Thừa Thiên Huế:
Đại học Huế đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân 60 năm thành lập
(Dân trí) - Sáng 3/3 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng, phát triển (1957-2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng cho Đại học Huế và chúc cho toàn thể Đại học Huế sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Video:
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế đã khái quát lịch sử và bề dày phát triển Đại học Huế từ năm 1957 đến nay. Mục tiêu phát triển thời gian tối là sẽ nâng cao vị thế Đại học Huế trong khu vực và quốc tế, phấn đầu đến năm 2020 trở thành một đại học có thứ hạng cao, uy tín và có khả năng hội nhập, phát triển tốt nhất.
“Đại học Huế sẽ chú ý trong đào tạo có một số ngành về sức khỏe, nông lâm ngư, vật lý, hóa học, sinh học, thông tin, quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế, du lịch… có thương hiệu tốt, sức thu hút cao kết hợp với khoa học, công nghệ có khả năng ứng dụng, chuyển giao và thương mại cao để tăng nguồn thu, đầu tư lại cho các nghiên cứu” - PGS.TS. Nguyễn Quang Linh cho biết.
Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, giai đoạn hiện nay tỉnh đang tập trung các nguồn lực để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững trong đó giáo dục - đào tạo là chìa khóa của sự thành công. Ban thường vụ Tỉnh ủy mong rằng Đại học Huế sẽ vừa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, vừa phối hợp các ngành nhằm chuyển giao những tiến bộ công nghệ thông tin, công nghệ môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo tồn di sản văn hóa Huế nhằm thúc đẩy Huế phát triển nhanh và bền vững.
Hiện Đại học Huế gồm 8 trường đại học thành viên, 2 khoa và 1 phân hiệu trực thuộc. Đội ngũ nhân lực Đại học Huế có 3.878 cán bộ, viên chức và lao động, trong đó 2.113 giảng viên và 300 nghiên cứu viên, gần 250 giáo sư, phó giáo sư… Từ năm 2000 đến nay Đại học Huế đã thực hiện 179 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước; 876 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ; 131 đề tài cấp tỉnh, hàng ngàn đề tài cấp Đại học Huế và cấp cơ sở.
Các nghiên cứu khoa học đã tạo ra hàng trăm sản phẩm công nghệ, nhiều sản phẩm có tiềm năng thương mại như các giống cây con, chế phẩm sinh học, các hoạt chất sinh học phòng trừ bệnh dịch cho con người và vật nuôi; vật liệu mới, thiết bị và công nghệ thông minh; các kết quả phục vụ tích cực điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Toàn Đại học Huế có 114 ngành đào tạo đại học, 75 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 45 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 72 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; 2 chương trình tiên tiến, 7 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Trong năm 2016, Đại học Huế được xếp hạng 350 các trường đại học hàng đầu châu Á và đứng thứ 4 trong các trường đại học Việt Nam (theo QS University Rankings Asia).
Đại Dương