Đắk Nông: Xây dựng làng nghề vừa thoát nghèo, vừa giữ văn hóa truyền thống
(Dân trí) - Đắk Nông lựa chọn, xây dựng hai làng nghề làm rượu cần và dệt thổ cẩm. Ngoài việc tạo việc làm, giúp người lao động thoát nghèo, đây còn là cách để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.
Khôi phục làng nghề truyền thống
Xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) nằm cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 20km, là địa phương nổi tiếng với nghề làm rượu cần và dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ. Đã có thời điểm, người dân trong xã chỉ quen sử dụng với những sản phẩm công nghiệp. Rượu cần, thổ cẩm chỉ còn xuất hiện trong những nghi lễ quan trọng của buôn làng.
Thế nhưng, từ ngày được tỉnh Đắk Nông công nhận "làm rượu cần", "dệt thổ cẩm" là nghề truyền thống, thì rượu cần và thổ cẩm đã vượt khỏi đời sống buôn làng, mang đến thu nhập ổn định hơn cho nhiều lao động nông thôn.
Tháng 8/2018, tổ hợp tác sản xuất rượu cần xã Đắk Nia được thành lập, quy tụ nhiều thành viên là những người đang sản xuất rượu cần trong bon (buôn) Ting Wel Đơm, bon Bu Sóp và bon N'Jriêng.
Hiện nay, tổ hợp tác này đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh để xây dựng logo, nhãn hiệu hàng hóa. Tổ hợp tác đang đầu tư xây dựng nhà kho, ché, giá trưng bày và bán sản phẩm. Đồng thời tổ hợp tác cũng xúc tiến các hoạt động "chào hàng" ở cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại sự kiện trong và ngoài tỉnh.
Theo chị H'Grum (bon N'jiêng, xã Đắk Nia), trước đây rượu cần chủ yếu nấu để phục vụ gia đình và chỉ người lớn tuổi mới biết nấu, biết ủ. Từ ngày có làng nghề, không những người trẻ được dạy nghề, truyền nghề mà thương hiệu rượu cần Đắk Nia cũng được nhiều người biết đến hơn, nhiều gia đình đang có nguồn thu ổn định cuộc sống bằng nghề này.
Tương tự, sau nhiều lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, xã Đắk Nia cũng hình thành tổ hợp tác thổ cẩm với sự tham gia của phần lớn phụ nữ đồng bào Mạ.
Không còn gói trọn trong chiếc khăn, tấm vải may đồ như trước nữa, mà thổ cẩm được dệt ra còn mang tính thương mại, như một sản phẩm thời trang, quà lưu niệm hoặc phụ kiện trang trí nhà cửa… Làng nghề dệt thổ cẩm Đắk Nia cũng trở thành "đầu mối" cung cấp các sản phẩm từ nghề dệt cho tỉnh Đắk Nông và các địa phương, đối tác khác.
"Đã có những khách hàng quốc tế, khách hàng từ Hà Nội, TP.HCM đặt hàng thổ cẩm của xã Đắk Nia nhưng không đáp ứng được số lượng. Từ khi hình thành làng nghề này, thương hiệu thổ cẩm của Đắk Nia được nhiều người biết đến hơn", chị H'Bình - Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm chia sẻ.
Đào tạo nghề gắn với bảo tồn văn hóa
Được biết, thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông đã đưa dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề, đào tạo nghề và tổ chức hàng chục lớp, dạy nghề dệt thổ cẩm cho cả ngàn lao động, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, các nghệ nhân có tay nghề cao được mời làm giảng viên. Việc đào tạo nghề đã chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ dệt thổ cẩm cho đồng bào, từ quay chỉ, móc, dệt, làm hoa văn và cách thiết kế, may các sản phẩm cách tân.
Trong khi đó, theo Phòng LĐ, TB&XH TP. Gia Nghĩa, hiện nay tại xã Đắk Nia đã gần như "phổ cập" việc đào tạo nghề dệt cho các đối tượng lao động… Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, thu hút được rất nhiều phụ nữ tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Chính vì thế, tỷ lệ người biết dệt thổ cẩm tại địa phương này cũng rất cao.
"Bây giờ rất nhiều chị em biết dệt, từ đơn giản đến phức tạp. Tay nghề càng cao thì giá trị tấm thổ cẩm càng cao. Vừa có thu nhập, vừa giữ được nghề của ông bà, tổ tiên để lại", một thành viên tổ hợp tác dệt cho hay.
Tương tự, chị H'Brêm (bon Ting Wel Đơm) cũng cho rằng, các tổ hợp tác dệt thổ cẩm và sản xuất nấu rượu cần được thành lập đã giúp bà còn biết giữ gìn nghề truyền thống bao đời nay để lại.
"Chúng tôi cũng có thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ các nghề này từ đó sẽ giữ gìn nghề truyền thống và truyền lại cho các thế hệ con cháu để phát triển hơn nữa", chị H'Brêm nói.
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ, TB&XH tỉnh Đắk Nông, các tổ hợp tác được thành lập vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống và bước đầu giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào. Hiện tại, thu nhập của những hộ dệt thổ cẩm ổn định khoảng 3-5 triệu đồng/tháng, cá biệt có lao động thu 10 triệu đồng/tháng.
"Nếu trong thời gian tới thị trường ổn định thì chắc chắn làng nghề sẽ tạo việc làm thêm cho nhiều lao động địa phương, qua đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ", lãnh đạo Phòng Lao động - Việc làm nhìn nhận.