Đảm bảo chất lượng giáo dục cần trở thành tập quán văn hóa!
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của TS. Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD), Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) trước những thách thức và chiến lược nâng tầm chất lượng trong hệ thống giáo dục NHG.
Việc thành lập Ban và Hội đồng ĐBCLGD nằm trong nỗ lực xây dựng hệ thống ĐBCLGD tại NHG và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của những nhà đầu tư trong việc thực hiện tầm nhìn của mình.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Thị Phương Anh, đảm bảo chất lượng giáo dục tại NHG là một việc làm đầy thách thức vì NHG là một hệ thống đa dạng, phức tạp, đang phát triển rất nhiều, có nhiều loại hình trường khác nhau trải dài từ mầm non đến tiến sĩ, nhắm vào các phân khúc khác nhau trong thị trường giáo dục (phân khúc trung bình, phân khúc cao và phân khúc đẳng cấp quốc tế).
Vì mục tiêu giáo dục
Do đó, TS. Phương Anh cho biết: “Không thể có một quy định, quy trình hoặc biểu mẫu chung cho tất cả các trường mà đòi hỏi phải có sự hiểu rõ đặc điểm của từng trường kèm một cơ chế linh hoạt. ĐBCL ở các cấp học khác nhau đều theo cùng một nguyên tắc và quy trình - liên quan đến điều hành và quản lý nhà trường. Trong đó, sự khác biệt trong các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chủ yếu do sự khác biệt về mục tiêu giáo dục ở các cấp khác nhau”.
Cụ thể, ở mầm non và tiểu học, mục tiêu giáo dục chú trọng phát triển thể lực và tâm sinh lý học sinh để các em lớn lên hạnh phúc và phát triển toàn diện về Tâm - Thể - Mỹ. Vì vậy, ĐBCL sẽ chú trọng điều kiện cơ sở vật chất, ánh sáng, cây xanh, an toàn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe...
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục cần phải có nhiều hoạt động để trẻ em được phát triển toàn diện trong và ngoài lớp học. “Học sinh được vận động, vui chơi, ca hát, vẽ, kể chuyện, chăm sóc cây xanh... chứ không thể chấp nhận trẻ em tiểu học đi học mà mang cặp rất nặng và bài tập rất nhiều đến độ gù lưng, cận thị...”, TS. Phương Anh cho biết.
Trong khi đó, ở trung học, nội dung của chương trình giáo dục ngày càng thiên về việc phát triển trí tuệ và kỹ năng. ĐBCL đại học thì nặng về đào tạo nghề nghiệp hơn. Vì thế các tiêu chuẩn liên quan đến chương trình đào tạo sẽ rất khác nhau.
“Đảm bảo chất lượng giáo dục trước hết cần xuất phát từ ý thức của lãnh đạo nhà trường và trở thành một tập quán văn hóa của mọi người trong trường để luôn luôn làm tốt từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nếu có được điều này thì dù trong điều kiện nào mọi người cũng sẽ tạo ra chất lượng giáo dục cao nhất”, TS. Phương Anh khẳng định.
Kinh nghiệm quốc tế
Việc đạt kiểm định theo một bộ tiêu chuẩn chất lượng phù hợp bởi một tổ chức có uy tín là kết quả và bằng chứng của quá trình ĐBCL của trường. TS nói: “Ở một số nước tiên tiến Âu - Mỹ, việc không được kiểm định bởi một tổ chức uy tín hầu như đồng nghĩa với việc phải đóng cửa nhà trường vì rất khó thu hút được người học”.
Mặt khác, đối với các cơ sở giáo dục tư nhân, việc đạt kiểm định còn là sự thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với "khách hàng" và các bên liên quan khác là gia đình, nhà tuyển dụng lao động sử dụng người tốt nghiệp, và toàn xã hội.
“Cần nhớ rằng chính khách hàng mới là người đánh giá chất lượng của dịch vụ giáo dục chính xác nhất, chứ không phải là những báo cáo hoặc những giấy chứng nhận đầy ấn tượng nhưng mang tính phô trương, đối phó và không thực chất”, TS. Phương Anh chia sẻ.
Tại hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng, trường là chủ thể tạo ra chất lượng và tập đoàn đóng vai trò xác định chủ trương, phương hướng, cung cấp đầy đủ nguồn lực và điều kiện cho nhà trường, đồng thời giám sát, hỗ trợ, huấn luyện và đánh giá hiệu quả của công tác ĐBCLGD tại trường.
“Tôi cho rằng hệ thống ĐBCLGD vừa được thiết lập tại NHG thể hiện một tầm nhìn xa, một quan điểm tiên tiến về vai trò của công tác ĐBCL, và chắc chắn sẽ có tác dụng tốt đối với toàn hệ thống”, TS. Phương Anh nhận định.
TS. Vũ Thị Phương Anh được xem là một chuyên gia đầu ngành tham gia vào công tác ĐBLGD tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Bà là Tiến sĩ Đo lường và Đánh giá giáo dục tại ĐH La Trobe, Úc (1998), bắt đầu giảng dạy từ năm 1983 và có nhiều năm giữ vị trí quản lý trong các trường đại học.
Bà từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc ĐHQG TP.HCM và hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành Phân hội Giảng dạy tiếng Anh Việt Nam (Viet Tesol Association, VTA).
Ngọc Tuyền thực hiện