“Đại tướng Võ Nguyên Giáp với khoa học, giáo dục và đào tạo”

(Dân trí) - Ngày 9/1, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ làm lễ ra mắt cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với khoa học, giáo dục và đào tạo” nhân dịp 100 ngày Đại tướng về với “thế giới người hiền” và giao lưu với nhà khoa học xoay quanh chủ đề của cuốn sách.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2362/Dai-tuong-Vo-guyen-Giap-voi-cong-tac-khuyen-hoc.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Đại tướng Võ Nguyên Giáp với công tác khuyến học</b></a>

Các nhà giáo, nhà khoa học tham gia giao lưu là tác giả của cuốn sách: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo”gồm có GS.VS.TSKH.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; Nhà Sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội khoá XI - XIII, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng - đại biểu Quốc hội khoá X - XII, Tổng thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam;Đại tá Trịnh Nguyên Huân - Thư ký khoa học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại diện gia đình Đại tướng…

TS. Nguyễn Bá Cường - Giám đốc NXB ĐH Sư phạm, đơn vị có vinh dự được xuất bản cho biết cuốn sách gồm hai nội dung chính: Phần một của cuốn sách là tuyển tập các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về khoa học, giáo dục và đào tạo (có một số bài viết lần đầu tiên được công bố). Các bài viết đó đã cơ bản thể hiện những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học - kĩ thuật và công nghệ, chú trọng phát triển khoa học tự nhiên và đặc biệt coi trọng khoa học xã hội - nhân văn cả trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp với khoa học, giáo dục và đào tạo”


Những vấn đề Đại tướng đặt ra có ý nghĩa định hướng đối với sự phát triển của nền khoa học Việt Nam hiện đại. Đại tướng đã nêu lên những nhiệm vụ và phương hướng chiến lược của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, từ giáo dục kĩ thuật công nghệ đến giáo dục lao động sản xuất, từ giáo dục hướng nghiệp đến giáo dục kĩ thuật - tổng hợp, chuyên nghiệp… Đại tướng đặc biệt quan tâm đến giáo dục miền núi, đặc biệt là ở những vùng căn cứ cách mạng, vùng khó khăn.

Về nội dung giáo dục, Đại tướng nêu rõ yêu cầu cần phải giáo dục toàn diện cho người học, trong đó đề cao giáo dục thể chất, giáo dục tư tưởng, đạo đức và gắn liền với chú trọng giáo dục tri thức, kĩ năng thực hành và ý thức thẩm mĩ, ngoại ngữ… Về phương pháp giáo dục, Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh cần phải kết hợp giữa giáo dục lí thuyết với năng lực thực hành, nâng cao năng lực chủ động của người học... Tư tưởng cốt lõi của Đại tướng trong các bài viết đó là vấn đề chiến lược con người, giáo dục con người phát triển toàn diện. Những bài viết cuối cùng của Đại tướng là những trăn trở tâm huyết đối với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, là niềm mong mỏi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu phải được thực hiện một cách thực sự, kiên quyết có tính cách mạng nhằm thúc đẩy sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và là nền tảng để xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân, đưa đất nước tiến kịp các nước tiên tiên trên thế giới.

Phần hai của cuốn sách là tuyển tập các bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí về Đại tướng với sự nghiệp khoa học - kĩ thuật và giáo dục - đào tạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà sử học, hoạ sĩ và các bạn trẻ…: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Vũ Oanh, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương GS.VS. Đặng Hữu, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục GS.VS.TSKH.NGND. Phạm Minh Hạc, nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, GS. Văn Tạo, PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, PGS.TS. Vũ Cao Đàm, PGS.TS. Tô Bá Trọng... Các bài viết này có thể đã được đăng từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống hoặc có thể là những hồi ức đầy tiếc thương và tự hào khi Người về cõi vĩnh hằng, nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn sự quan tâm của Đại tướng không chỉ đối với cá nhân mỗi người mà còn đối với sự nghiệp chung của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013).

Phụ lục ảnh của cuốn sách tuyển chọn một số hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có những tư liệu về cuộc đời hoạt động của Người, một số ảnh ghi lại các mốc sự kiện với sự phát triển của khoa học nước nhà, sự quan tâm của Đại tướng đối với các nhà khoa học, với nhân sĩ trí thức, với thanh thiếu nhi, với các cơ sở đào tạo và các cơ quan nghiên cứu khoa học...

Là người cùng tham gia viết cuốn sách, GS.VS.TSKH.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục,Chủ tịch Hội Cựu Giáo chứcViệt Nam chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều biết, Đại tướng thường xuyên quan tâm đến giáo dục. Trước những yếu kém, bất cập, tiêu cực trong giáo dục, Đại tướng đã phát biểu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với đội ngũ chúng ta, đề xuất phải đổi mới căn bản, mạnh mẽ nền giáo dục, theo kịp với thời đại cách mạng thông tin, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế. Muốn đổi mới giáo dục thành công phải chăm lo phát triển khoa học giáo dục. Đại tướng lo cả tới chương trình và sách giáo khoa, mong sao sớm chỉnh sửa tình trạng “quá tải”, nhất là thừa nhiều tri thức hàn lâm chưa cần thiết đối với học vấn phổ thông, thiếu nhiều năng lực thực hành. Đặc biệt, Đại tướng rất quan tâm đến đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, khen ngợi những tấm gương tốt, thông cảm với những khó khăn và mong đợi cải thiện đời sống của thầy cô giáo”

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm