Đắk Nông nỗ lực đưa dệt thổ cẩm thành nghề thoát nghèo
(Dân trí) - (Dân trí)- Hai năm một lần, tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam. Nghề dệt thổ cẩm được quan tâm đúng mức, trở thành một trong những nghề thoát nghèo cho người dân Đắk Nông.
Những làng nghề thổ cẩm
Những ngày đầu cuối năm, khi càng gần Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần II, chị H’Bình (dân tộc Mạ, bon N’jiêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) càng miệt mài dệt thổ cẩm.
Chị H’Bình đang dệt tấm váy do khách đặt hàng, Bé H’Nhàn - con gái của chị thì cặm cụi dệt tấm váy khổ hẹp hơn. Cô bé mới học lớp 7 nhưng đã có thể dệt được túi, áo, váy với những nét hoa văn khá cầu kì.
Nghệ nhân người Mạ chia sẻ, gia đình chị có 3 thế hệ biết dệt thổ cẩm. Hàng năm ngành văn hóa tỉnh Đắk Nông thường mời gia đình dạy tại các lớp dệt thổ cẩm. Xã Đắk Nia- nơi gia đình chị sinh sống cũng được chọn để xây dựng thành làng nghề dệt thổ cẩm của tỉnh Đắk Nông.
Chia sẻ về ý tưởng của mình, nữ nghệ nhân 40 tuổi cho biết, bản thân đang ấp ủ dự định sẽ tạo ra những tấm thổ cẩm bằng cách phối hoa văn truyền thống lên trang phục hiện đại, phù hợp hơn người tiêu dùng.
Nhiều năm nay, xã Đắk R’tih (huyện Tuy Đức) được chọn để mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm. Nhiều phụ nữ Mơ Nông, Ê Đê tại đây đã tự mình dệt được vải. Vải dệt ra được may thành váy áo, túi xách, chăn đắp... phục vụ nhu cầu của mọi người trong gia đình.
Căn nhà nhỏ của Thị Nhoan (xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức) nổi bật bởi những tấm vải thổ cẩm. Thị Nhoan bảo: “Tất cả là do chị dệt. Đã là con gái M’Nông thì phải biết dệt váy, dệt khăn cho mình, dệt chăn làm của hồi môn và tặng gia đình chồng”.
Thấm thoát đã hai chục năm trôi qua, chiếc khung cửi quen thuộc đã nhẵn bóng, Thị Nhoan cũng không nhớ nổi mình đã dệt bao nhiêu tấm rèm cửa, chăn, váy, khăn...chỉ biết rằng, tình yêu dành cho nghề vẫn vẹn nguyên.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều làng nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ và phát triển. Không chỉ để gìn giữ bản sắc văn hóa, các làng nghề dệt thổ cẩm này còn giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nâng cao giá trị thổ cẩm Đắk Nông
Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 600 nghệ nhân dệt thổ cẩm, chưa tính hàng trăm người biết dệt những sản phẩm đơn giản. Sản phẩm thổ cẩm làm ra được mua bán, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình.
Dẫu thổ cẩm không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân như xưa nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề dệt. Thổ cẩm là sợi gắn kết họ giữa khung cửi với tình yêu đặc biệt dành cho nét đẹp văn hóa truyền thống.
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình, dự án để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của thổ cẩm, giúp người dân địa phương nhất là đồng bào DTTS thoát nghèo và có thêm điều kiện để tổ chức sản xuất.
Năm 2018, tỉnh này đã tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm cho nhiều nghệ nhân là đồng bào dân tộc Ê Đê, Mạ, Mơ Nông, Dao...
Ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm mới giúp đồng bào rút ngắn thời gian, chi phí, nguyên liệu; sản phẩm thổ cẩm ngày càng phù hợp với nhu cầu thị hiếu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nghệ nhân H’Rui (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) cho biết, hai năm trước, bà được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đồng thời được tặng một bộ khung dệt mới, mỗi tháng bà đã tạo ra hàng chục sản phẩm.
“Trước giờ dệt thổ cẩm chỉ bằng 1 khung cửi, mất 1 tuần đến 1 tháng mới được một tấm vải. Nay với khung dệt và kỹ thuật mới chỉ mất vài ngày”-nghệ nhân H’rui cho biết.
Đến năm 2019, UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ I. Với nhiều chương trình, hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá thổ cẩm các dân tộc đến bạn bè trong nước và thế giới.
Lễ hội không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, mà còn tạo ra cơ hội để tìm kiếm đầu ra cho thổ cẩm. Nhiều gia đình, làng nghề đã tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm truyền thống.
Cuối tháng 9/2020, UBND tỉnh Đắk Nông lại phê duyệt Dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm thuộc Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020. Dự án sẽ đầu tư trang bị khung dệt, máy may, sợi chỉ... cho 19 hộ nghèo xã Nhân Đạo và xã Quảng Khê.
Mục tiêu là xây dựng và nhân rộng được cách làm hiệu quả của mô hình giảm nghèo, nhằm tạo thêm việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, có thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống...
Tiếp nối lần thứ nhất, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần II cũng sẽ được tổ chức vào tháng 11/2020. Đây là dịp Đắk Nông quảng bá hình ảnh, giá trị của thổ cẩm với bạn bè trong ngoài nước.
Thổ cẩm Đắk Nông một lần nữa được nâng tầm giá trị, với hy vọng trở thành nghề thoát nghèo bền vững của tỉnh phía nam Tây Nguyên.