Đại học nghề, xu hướng tương lai

Những năm vừa qua có lẽ là thời kỳ “đẻ trứng vàng” của ngành giáo dục “cấp 4” khi hàng loạt trường trung cấp, cao đẳng nâng tầm lên đại học, hàng trăm trường đại học mới được thành lập, các trường đại học cũ ồ ạt mở thêm các chuyên ngành đào tạo…


Đại học nghề, xu hướng tương lai
Trong khi thực tế xã hội, tình trạng thừa thầy thiếu thợ càng phổ biến. Tiến tới một đại học nghề nhằm đào tạo ra những người thợ tinh thông, để khi đi làm mức lương của những người thợ này nhận được sẽ không hề thua kém bất cứ một ngành nghề nào khác là hướng mà ngành giáo dục nên chú ý.

Ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, khuynh hướng thương mại hóa trường đại học khá phổ biến. Các ngành đào tạo “hot” như quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, tin học, tài chính kế toán mở ra khắp nơi, nhiều trường đại học đưa ra mức điểm đầu vào “dễ như ăn kẹo” hoặc tung ra các “chiêu” thu hút thí sinh như hạ điểm sàn, tặng học bổng… Đào tạo các ngành không theo nhu cầu xã hội mà theo trào lưu ồ ạt dẫn đến tình trạng phổ cập đại học.

Thậm chí không chỉ tốt nghiệp một ngành, nhiều sinh viên còn có mấy tấm bằng đại học trong tay, được đào tạo ở hệ tại chức, mở rộng, văn bằng 2. Không chỉ dừng lại ở đó, thậm chí hiện còn có tình trạng phổ cập thạc sĩ khi một số lượng lớn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, lại quay về trường học tiếp lên bậc cao hơn trong lúc chờ việc.

Trên thế giới, đã từ lâu khái niệm đại học ứng dụng được phát triển khá mạnh. Ở nước ta các ngành đại học ứng dụng cũng có khá nhiều như công nghệ sinh học, kỹ thuật điện, cơ khí, hóa học, mỹ thuật công nghiệp… nhưng hiện chưa thu hút được người học như các trường “hot” khác.

Trong khi đó, các trường trung cấp nghề lại rất khó tuyển sinh. Mặc dù việc phân luồng học sinh sau trung học được ngành giáo dục rất quan tâm nhưng thực trạng “chờ ôn thi năm tiếp hay vào đại học dân lập còn hơn đi trường nghề” diễn ra khá phổ biến.

Hoặc xảy ra tình trạng rất nhiều học sinh học trung cấp nghề, rồi sau đó tìm cách học liên thông chỉ cốt để có tấm bằng đại học. Tâm lý có tấm bằng đại học dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt.

Ở Việt Nam, học đại học là gắn với mác “nghiên cứu”, để được làm thầy, làm cán bộ còn các ngành ứng dụng phần lớn bị coi là để làm thợ, làm phục vụ. Một phần nguyên nhân đó cũng là xuất phát từ việc đào tạo đại học của nước ta thiên về nghiên cứu, thiếu các kỹ năng thực hành.

Hơn nữa, chế độ lương phụ cấp cho trình độ đại học hiện nay cao hơn nên ai cũng phải tìm cách “xóa bằng” khiến tình trạng thừa thầy thiếu thợ diễn ra nhiều năm liên tục.

Thay đổi nhận thức về khái niệm thầy và thợ không thể một sớm một chiều mà giải pháp tốt nhất hợp với xu thế giáo dục hiện đại là phát triển đại học ứng dụng - đại học nghề. Không chỉ đáp ứng mong muốn có bằng đại học cho học sinh và các gia đình của họ, mà quan trọng hơn đại học nghề cung cấp cho xã hội một đội ngũ nhân lực trình độ cao.

Theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, việc có thêm bậc đại học với kỹ sư thực hành sẽ “giúp xóa bỏ định kiến học nghề không có bằng cấp”, đáp ứng nhu cầu chính đáng muốn phát triển con đường học tập của người học. Tương lai, các ngành này có thể nâng cao lên các bậc tiến sĩ nghề, thạc sĩ nghề.

Việt Nam hiện có hơn 160 trường cao đẳng nghề và hơn 300 trường trung cấp nghề. Tổng cục Dạy nghề đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Để thực hiện Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020, việc đột phá chất lượng dạy nghề đang được chú trọng, đặc biệt tập trung vào một số nghề đạt trình độ cao (quốc gia, khu vực, quốc tế) để tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.

Mục tiêu đến năm 2015, tất cả các nghề trọng điểm quốc gia, nghề cấp khu vực, quốc tế; các trường chất lượng cao, trung tâm dạy nghề kiểu mẫu được kiểm định chất lượng; 3 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề ở 3 vùng và một số trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề sẽ được hình thành.

Theo Hà Đăng/Thời báo Ngân hàng