Đại học bàn về cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trên thế giới và Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 3/11 tại TP Huế, Trường Đại học Luật Huế (Đại học Huế) phối hợp với Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật trường Đại học ChampaSack (Lào) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trên thế giới và Việt Nam”.

Tại hội thảo có ông Khampha HomeSomeBath, Phó hiệu trưởng trường Đại học ChampaSack (Lào), PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Luật trường Đại học Quốc gias Hà Nội, PGS.TS Võ Khánh Vinh, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS, PGS ngành luật, PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Huế cùng nhiều chuyên gia luật, nhà nghiên cứu, luật sư, đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề luôn luôn được các quốc gia quan tâm. Quyền lực nhà nước, với tính chất cưỡng chế công đặc biệt của nó, có sức mạnh rất lớn. Nó được thực thi hữu hiệu thông qua những công cụ rất mạnh đó là: các thiết chế nhà nước và luật pháp do nhà nước ban hành. Những công cụ này có tác động đến mọi đối tượng trong xã hội, ở một phạm vi rất rộng. Do đó khi quyền lực nhà nước bị tha hóa, được sử dụng để thỏa mãn lợi ích của những người nắm giữ nó và hậu quả gây ra cho xã hội thường rất nặng nề.

Ngay từ khi quyền lực nhà nước mới hình thành thì con người đã nghĩ đến những biện pháp để kiểm soát quyền lực nhà nước, chống lại sự tha hóa. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, các biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng đa dạng và hoàn thiện hơn, tồn tại song song với ba nhánh quyền lực truyền thống là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Các cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trên thế giới và Việt Nam”
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Các cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trên thế giới và Việt Nam”

Nhiều tham luận nổi bật, đáng chú ý như “Các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trên thế giới và áp dụng ở Việt Nam” của GS.TS Vũ Công Giao (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Nhà nước pháp quyền và yêu cầu về kiểm soát quyền lực nhà nước” của TS. Lê Thị Nga (trường Đại học Luật Huế); “Kiểm soát quyền lực nhà nước – Những vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay” của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội); “Giới hạn của quyền lập pháp - tiền đề cơ bản bảo đảm kiểm soát quyền lực của Quốc Hội Việt Nam” của TS. Đặng Công Cường (Đại học Luật Huế)…

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm