ĐBSCL:

Đảm bảo an toàn cho học sinh vùng lũ đến trường

(Dân trí) - Năm nay, nước lũ ở ĐBSCL về sớm và được ngành chức năng dự báo cao hơn mọi năm. Trước tình hình này, ngành GD&ĐT các địa phương vùng đầu nguồn đẩy mạnh công tác vận động học sinh ra lớp và có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường khi nước lũ dâng cao.

Từ đầu tháng 7 đến nay, miền Tây liên tục hứng chịu nhiều cơn mưa lớn kéo dài và cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về khiến lũ lên nhanh ở ĐBSCL. Mực nước lũ lên cao nên nhiều nông dân trồng lúa ở vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An phải thu hoạch lúa non; nhiều hộ phải ngâm mình thu hoạch lúa trong nước lũ.

Trong lúc người dân tất bật thu hoạch hoa màu, lúa chạy lũ, ngành GD&ĐT cùng chính quyền địa phương cũng ra sức chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó, song song với công tác vận động học sinh ra lớp thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.

Tại tỉnh Đồng Tháp, thầy Đoàn Văn Trí - Phó Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự nước đang dâng lên và theo dự báo của ngành chức năng lũ có diễn biến phức tạp và có thể lên cao hơn mọi năm. Trước tình hình nước lũ như hiện nay, Phòng Giáo dục tham mưu cho Ủy ban tập trung nguồn lực để huy động học sinh ra lớp đạt kế hoạch. Đảm bảo các điều kiện để thầy trò tựu trường vào ngày 21/8 tới”.

Mực nước lũ ở miền Tây đang lên nhanh và được các ngành chức năng dự báo sẽ cao hơn mọi năm. Do vậy, chính quyền địa phường, ngành giáo dục tập trung lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường
Mực nước lũ ở miền Tây đang lên nhanh và được các ngành chức năng dự báo sẽ cao hơn mọi năm. Do vậy, chính quyền địa phường, ngành giáo dục tập trung lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

Huyện Hồng Ngự còn 3 điểm trường (Giồng Bàng, Giồng Duối và Nam Hang) nếu nước lũ lên cao sẽ bị chia cắt. Khi đó, thầy cô giáo đến trường bằng vỏ lãi (xuồng máy) do huyện hỗ trợ. Trên đường đến trường thầy cô giáo sẽ rước luôn học trò; khi các em học xong sẽ đưa các em về nhà.

Thầy Lê Văn Minh - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tân Hồng cho biết: Mấy năm qua nhờ sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng trường lớp. Nhờ đó, trên địa bàn huyện Tân Hồng đã kiên cố hóa trường lớp, không còn cảnh phòng học tạm bợ. Trong năm học năm nay, trước dự báo mức nước lũ sẽ cao nên Phòng giáo dục đã tham mưu cho Ủy ban, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho học sinh an toàn đến trường.

Còn tại huyện An Phú (An Giang) - cũng là huyện đầu nguồn đón con nước lũ đầu tiên tràn về vùng ĐBSCL. Năm nay do lũ bất ngờ về sớm hơn gần một tháng nên bà con trồng lúa ở một số xã của huyện trở tay không kịp, hàng ngàn ha lúa bị nước nhấn chìm, bà con trầm mình gặt lúa…

Một trong những công tác mà các địa phương đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường là tăng cường công tác kiểm tra các bến đò ngang, dọc, nhắc nhở chủ phương tiện mặc áo phao, chở đúng tải... để đảm bào an toàn cho khách trên đò, nhất là đối tượng học sinh
Một trong những công tác mà các địa phương đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường là tăng cường công tác kiểm tra các bến đò ngang, dọc, nhắc nhở chủ phương tiện mặc áo phao, chở đúng tải... để đảm bào an toàn cho khách trên đò, nhất là đối tượng học sinh

Riêng về công tác chuẩn bị năm học mới, thầy Thái Kim Khải - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Phú, cho biết: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở địa phương đã hoàn tất. Cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa đảm bảo thầy trò tựu trường thuận lợi. Ngày tựu trường cấp TH và THCS là 21/8, riêng mầm non là ngày 28/8”.

Về công tác huy động học sinh ra lớp, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Lãnh đạo huyện cùng ngành Giáo dục tập trung nhiều giải pháp nhằm đảm bảo huy động tất cả các em trong độ tuổi được đến trường.

Riêng xã Vĩnh Hội Đông và xã Phú Hữu địa hình còn thấp, có thể đường bị ngập một số đoạn nếu lũ dâng lên cao. Phòng Giáo dục đã tham mưu Ủy ban bố trí phương tiện đưa rước thầy trò nếu đường bị lũ chia cắt; tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo an toàn cho khách đi trên đò, nhất là đối tượng học sinh. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi thiên tai xảy ra.

Theo kế hoạch của ngành giáo dục các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp thời gian nhập các cấp học từ học từ 14-28/8
Theo kế hoạch của ngành giáo dục các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp thời gian nhập các cấp học từ học từ 14-28/8

Tại Kiên Giang, huyện biên giới Giang Thành cũng đã sẵn sàng cho năm học mới. Theo ông Hà Quang Minh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Giang Thành cho biết: Hiện nay, các trường tập trung công tác huy động học sinh, vận động toàn dân đưa trẻ đến trường. Huyện Giang Thành phấn đấu đạt tỷ lệ này từ 98% trở lên, tương đương hơn 5.800 học sinh ở 3 cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” trong toàn ngành giáo dục - đào tạo Giang Thành.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2017-2018, huyện Giang Thành triển khai các giải pháp đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục - đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo. Huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành giáo dục - đào tạo có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực rèn luyện về phẩm chất đạo đức, không ngừng bồi dưỡng về chuyển môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, các học sinh ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang sẽ nhập học vào 14 -28/8. Những huyện biên giới như Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), huyện An Phú (An Giang), huyện Giang Thành (Kiên Giang) lãnh đạo các địa phương này chỉ đạo các ngành liên quan tạo mọi điều kiện để tiếp nhận học sinh là con em Việt kiều từ Campuchia hồi hương trở về địa phương nhập học. Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho học sinh nghèo cũng được địa phương quan tâm, các tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ nhiều phần quà, học bổng cho các em.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm