GS Trần Ngọc Thêm:
“Đại học quốc gia phải là nơi đào tạo chính khách”
(Dân trí) - Theo GS Trần Ngọc Thêm, đại học quốc gia (ĐHQG) theo nghĩa hẹp của Việt Nam hay ĐHQG hàng đầu như cách hiểu của quốc tế thì mô hình ĐH này sẽ không bao giờ chết được. Hãy trả chức năng đào tạo chính khách cho ĐHQG như cách mà quốc tế đang làm.
Mô hình đại học 4.0 áp dụng, triển khai trong điều kiện Việt Nam thế nào? Tại hội thảo bàn về vấn đề này do ĐHQG TPHCM tổ chức đầu tuần này, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các trường ĐH cùng thảo luận để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội thảo này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, giảng viên cao cấp Trường ĐH KHXH&NV TPHCM góp ý kiến cho mô hình ĐHQG sẽ cần giải quyết trong tương lai.
GS Thêm cho rằng, khái niệm ĐHQG hiện có 2 cách hiểu, trong đó nếu hiểu theo quốc tế thì đó là một ĐH của nhà nước, còn hiểu theo cách Việt Nam thì đó là những ĐH nhà nước hàng đầu.
“Tôi nghĩ đối với những ĐH bình thường chỉ hướng đến giáo dục đào tạo nghiên cứu ứng dụng thì vai trò của nó có thể sẽ giảm đi cùng theo sự phát triển của công nghệ và không thể dự đoán trước được. Tuy nhiên, ĐHQG theo nghĩa hẹp hay ĐHQG hàng đầu như cách hiểu của các nước thì mô hình ĐH này sẽ không bao giờ chết được”, GS Trần Ngọc Thêm khẳng định.
Theo ông Thêm lý giải, ĐHQG của thế giới hay của Việt Nam đều có hai nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo ứng viên các giải Nobel và đào tạo chính khách. Đối với nhiệm vụ đào tạo ứng viên các giải Nobel, ông Thêm khẳng định rằng “điều này thì các ĐH thường sẽ không bao giờ làm mà họ tập trung vào ứng dụng, còn đào tạo các ứng viên giải Nobel là phải tương tác trực tiếp, thiên về phương pháp, nếu không thầy cũng như sự giao lưu tại lớp học thì sẽ không làm được”.
Còn đối với nhiệm vụ đào tạo chính khách, GS Thêm cho rằng đây cũng là một dạng nghiên cứu ứng dụng đặc biệt, đòi hỏi nhà chính khách có nền học thức rất rộng và có kỹ năng tư duy ứng phó rất nhanh đòi hỏi phải có sự luyện tập. Ông Thêm cho rằng hệ thống đào tạo chính khách ở Việt Nam thời gian qua không làm được những chức năng này. Ông khẳng định rằng tương lai hãy trả chức năng đào tạo chính khách về cho các ĐH hàng đầu kiểu như một số nước đã làm, có như vậy thì GD ĐH nước ta mới phát triển được. Còn với tình hình như hiện nay thì vẫn sẽ còn lúng túng hoài mà nguyên nhân chính là không ai chủ động cùng hướng vào một mục tiêu chung.
“Nếu như TS Nguyễn Thanh Phượng chia sẻ kinh nghiệm của ĐH Arizona là “cả trường đều cùng nhìn về một mục tiêu thì sẽ thành công”, nhưng ở Việt Nam thì cả trường không nhằm cùng vì một mục tiêu mà không thể nào làm được điều đó nếu không ép”, ông Thêm nói.
Đồng thời, ông Thêm cũng nhận định, “muốn đào tạo có chất lượng thì kinh phí ĐHQG phải gấp 3 lần hiện nay, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước phải tăng gấp đôi. Vì nếu các ĐH thường có thể bù kinh phí bằng các nguồn học phí thì ĐHQG sẽ không làm được điều đó. Bởi, đào tạo các ứng viên giải Nobel hoặc đào tạo chính khách thì số lượng không nhiều, khó trông chờ vào nguồn học phí”.
Theo GS Trần Ngọc Thêm, giải pháp mà các ĐHQG trên thế giới đã làm là doanh nghiệp sẽ sử dụng các sáng chế của sinh viên tạo ra và đóng góp kinh phí trở vào. Đồng thời, 2 mục tiêu mà ĐHQG đào tạo ra đều phục vụ cho nhà nước thì nhà nước phải bỏ kinh phí bù vào việc đào tạo này. Ngoài ra, có thể khai thác bằng hình thức xã hội hóa từ các tập đoàn muốn đóng góp tự nguyện vào.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Phượng, Giám đốc quốc gia, ĐH bang Arizona (Mỹ) chia sẻ mô hình thành công của ĐH bang Arizona với đặc trưng là doanh nghiệp tri thức. Bà Phượng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được mô hình này. Bởi đây là mô hình mới được phát triển thay thế cho mô hình giáo dục truyền thống đã không còn phù hợp, do xã hội đang diễn ra sự thay đổi nhanh chóng ở mọi lĩnh vực. Theo TS Thanh Phượng, yếu tố đầu tiên là các trường phải có mục đích rõ ràng và mục đích này cần được chia sẻ thật kỹ với giảng viên, sinh viên trong trường để cùng thực hiện. Mục đích quan trọng sẽ gồm 3 nội dung là tăng cường phục vụ càng nhiều sinh viên và giúp họ thành công; nghiên cứu phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn và nhà trường sẽ phục vụ cộng đồng.
Lê Phương