Đam mê nghề của cô giáo khiếm thị

Chứng bệnh basedow quái ác đã cướp đi ánh sáng trong đôi mắt chị. Một lần tình cờ chị mở chiếc đài mà ba chị tặng, nghe được thông tin Hội Người mù Thừa Thiên - Huế tuyển giáo viên dạy học sinh khiếm thị. Thông tin đó như ngọn lửa thổi lên niềm hy vọng...

“Ngã rẽ cuộc đời tui bắt đầu từ cái đài mà ba tặng khi tui bị mù cả hai mắt”, người phụ nữ ấy đã tâm sự như vậy về cuộc đời mình. Đã 13 năm từ ngày chị rời Hòa Bình vào Huế. Chừng đó thời gian vẫn không làm nguôi ngoai tình cảm khắc sâu trong trái tim chị, từng dòng suối, ngọn đồi, bản làng người Mường và nỗi nhớ mẹ già cứ ùa về. Nhưng, trên tất cả những nỗi nhớ đó là niềm đam mê nghề cùng tình thương yêu những con người nơi đất khách đã níu chân chị.
 
Chị là Bùi Thị Xím, người dân tộc Mường ở xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đang công tác tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Đam mê nghề của cô giáo khiếm thị
Cô Bùi Thị Xím đang dạy chữ Braille cho các em trong Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tài năng nở muộn

Từ khi vào Huế, mọi người trong Trung tâm gọi chị bằng cái tên thân mật là cô Mai. Biết chị từ xa đến, lạ nước lạ cái, lại thân cô thế cô nên mọi người dành cho chị phần quan tâm đặc biệt. Hội tạo điều kiện để chị nhanh chóng làm quen công việc, hòa đồng với môi trường mới, chung tay giúp chị mổ mắt, điều trị bệnh bướu cổ. Thời gian sau, Hội cử chị đi học 9 tháng ở Hà Nội về kỹ năng dạy chữ Braille…

Tại đây, chị Xím tình cờ bén duyên với môn bơi lội. Qua những lần tổ chức đi chơi biển, mọi người trong Trung tâm phát hiện tài năng đặc biệt của chị. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội người mù Thừa Thiên - Huế chia sẻ, không ai ngờ người phụ nữ gốc gác núi rừng lại có khả năng bẩm sinh về bơi lội như vậy. Hóa ra hồi nhỏ do nhà gần sông, chị Xím thường được các anh cho đi theo tập bơi. Lên 5 tuổi chị đã bơi sành sỏi.

Trung tâm quyết định cử chị đi tập luyện. “Hai HCV ở cự li 50m và 100m bơi tự do trong Đại hội thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 2, được tổ chức tại Huế năm 2002 là thành quả đầu tiên chứng minh cho những nỗ lực của Xím”, ông Lộc kể.

Đến nay, bảng thành tích bơi lội của chị đã lên đến con số 26 huy chương các loại. Paragame 6 tổ chức tại Indonesia chị đoạt 1 HCV và 1 HCB ở cự li 100m và 50m tự do. Chủ tịch nước đã tặng chị Huân chương Lao động hạng ba về thành tích xuất sắc. Ngoài ra, chị còn nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

Lửa nhiệt huyết

Chị Xím là con thứ hai trong gia đình có ba anh chị em, được cha mẹ cho ăn học tử tế. Tốt nghiệp PTTH, chị theo học Trường cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Nhưng số phận không mỉm cười với chị. Sau lần kết thúc kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa học, chị về thăm nhà. Nhưng lần về thăm đó là lần cuối cùng chị được nhìn thấy ngôi nhà và những người thân yêu của mình. Chứng bệnh basedow quái ác đã cướp đi ánh sáng trong đôi mắt chị.

Lửa nhiệt huyết, hoài bão của người phụ nữ trẻ gần lụi tắt. Một lần tình cờ chị mở chiếc đài mà ba chị tặng, nghe được thông tin Hội Người mù Thừa Thiên - Huế tuyển giáo viên dạy học sinh khiếm thị. Thông tin đó như ngọn lửa thổi lên niềm hy vọng. Chị mạnh dạn viết liên tục hai lá thư cho Hội, nguyện vọng rời quê vào đây đi dạy.

Cha mẹ không muốn đứa con gái thiệt thòi lại một lần nữa sống một thân một mình ở nơi chưa hề đặt chân đến. Nhưng rồi sự mạnh mẽ, sống chết với quyết tâm không không chịu làm người tàn phế của con khiến bố mẹ chị phải xuôi lòng.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, giờ chị đã 39 tuổi. Sự trẻ trung, năng động hồi nào giờ được thay bằng nghị lực thép, sự trải nghiệm theo thời gian. Nói là vậy nhưng nỗi lòng người phụ nữ ai hiểu thấu được. Lúc mọi người sum họp, quây quần vui vẻ nhất cũng chính là lúc trong lòng chị mang nỗi buồn hiu quạnh, lạnh lẽo. Nước mắt cô đơn cứ thế tuôn dài theo nỗi nhớ cố hương. Mỗi dịp Tết về, chị cứ mong cho nó nhanh trôi qua để chị được đi làm, gặp lại mọi người trong đại gia đình, được nghe tiếng nói đùa của những đứa học trò. “Cứ mỗi lần nhụt chí tôi lại nghĩ về sự giúp đỡ, chăm sóc tận tình của đồng nghiệp khi bị đau ốm mà tự dặn lòng là còn có rất nhiều người cần mình. Cuộc sống cần nhất là tình thương mà”, chị nói.

Ban ngày, một mình đảm nhiệm công việc dạy chữ nổi cho các học sinh khiếm thị trong Trung tâm. Chị còn là cô giáo năng động xóa mù chữ cho người khiếm thị ở một số huyện trong tỉnh. Nhưng khi mà đêm buông xuống, chị về với căn nhà khoảng 40m2 tại tổ 8, khu vực 2, phường Thủy Xuân (TP Huế), sống lặng lẽ một mình với bao hoài niệm, mơ ước dở dang. “Khi tới Huế, tôi thấy sự gắn chặt của mình như một cơ duyên từ trước”, chị nói.
 
Theo Đào Trang
Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm