thực. Từ những năm còn học Tiểu học, câu chuyện về lòng thật thà, đức tính trung thực trong sách đạo đức đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí cậu bé.

Bài học đó trở thành những hành động, việc làm hàng ngày của em. Ở nhà, mẹ mở quán tạp hóa, ngoài giờ học, Tiến trông hàng thay mẹ, thi thoảng khách trả thừa tiền, lúc vài ngàn, có khi cả trăm ngàn, Tiến đều trả lại cho khách. Ở lớp, nhặt được cái bút, hay một vài ngàn đồng của các bạn đánh rơi, Tiến đều báo lại cho giáo viên chủ nhiệm để trả lại cho các bạn.

“Bố cháu là bộ đội thường xuyên xa nhà, cháu Tiến nhà tôi con út nhưng nó ngoan lắm, chăm học lắm. Cháu thật thà, trung thực, tự giác trong mọi việc làm, hành động. Tôi rất vui khi biết con mình trả tiền lại cho người đánh mất, đó là việc tốt. Nghe tin, bố cháu cũng gọi điện về khen con, động viên con cố gắng làm nhiều việc tốt hơn nữa...”, chị Nguyễn Thị Lan - mẹ Tiến chia sẻ.

Với Nguyễn Công Lương, em sinh ra trong gia đình thuần nông, mọi chi phí trong nhà đều trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, cuộc sống khá chật vật. Vậy nhưng khi nhặt được số tiền lớn, Lương thống nhất với các bạn sẽ tìm người đánh mất để trả lại. Biết chuyện, không ít người tỏ ra nghi ngại lòng tốt của các em, có người bảo các em là dại, ở đời này ai lại làm thế, có của mà không biết dùng…

Lương tâm sự: “Ba mươi triệu hay ba trăm triệu đồng thì đó cũng không phải là tiền mình, không phải do mình làm ra nên trả lại cho chủ nhân của nó thì đó là việc đương nhiên. Chú Phượng là người trong xã, gia cảnh lại khó khăn mà dù của ai đi chăng nữa, số tiền đó là tài sản lớn, là vốn làm ăn của cả nhà cho nên mình càng phải trả lại cho người bị mất”.

Khi biết chuyện con mình nhặt được số tiền lớn đem trả lại cho người đánh mất, bố mẹ Lương rất tự hào về cậu con trai của mình. “Nuôi con, dạy con, chỉ mong chúng lớn lên trở thành người tốt, từ nhỏ gia đình luôn chú ý việc rèn luyện, uốn nắn con về đức tính trung thực. Làm cha mẹ, tôi tự hào vì sự trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và lòng trung thực của con, thế cũng bõ công nuôi dạy”, anh Nguyễn Công Nam - bố Lương chia sẻ.

Hai em Nguyễn Công Lương và Hồ Sỹ Tiến cùng thầy, cô giáo của mình tại trường THPT Đô Lương 3.
Hai em Nguyễn Công Lương và Hồ Sỹ Tiến cùng thầy, cô giáo của mình tại trường THPT Đô Lương 3.

Nói về hành động đẹp của các em, cô Trương Thị Minh - phó hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 3 chia sẻ cùng PV Dân trí vào chiều tối ngày 22/10: “Hành động của các em thật tuyệt vời. Ngay sau đó, nhà trường đã tuyên dương các em trước toàn trường để các em khác noi theo. Với em Tiến, em Lương đều là những học sinh ngoan của trường, luôn được thầy cô bạn bè yêu mến. Riêng em Tiến là một trong số các học sinh giỏi của trường và đang chuẩn bị thi học sinh giỏi tỉnh môn Hóa, còn em Lương cũng là một học tiên tiến. Trường chúng tôi thật tự hào vì hành động của các em”.
 

Sáng ngày 16/10/2012, tại Trường THPT Đô Lương 3, huyện đoàn Đô Lương đã tổ chức trao thưởng cho 3 em học sinh nhặt được 30 triệu đồng trả lại cho người đánh mất.

Tại buổi tôn vinh, Ban giám hiệu Trường THPT Đô Lương 3 cũng cho biết, 3 năm học gần đây, đã có gần 20 lượt em học sinh của nhà trường nhặt được của rơi, bao gồm: Đồ vật, tiền của bạn bè, giáo viên và người dân sau khi nhặt được các em đã mang lên Đoàn trường nhờ trả lại cho người bị mất. Những tấm gương đó đều được nhà trường ghi nhận, biểu dương trước toàn trường.

 
Nguyễn Duy