Đại học vắng bóng... trợ giảng

Giảng viên trợ giảng đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong giảng dạy nhưng số trường áp dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại một siêu thị lớn, nhóm sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM tỏa ra các lối đi, quầy hàng, điểm thanh toán tiền của siêu thị. Sinh viên được giảng viên trợ giảng hướng dẫn cách ghi chép, nghiên cứu về lý thuyết trưng bày hàng hóa sao cho thu hút, kích thích được khách hàng. Sau buổi học, các em viết báo cáo nêu ra nhiều quy luật mới, ví dụ như: khách hàng khi vào siêu thị thường thích rẽ tay trái để tìm hàng mua. “Từ buổi thực tế này, có cả những nhận xét mà ngay học viên theo học thạc sĩ cũng chưa thể nghiên cứu ra được” - trợ giảng Nguyễn Thanh Bình, khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, nhận xét.

Tốn tiền nhưng hiệu quả cao

Trong hai năm trở lại đây, ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM là trường ĐH đầu tiên mạnh dạn áp dụng trợ giảng cho tất cả môn học. Ngoài môn marketing kể trên, sinh viên ngành luật cũng được trợ giảng hướng dẫn đến tòa án tham dự các phiên xét xử để nắm bắt các tình tiết vi phạm luật trong hoạt động kinh doanh. Sinh viên ngành tài chính ngân hàng thì được trợ giảng đưa đến các sàn giao dịch chứng khoán để được nắm bắt thực tế thị trường giao dịch kinh doanh chứng khoán...

Ngay lúc đầu nhà trường áp dụng hình thức trợ giảng, nhiều giảng viên và sinh viên ngỡ ngàng vì họ đã quen cách dạy và học không có trợ giảng. Nhưng sau đó, giảng viên đều hứng thú. Sinh viên mạnh dạn tiếp xúc với giảng viên hơn, nắm kiến thức tốt hơn, làm bài thi điểm cao hơn. Nguyễn Ngọc Ngân, sinh viên ngành tài chính, nhận xét: “Ngoài việc thường xuyên hướng dẫn sinh viên thực hành ngoại khóa, trợ giảng còn giúp giải đáp các thắc mắc của sinh viên về kiến thức, làm bài thực tập, chấm bài, giúp giảng viên giảng dạy một phần kiến thức môn học (tùy theo yêu cầu của giảng viên chính), hướng nghiệp sinh viên”.

Đại học vắng bóng... trợ giảng - 1
Giảng viên trợ giảng - Thạc sĩ Nguyễn Phương Nam (Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM) giải đáp những thắc mắc của sinh viên về môn xác suất thống kê.

Về sự cần thiết của giảng viên trợ giảng, Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Trưởng khoa Đại cương Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, nhận định: “Quá trình đào tạo cần có sự tương tác qua lại liên tục giữa người thầy và sinh viên, nếu thiếu trợ giảng chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ rất khó nâng cao”. Đây cũng là lý do khiến trường sẵn sàng chấp nhận tăng gấp đôi chi phí để phát triển đội ngũ trợ giảng.

Lờ trợ giảng vì sợ tốn

Bộ GD&ĐT hiện chưa có thống kê số trường áp dụng hình thức trợ giảng vì hình thức này rất hiếm được áp dụng. Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều trường đại học lớn chưa áp dụng hình thức này. Còn với các trường đại học dân lập, tư thục thì hoàn toàn không áp dụng.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đánh giá: “Xưa nay, vấn đề trợ giảng đối với các trường đại học, kể cả các trường lớn như ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Kinh tế TPHCM... rất mờ nhạt. Phần lớn giảng viên trợ giảng chỉ dùng thời gian để làm quen việc giảng dạy môn học, “theo thầy học nghề” trong vòng hai năm cho thạo việc để chuẩn bị làm giảng viên chính”.

Vì sao từ nhiều năm nay hầu hết các trường đều bỏ ngỏ, không áp dụng hình thức trợ giảng trong các buổi học? Theo nhận định từ các chuyên gia đào tạo, lý do chính là các trường không đủ kinh phí. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương giải thích: “Học phí hiện nay bình quân mỗi em đóng 2,4 triệu đồng/năm. Mức thu này chưa đủ chi cho giảng viên chính, nếu áp dụng trợ giảng một lớp hai thầy thì lấy đâu ra kinh phí.”.

Trường nhiệt tình lắm mới có trợ giảng

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cũng nhìn nhận vai trò giảng viên trợ giảng rất tích cực. Họ vừa trợ giảng trên lớp vừa giải đáp thắc mắc về kiến thức, thực hành ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên theo thầy Phong, nếu sử dụng trợ giảng thì chi phí đào tạo bị đẩy lên gấp đôi. Vì vậy, chỉ những trường mạnh tài chính, nhiệt tình muốn nâng cao chất lượng đào tạo mới dám áp dụng.

Trên thực tế, do thiếu quy định nên nhìn chung các trường đều tự mày mò thực hiện theo khả năng. Nguồn giảng viên trợ giảng của mỗi trường đều khác nhau, có thể là sinh viên tốt nghiệp, cũng có thể là thạc sĩ đang làm đề tài... Dĩ nhiên, thù lao trả cho trợ giảng cũng... tùy hỷ.

Nên sớm có quy chế về trợ giảng!

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Hiện chưa có một quy chế nào quy định hình thức trợ giảng, cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ cho giảng viên trợ giảng ra sao. Trợ giảng hiện nay làm việc nhiều sau giờ giảng, chấm bài, lên mạng trao đổi hướng dẫn với sinh viên... rất cực nhưng lại không có thù lao thỏa đáng. Sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không sử dụng giáo viên trợ giảng để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần sớm nghiên cứu và ban hành quy chế này.

 
Theo Xuân Chiểu
Pháp Luật TPHCM